Tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 1/2019, nhưng nhà đầu tư chưa được thu phí để hoàn vốn.
“Dự án khốn khổ”
Sau rất nhiều cân nhắc, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) một lần nữa vừa gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý bất cập tại trạm thu phí Bỉm Sơn hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 thuộc Dự án BOT Xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa.
Cụ thể, tại Công văn số 2864/BGTVT-ĐTCT, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn đối với Hợp đồng BOT đầu tư bổ sung tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 đã ký kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Đồng thời, giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn phù hợp để chi trả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ GTVT đề xuất trình tự, thủ tục thanh toán vốn nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật khác có liên quan.
Dự kiến, chi phí mà Nhà nước cần thanh toán cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án ước khoảng 920 tỷ đồng trên cơ sở cập nhật đến thời điểm năm 2022, bao gồm: chi phí đầu tư xây dựng, chi phí quản lý vận hành trong giai đoạn khai thác, lãi vay huy động vốn và lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu theo quy định tại hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa, nếu Bộ GTVT không cho thu phí tại trạm thu phí Bỉm Sơn theo hợp đồng BOT đã ký, doanh nghiệp dự án đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ Dự án để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, giảm thiểu thiệt hại do việc chưa thu phí gây ra.
Lãnh đạo Công ty cũng cho biết, hơn 2 năm qua, dù bị dừng thu phí, nhưng toàn bộ chi phí hoạt động của doanh nghiệp dự án chưa có bất kỳ hướng dẫn hay hỗ trợ nào từ các cơ quan quản lý.
“Đề xuất này được Bộ GTVT cân nhắc rất kỹ trên cơ sở quy định của Hợp đồng dự án, các quy định của pháp luật, để khắc phục triệt để bất cập tại trạm thu phí Bỉm Sơn, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ theo chỉ đạo của Chính phủ”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 2 năm qua, Bộ GTVT phải trình cấp có thẩm quyền phương án bồi hoàn cho nhà đầu tư để chấm dứt việc thu phí hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa - một trong 7 dự án BOT đường bộ đang tồn tại bất cập liên quan đến vị trí đặt trạm thu phí.
Dự án BOT Xây dựng Quốc lộ 1, đoạn tránh TP. Thanh Hóa (tuyến tránh phía Đông) được triển khai từ tháng 4/2005, hoàn thành đưa vào thu phí từ tháng 1/2009, sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn để thu phí hoàn vốn. Theo hợp đồng BOT được ký bởi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư (Liên danh Bitexco - Cienco1 - Vinawaco - Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Hồng Hà - Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh - Tổng công ty Công trình giao thông I Thanh Hóa); doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư 822 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm.
Sau khi hoàn thành và đưa tuyến tránh phía Đông vào khai thác, nhà đầu tư triển khai thu phí tại trạm Tào Xuyên từ tháng 1/2009. Đến năm 2011, để tránh ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn Tào Xuyên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị di dời trạm thu phí Tào Xuyên về vị trí mới tại Km286+397, Quốc lộ 1, thuộc địa phận thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa).
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, Bộ GTVT đã cho phép di dời trạm thu phí Tào Xuyên về khu vực thị xã Bỉm Sơn (gọi tắt là trạm Bỉm Sơn, tại Km286+397, Quốc lộ 1) để tiếp tục thu phí hoàn vốn.
Trên cơ sở quyết toán chi phí đầu tư xây dựng, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã ký kết Phụ lục hợp đồng, xác định thời gian thu phí hoàn vốn 7 năm 6 tháng (chưa bao gồm 3 năm thu phí tạo lợi nhuận theo hợp đồng ban đầu đã ký kết).
Ngày 7/8/2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2661/QĐ-TCĐBVN dừng thu phí tại trạm Bỉm Sơn từ ngày 10/8/2017 để đàm phán, quyết toán Hợp đồng tuyến tránh phía Đông. Đến thời điểm này, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án vẫn không đồng thuận với quyết định nói trên của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và liên tục có khiếu nại tới cấp có thẩm quyền để khôi phục quyền thu phí theo hợp đồng đã ký.
Vướng mắc tại “dự án khốn khổ” này tiếp tục nảy sinh khi vào tháng 9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị bổ sung hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 vào Dự án, cùng sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn để thu phí hoàn vốn và được Thủ tướng chấp thuận. Theo hợp đồng BOT ký bổ sung, cả 2 đoạn tuyến phía Đông và phía Tây của Dự án sẽ cùng sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn để hoàn vốn.
Với việc điều chỉnh này, tổng mức đầu tư Dự án đã tăng lên 1.836,57 tỷ đồng, trong đó, vốn tư nhân 1.695,55 tỷ đồng; vốn nhà nước 141,02 tỷ đồng. Sau khi cập nhật lại lưu lượng phương tiện và các chi phí đầu vào, thời gian hoàn vốn của công trình là 10 năm 5 tháng (hạng mục gốc); 13 năm 8 tháng (hạng mục bổ sung) với điều kiện tiên quyết là tiếp tục được sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn. Tuyến tránh phía Tây đã được nhà đầu tư khởi công từ tháng 9/2016 và đã hoàn thành từ đầu tháng 1/2019.
Nhà đầu tư nặng gánh
Do trạm thu phí Bỉm Sơn trên Quốc lộ 1 nằm ngoài phạm vi đầu tư tuyến tránh phía Tây (cách tuyến tránh phía Tây khoảng 38 km), chiểu theo các tiêu chí tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây là bất cập, có thể gây phản ứng của người tham gia giao thông do đầu tư một nơi, thu phí một nơi, dễ gây mất an ninh trật tự. Chính vì vậy, mặc dù tuyến tránh phía Tây đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 1/2019, nhưng nhà đầu tư chưa được thu phí để hoàn vốn.
Cùng với việc bị tạm dừng thu phí hoàn vốn (hạng mục gốc) với lý do đàm phán mức lợi nhuận với nhà đầu tư (tháng 8/2017), cho đến thời điểm này, Dự án đã phải “xả trạm” hoàn toàn trong suốt 2 năm qua. Hiện chi phí duy tu, bảo dưỡng và trả lãi vay khi chưa thu phí tại Dự án đã lên hơn 100 tỷ đồng.
Tại Công văn số 2864, Bộ GTVT khẳng định, thủ tục và trình tự bổ sung hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 vào Dự án là rất chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật. Bản thân nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, theo đánh giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, là đã hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký. Việc Dự án chưa thể hoàn vốn cho hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Được biết, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã xem xét kỹ phương án tiếp tục thu phí hoàn vốn cho Dự án, nhưng đều không đem lại tính khả thi về mặt pháp lý cũng như tài chính.
Với phương án tiếp tục thu phí tại trạm Bỉm Sơn để hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14, việc đầu tư một nơi, thu phí một nơi là bất cập, có thể gây mất an ninh trật tự do phản ứng của người tham gia giao thông.
Phương án di dời trạm thu phí về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn cũng không khả thi, do hiện tại, lưu thông theo hướng Bắc - Nam qua khu vực TP. Thanh Hóa đã có tuyến tránh phía Đông quy mô 4 làn xe và tuyến Quốc lộ 1 qua trung tâm TP. Thanh Hóa. Nếu tổ chức thu phí trên tuyến tránh phía Tây, thì các phương tiện sẽ lựa chọn lưu thông trên tuyến tránh phía Đông và Quốc lộ 1 để không phải mất phí. Bên cạnh đó, trên tuyến tránh phía Tây chỉ tính trong phạm vi dự kiến đặt trạm thu phí có tới 16 vị trí giao cắt với các đường ngang, các phương tiện có thể sử dụng để tránh phải mất phí.
Đây là lý do khiến việc thu phí hoàn vốn Dự án bị treo gác suốt hơn 2 năm qua.
Cần phải nói thêm rằng, theo quy định tại Điều 73 Hợp đồng dự án, việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn sẽ được kích hoạt khi một bên vi phạm hợp đồng, bao gồm các cam kết, cam đoan, bảo đảm của bên đó và không khắc phục trong vòng 4 tháng kể từ ngày xảy ra vi phạm; vi phạm không được bên vi phạm khắc phục hoàn toàn trong thời gian 6 tháng kể từ ngày có thông báo chính thức bằng văn bản của Bên kia về việc vi phạm và yêu cầu khắc phục vi phạm đó.
Đối với các phần việc, chi phí mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã thực hiện liên quan đến hạng mục bổ sung tính đến thời điểm chấm dứt Phụ lục hợp đồng sẽ được Bộ GTVT trình Chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền khác xem xét, quyết định thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án các chi phí này trên cơ sở kết quả đánh giá, xác định của một đơn vị kiểm toán độc lập.
Liên quan đến giải pháp xử lý bất cập tại trạm thu phí Bỉm Sơn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (ngân hàng cung cấp tín dụng) và Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa đều đã có các văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn nhà nước để thanh toán các chi phí và chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn.
“Căn cứ các điều khoản hợp đồng và quy định hiện hành, việc Nhà nước chi trả bồi thường cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tại Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa là có cơ sở để xem xét”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ đánh giá.
Do chủ trương đầu tư bổ sung tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa trước đây được Thủ tướng chấp thuận, nên cấp có thẩm quyền quyết định việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định tại khoản 3, Điều 52, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
“Bộ GTVT sẽ bám sát việc giải quyết các vướng mắc tại Dự án để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư”, một lãnh đạo Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) thông tin.