Phải có hợp đồng quy định rạch ròi giữa các bên trong việc thực hiện tách bạch quản lý tiền gửi của NĐT
Bà Nguyễn Thị Thục Anh, Phó ban Quản lý kinh doanh chứng khoán, UBCK cho rằng, để đảm bảo chặt chẽ quyền lợi, nghĩa vụ giữa các bên, giữa CTCK, ngân hàng và khách hàng nên có hợp đồng, có thể khách hàng phải ký 2 hợp đồng, một với CTCK, một với ngân hàng và giữa CTCK và ngân hàng có hợp đồng thỏa thuận với nhau. Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cũng nên tổng kết và rút kinh nghiệm về những hợp đồng của các công ty đã làm, lấy ra những ưu điểm để làm hình mẫu, tham khảo cho những đơn vị khác.
Khuyến cáo là vậy, nhưng thực tế mỗi nơi thực hiện một kiểu. Có CTCK yêu cầu khách hàng mới mở tài khoản ký 2 hợp đồng, một với CTCK, một với ngân hàng. Rắc rối ở chỗ hợp đồng của CTCK chỉ có 1 trang, còn hợp đồng với ngân hàng dài tới 2-3 trang, khai đủ các hạng mục như tình trạng hôn nhân, thu nhập… Nghĩa vụ của NĐT thì dài dòng, trong khi quyền lợi của họ lại không rõ, chỉ ghi chung chung (theo thỏa thuận giữa CTCK và ngân hàng) khiến đã có NĐT không đủ kiên nhẫn, bỏ giữa chừng không ký. Có CTCK hiện đã ủy quyền cho 3 ngân hàng quản lý tiền gửi của NĐT, tuy nhiên khi mở tài khoản, NĐT chỉ ký hợp đồng với CTCK, trong hợp đồng ghi "lưu giữ tiền của khách hàng tại tài khoản tiền gửi của NĐT về giao dịch chứng khoán tại ngân hàng chỉ định thanh toán theo quy định", tuyệt nhiên không đề cập đến việc số tiền này có được trả lãi hay không; trường hợp lệnh không thực hiện được do lỗi đường truyền giữa ngân hàng và CTCK, NĐT có được bồi thường hay không… Còn vô số trường hợp mà quyền lợi của NĐT có thể bị ảnh hưởng trong khi trách nhiệm thì chẳng biết "trút" lên ai. Hỏi thế nào là một hợp đồng tối ưu cho mối quan hệ nhiều chủ thể này, CTCK nào cũng lắc đầu nói "chúng tôi tự mò mẫm, làm gì có mẫu".
Nhìn sang các loại hợp đồng khác giữa NĐT là CTCK như giao dịch trực tuyến, ứng trước tiền bán chứng khoán, nếu có rủi ro xảy ra, thiệt hại hoàn toàn do NĐT gánh chịu. Có hợp đồng ghi: "Khách hàng hoàn toàn chịu trách nhiệm về các lệnh giao dịch được thực hiện bởi tên truy cập và mật khẩu của khách hàng. Khách hàng hoàn toàn ý thức được những rủi ro có thể xảy ra và chấp nhận những mất mát, thiệt hại phát sinh (nếu có)". Như vậy, có nghĩa là dù khách quan hay chủ quan, thiệt hại vẫn do NĐT gánh chịu và vụ việc tranh chấp (nếu có) được đưa đến tòa án thì CTCK cũng chẳng hề gì.
Hợp đồng ủy thác đấu giá mua cổ phần tại các CTCK chỉ quy định chung chung là khi giá trên thị trường tự do của cổ phiếu ủy thác giảm xuống bằng 70-80% so với giá đấu thì khách hàng có nghĩa vụ A,B,C…. nào đó với CTCK. Tuy nhiên giá cổ phiếu trên thị trường tự do căn cứ vào đâu để xác định thì lại không được nêu rõ, khiến CTCK có toàn quyền trong việc định đoạt nghĩa vụ của NĐT theo hợp đồng này.
Trao đổi với ĐTCK, Trưởng phòng pháp chế một CTCK cho biết, hiện tại UBCK không có bất cứ hợp đồng mẫu nào trong khi trên thực tế có nhiều dịch vụ chứng khoán rất cần một quy định chuẩn, chặt chẽ để các CTCK tham khảo thực hiện như repo, cầm cố, ủy thác đấu giá… Duy nhất hiện nay chỉ có một mẫu Giấy đề nghị mở tài khoản chứng khoán của Bộ Tài chính (trong Quyết định 27/2007/QĐ-BTC) với những nội dung như họ tên, CMT, nơi cư trú… của NĐT. Trên cơ sở mẫu này, các CTCK vẫn phải biến tấu để có hợp đồng chuẩn hơn, vì hợp đồng mẫu chỉ có thể áp dụng với NĐT cá nhân, với NĐT tổ chức thì cần nội dung khác như đăng ký kinh doanh, danh tính cổ đông sáng lập, người đại diện theo pháp luật…
"Thông thường khi CTCK cung cấp một dịch vụ nào đó, nếu thị trường đã có rồi thì chúng tôi kiếm hợp đồng của các CTCK khác về tham khảo, còn nếu dịch vụ mới tinh thì chủ yếu tự mày mò. Việc CTCK tự đưa ra điều khoản bảo vệ quyền lợi cho mình, do vậy hoàn toàn dễ hiểu", vị trưởng phòng này thừa nhận.
Bối cảnh TTCK Việt Nam ngày càng phức tạp khi có đến triệu chủ thể tham gia. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc UBCK và các cơ quan liên quan như VASB, VAFI… cần ngồi lại để xây dựng những hợp đồng mẫu thật tốt, trên cơ sở bảo vệ và cân bằng lợi ích của các chủ thể trên thị trường này.