Hiện tại, án hủy vì lỗi tố tụng vẫn chiếm tỷ lệ lớn

Hiện tại, án hủy vì lỗi tố tụng vẫn chiếm tỷ lệ lớn

Lỗi xác định sai quan hệ tranh chấp vẫn phổ biến

(ĐTCK) Lựa chọn và xác định sai quan hệ tranh chấp dẫn đến hệ quả là áp dụng pháp luật không đúng. Vụ việc có thể phải xét xử lại từ đầu, gây mất thời gian, công sức và chi phí cho các đương sự. Giữa các mối quan hệ tranh chấp đan xen, tìm đầu mối để gỡ được “mớ bòng bong” này không phải dễ dàng.

Bộ luật Dân sự vẫn được coi là luật gốc của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, tùy từng loại vụ việc tranh chấp mà có luật chuyên ngành điều chỉnh. Do đó, xác định đúng tên quan hệ tranh chấp không chỉ giúp áp dụng đúng quy định pháp luật, mà còn giúp giải quyết triệt để, toàn diện vụ việc.

Trong vụ kiện tranh chấp kết quả đấu thầu hồi tháng 7/2017, đương sự phải tốn rất nhiều thời gian “đáo tụng đình”, nhưng kết quả nhận được chỉ là con số “0”. Theo đơn khởi kiện, ông Nguyễn Văn Đ. (sinh năm 1953, tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là 1 trong 4 nhà thầu tham gia đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý Chợ Hòn Rớ, TP.Nha Trang. Ông Đ. cho biết, từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu đến thời điểm thông báo kết quả xét chọn thầu, Hội đồng xét chọn thầu UBND TP.Nha Trang có nhiều sai phạm, khiến kết quả lựa chọn nhà thầu không hợp lệ.

Cụ thể, UBND TP.Nha Trang đã áp dụng sai pháp luật cho việc đấu thầu, dẫn đến hình thức mời thầu không hợp pháp, không đúng Luật Đấu thầu và Quy chế về đấu thầu, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được ban hành kèm theo Quyết định số 38/2011/QĐ-UBND ngày 2/12/2011 của UBND Thành phố; áp dụng không thống nhất quy định về thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu; Hội đồng xét chọn thầu không đủ số lượng thành viên tối thiểu; khi mở thầu, Hội đồng xét chọn thầu không tóm tắt nội dung cơ bản, đặc biệt là giá của từng nhà thầu…

Sai phạm cơ bản là Hội đồng xét chọn thầu đã vi phạm quy định chấm thầu, thiếu minh bạch, khiến kết quả thầu bị sai lệch. Do đó, đương sự yêu cầu hủy Quyết định số 3666/QĐ-UBND ngày 2/10/2015 của UBND TP.Nha Trang phê duyệt kết quả đấu thầu và công nhận đơn vị trúng thầu.

Vụ việc được Tòa án nhân dân TP.Nha Trang đưa ra xét xử sơ thẩm vào tháng 6/2016. Cấp sơ thẩm xác định, đây là vụ việc tranh chấp kinh doanh thương mại vì các bên đều có mục đích lợi nhuận. Tòa áp dụng Luật Đấu thầu, Luật Thương mại và bác đơn yêu cầu khởi kiện. Nguyên đơn tiếp tục kháng cáo lên Tòa án nhân dân Tỉnh Khánh Hòa.

Tháng 7/2017, cấp phúc thẩm xem xét và thấy rằng, theo Luật Tố tụng hành chính 2015, nguyên đơn khiếu kiện quyết định thuộc thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của tòa án. Bản án phúc thẩm cũng nêu rõ: “UBND TP.Nha Trang tổ chức đấu thầu và ra quyết định công nhận đơn vị trúng thầu là thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không có mục đích lợi nhuận, nên không phải chủ thể trong vụ án kinh doanh thương mại”. Do đó, tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho tòa hành chính - Tòa án nhân dân Tỉnh Khánh Hòa thụ lý, giải quyết.

Trong một vụ kiện khác về hợp đồng mua bán hàng hóa cung cấp lắp đặt cửa sổ, cửa đi và vách ngăn bằng vật liệu UPVC cho công trình Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga (Hà Nội) cũng khiến Tòa án nhân dân TP.Hà Nội phải xác định lại quan hệ tranh chấp.

Theo tòa án, nội dung hợp đồng thể hiện việc cung ứng hàng hóa và thi công các bộ phận của công trình xây dựng. Hợp đồng nêu rõ, hai bên thỏa thuận mua cửa sổ, cửa đi và vách ngăn, kèm theo các phụ kiện kim khí, thông số kỹ thuật của các loại cửa và vách ngăn; số lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn, địa điểm giao hàng, lắp đặt, nghiệm thu, bảo hành sản phẩm, lãi suất…

Theo Khoản 1, Điều 3, Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ quy định chi tiết về Hợp đồng xây dựng và Điều 107 Luật Xây dựng 2003, cần phải xác định đây là hợp đồng xây dựng. Vì vậy, tranh chấp phát sinh là tranh chấp hợp đồng xây dựng và cấp phúc thẩm đã sửa bản án về điều luật áp dụng và cách tính lãi suất.

Báo cáo công tác phối hợp giữa Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân TP.Hà Nội trong giải quyết án và quản lý, chỉ đạo điều hành tháng 4/2017 cho thấy, án hủy vì lỗi tố tụng vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Theo báo cáo, nguyên nhân là do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa không phát hiện để thực hiện việc kháng nghị hoặc báo cáo kháng nghị, còn khách quan là do văn bản pháp luật trong các lĩnh vực nhiều, tản mát, thường xuyên sửa đổi, bổ sung khiến việc cập nhập, nhận thức và vận dụng còn gặp khó khăn....

Để giải quyết vướng mắc trên, liên ngành kiểm sát – tòa án được thành lập để kiểm tra những tồn tại, vi phạm trong các khâu của hai ngành, nhằm phát hiện các sai sót để kịp thời sửa đổi.

Tin bài liên quan