Khát khao của những đế chế
Kim tự tháp Ai Cập, Hải đăng Alexandria, Vườn treo Babylon - 3 trong số 7 kỳ quan của thế giới cổ đại đều mang trên mình nó hình dáng của 1 tòa cao ốc. Sự chiếm lĩnh không gian tự thân mang lại vị thế đặc biệt cho các tòa “siêu” cao ốc.
Từ Tòa tháp Tự do (Trung tâm thương mại Thế giới cũ, New York, Hòa Kỳ) đến Trung tâm Tài chính thế giới (Thượng Hải - Trung Quốc), Tháp Teipi (Đài Loan)… đều đã từng giành vị trí là tòa nhà cao nhất thế giới và lần lượt bị vượt qua. Kỷ lục hiện tại thuộc về tòa tháp Burju Khalifa Dubai với chiều cao 828 m tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Dưới chân mỗi cao ốc chọc trời là những câu chuyện thu hút mối quan tâm của dư luận. Trong đó, có những chuyện được chủ đầu tư xác nhận, có những chuyện tồn tại như những lời thêu dệt. Discovery Channel đã có hẳn 1 series chương trình về việc xây dựng những tòa tháp cao nhất thế giới, là một trong những chương trình hút khán giả của kênh này.
Ở Việt Nam, tâm lý “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó” thực sự bị phá vỡ vào đầu những năm 2000, khi hàng loạt cao ốc tại Hà Nội và TP. HCM được xây dựng. Tòa cao ốc sở hữu chiều cao lớn đầu tiên tại Hà Nội phải kể đến Tòa chung cư 34 tầng, cao 136 m, nằm trên đường Hoàng Đạo Thúy, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính do Vinaconex xây dựng vào năm 2003. Đã có thời kỳ, dư luận cho rằng, Hà Nội nằm trên nền địa chất yếu, không thể xây dựng cao ốc hơn 10 tầng. Dự án của Vinaconex ở thời điểm đó đã chứng minh, việc xây dựng nhà cao tầng tại Thủ đô là hoàn toàn khả thi.
Cuộc đua xây dựng nhà chọc trời tại Việt Nam tiếp tục sau đó với Dự án Bitexco Financial Tower 68 tầng (năm 2005) của Tập đoàn Bitexco tại TP. HCM. Đây là một trong những dự án cao ốc đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân đầu tư có sân đỗ trực thăng. Tiếp đến là Tổ hợp Dự án Keangnam Landmark Tower 72 tầng của Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) được khởi công xây dựng tại Hà Nội năm 2007. Rồi có thêm 1 dự án cao ốc 101 tầng do một tập đoàn nhà nước dự định đầu tư, nhưng ý tưởng này ngay sau đó bị đổ bể.
Năm 2009, cao ốc Lotte Center Hà Nội 69 tầng (năm 2009) của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) được khởi công xây dựng. Khi dự án của Lotte vừa hoàn thành vào quý III/2014 với danh hiệu cao ốc nội đô hiện đại nhất ở Hà Nội, thì cũng là lúc Tập đoàn Vingroup khởi công Tòa tháp The Landmark 81 tại Dự án Vinhomes Central Park, TP. HCM. Tòa tháp 81 tầng với chiều cao tuyệt đối là 350 m, cao hơn tất cả các cao ốc đã hiện diện tại Việt Nam.
òa tháp Bitexco Financial Tower 68 tầng - Ảnh: Lê Toàn
Điềm lành, điềm dữ
Barclays Capital - một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với tổng tài sản quản lý hơn 2.000 tỷ USD đầu năm 2012 đã công bố bản báo cáo nghiên cứu về sự trùng hợp kỳ lạ giữa việc xây dựng các tòa cao ốc với những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử.
Equitable Life - tòa nhà được biết đến như là cao ốc đầu tiên của thế giới - mở cửa năm 1873 tại New York và ngay sau đó là cuộc suy thoái kéo dài 5 năm tại Mỹ. Tòa nhà Empire State ở New York (Mỹ) được xây dựng từ năm 1929 - 1931, trùng với giai đoạn nghiêm trọng nhất của cuộc Đại khủng hoảng.
Tương tự là trường hợp của tòa nhà Willis tại Chicago (được biết đến nhiều hơn với cái tên Tháp Sears) khi được hoàn thành năm 1974, ngay trước khi cú sốc về giá dầu và giá vàng. Gần hơn là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 diễn ra ngay sau khi tòa tháp đôi Petronas của Malaysia hoàn thành. Mới đây nhất, tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa vừa xây xong năm 2010 là Dubai suýt phá sản. Nhiều trường hợp khác được nêu trong báo cáo.
Có hay không một mối liên hệ cụ thể giữa việc xây dựng các cao ốc chọc trời với các cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn là điều mà các chuyên gia vẫn đang tranh cãi, bởi không thiếu tòa nhà chọc trời sau khi được xây dựng lại mở đầu cho một chu kỳ hưng thịnh của chủ đầu tư dự án đó và cả nền kinh tế mà nó đang tọa lạc. Nhưng có một sự thực dễ thấy là việc xây dựng các tòa nhà chọc trời tiêu tốn một nguồn lực đầu tư rất lớn, trường hợp tháp Burju Khalifa Dubai tại UAE là một ví dụ.
Cao ốc Lotte Center Hà Nội 69 tầng. Ảnh: Hoài Nam - Ảnh: Hoài Nam
Việc xây dựng tòa nhà cao 828 m này tiêu tốn khoản vốn đầu tư xấp xỉ 1,7 tỷ USD. 12.000 nhân công làm việc liên tục trong vòng 6 năm để hoàn thành công trình. Lượng bê tông xây dựng tòa nhà đủ để đắp một con đường dài 2.065 km và lượng thép gia cố có thể nối dài đủ 1/4 quãng đường vòng quanh trái đất. Toàn bộ bề mặt bên ngoài của tháp được làm bằng kính và thép có thể phủ kín diện tích của 17 sân bóng.
“May cho nền kinh tế thế giới là chưa có ai lập kế hoạch vượt mặt tòa nhà Burj Khalifa”, báo cáo của Barclays Capital bình luận.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com |