Lối thoát cho vụ cổ phần hóa treo 12 năm tại Hacinco

Lối thoát cho vụ cổ phần hóa treo 12 năm tại Hacinco

(ĐTCK) Nhiều tình huống chưa từng có tiền lệ xảy ra, lại không thống nhất được cách giải quyết… đã khiến tiến độ cổ phần hóa Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) kéo dài suốt 12 năm mà chưa thể hoàn thành. 

Mới đây, cơ quan quản lý đã có nhiều động thái chỉ đạo để “gỡ khó” vụ việc này. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Hacinco. 

Ông có thể cho biết rõ hơn về hai sai phạm lớn nhất liên quan đến quá trình cổ phần hóa Hacinco là chuyển đổi nợ thành vốn góp và tính trùng năm công tác của người lao động được mua cổ phần ưu đãi?

Đối với việc chuyển nợ thành vốn góp, thực tế vào thời điểm cổ phần hóa năm 2005, Công ty rất khó khăn, nợ lương, nợ đối tác, khách hàng. Ở thời điểm đó, việc bán cổ phần khi doanh nghiệp cổ phần hóa cũng rất khó khăn, vì đây là lĩnh vực mới, sức cầu yếu. Ban lãnh đạo Công ty đã phải vận động cả đối tác tham gia mua cổ phần và xin ý kiến cho phép Công ty bù trừ công nợ sang tiền thanh toán mua cổ phần nếu họ trúng đấu giá.

Công ty đã có văn bản gửi Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội xin ý kiến về phương án trên. Trung tâm đã có văn bản phúc đáp chấp thuận việc này. Thực chất đây chỉ là hình thức thanh toán bù trừ tiền mua cổ phần trúng đấu giá của các nhà đầu tư, đã được Trung tâm Giao dịch chứng khoán chấp thuận, sau đó được Sở Tài chính Hà Nội tổng hợp báo cáo UBND TP. Hà Nội phê duyệt. (Theo nghị định 187/NĐ-CP, số tiền này nếu được nộp tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán thì sau 15 ngày cũng sẽ được chuyển về tài khoản của Công ty).

Thời điểm đó, việc bán cổ phần ế ẩm đến nỗi ngay cả thực hiện chuyển nợ thành vốn góp như trên, Công ty vẫn không bán hết cổ phần.

Về việc tính trùng năm công tác cho người lao động, năm 1998, Công ty tách một phần của doanh nghiệp là Khách sạn Hacinco để thực hiện thí điểm cổ phần hóa. Thành phố vận dụng cho phép toàn bộ người lao động của Công ty được mua cổ phần ưu đãi của Khách sạn Hacinco. Kết quả là có 169 cán bộ được mua cổ phần ưu đãi (theo quy định 1 năm công tác được mua 100 cổ phần ưu đãi, tuy nhiên do vốn của khách sạn quá thấp nên mỗi năm công tác, người lao động được mua ưu đãi hơn 1,1 cổ phần).

Đến năm 2004, khi cổ phần hóa toàn bộ Công ty, các sở ban ngành lại không loại trừ số năm công tác đã mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa Khách sạn Hacinco, dẫn đến có việc tính trùng năm công tác.

Về việc này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản hướng dẫn số 2443/LĐTBXH-LĐVL ngày 19/7/2006; số 2633/LĐTBXH-LĐVL ngày 3/8/2006: ”Đối với người lao động đã được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp (Khách sạn Hacinco) cần được xóa bỏ hoặc giảm trừ quyền mua ưu đãi của những người lao động này khi cổ phần hóa Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội”.

Sau khi có đơn từ khiếu nại về cổ phần hóa Hacinco, cơ quan công an cũng đã vào cuộc điều tra và sau đó kết luận, trong cả 2 vấn đề trên, Ban lãnh đạo Công ty đều không tư lợi cá nhân.

 Ông Nguyễn Ngọc Quang

Cổ phần hóa treo hơn chục năm, đối mặt với thanh kiểm tra nhiều lần, hoạt động của Công ty chịu ảnh hưởng như thế nào?

Từ năm 2005 đến nay, việc cổ phần hóa bất thành, Công ty lâm vào tình cảnh khó khăn, nhiều cán bộ xin thuyên chuyển công tác, uy tín thương hiệu bị ảnh hưởng tiêu cực, vay vốn tín dụng với các ngân hàng khó thực hiện… Bởi vậy, người lao động và Ban lãnh đạo doanh nghiệp luôn mong muốn vụ việc được xử lý dứt điểm, để Công ty có thể hoàn thành quá trình cổ phần hóa.

Gần đây, chính quyền Hà Nội đã có những động thái quyết liệt chỉ đạo xử lý rốt ráo vụ việc này. Ông có thể cho biết tiến độ xử lý đến nay ra sao?

Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội đã có văn bản 440/UBND – KT ngày 8/2/2017 chỉ đạo Hacinco thực hiện các bước chuyển đổi thành công ty cổ phần, thống nhất phương án xử lý tồn tại với các nhà đầu tư theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại Thông báo số 514-TB/TU ngày 30/12/2016. Trong đó, thống nhất với phương án xử lý theo Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 1/9/2009 của Thanh tra chính phủ.

Cụ thể là, chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần công ty. Giữ nguyên vốn điều lệ 47 tỷ đồng; chuyển 397,1 triệu đồng từ cơ cấu cổ phần mua ưu đãi (cho 169 nhà đầu tư được mua cổ phần ưu đãi 2 lần) sang diện mua đấu giá (nhà đầu tư sẽ phải nộp thêm tiền mua cổ phần); Công nhận kết quả Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất ngày 2/12/2015.

Các bước thực hiện cụ thể như sau. Thứ nhất, thống nhất phương án xử lý tồn tại với các nhà đầu tư. Theo đó, cuối tháng 2/2017, Công ty tổ chức cuộc họp với các nhà đầu tư đã tham gia mua cổ phần lần đầu và Ban giám đốc hiện tại của Hacinco. Đa số nhà đầu tư đã đồng thuận phương án xử lý mà Thành phố đưa ra, chỉ có 5 nhà đầu tư chưa đồng thuận.

Thứ hai, Thành phố giao Hacinco rà soát lại phương án lao động khi thực hiện cổ phần hóa, phương án sản xuất kinh doanh, điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần, thống nhất danh sách cổ đông, người đại diện vốn nhà nước… Chúng tôi đã thuê tư vấn và cho đến nay đã hoàn thành báo cáo này trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở những báo cáo này, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội sẽ ban hành Quyết định thu hồi Quyết định 1886/QĐ-UBND ngày 22/4/2010 của Ủy ban Nhân dân Thành phố và điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ của Công ty theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Tới đây, Hacinco sẽ triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để thống nhất thông qua các nội dung đã rà soát, hoàn chỉnh về phương án lao động, phương án sản xuất kinh doanh, điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty cổ phần trước khi trình Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành quyết định chuyển Hacinco thành công ty cổ phần.

Thành phố cũng yêu cầu Công ty xác định chi phí lãi vay và trả lãi cho các nhà đầu tư từ ngày hết hạn nộp tiền mua cổ phần đến thời điểm Công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…

Vậy tiền trả lãi vay cho nhà đầu tư đã mua cổ phần, Công ty sẽ lấy nguồn chi trả từ đâu?

Từ năm 2005, hàng năm Công ty vẫn treo tài khoản riêng trích lợi nhuận, trả lãi cho khoản tiền cổ đông đã thanh toán mua cổ phần. Tính đến ngày 31/12/2015, số tiền này đạt hơn 51 tỷ đồng (tương ứng 13%/năm). Bên cạnh đó, nhờ nỗ lực của người lao động và ban lãnh đạo mới, hoạt động của Công ty đã có nhiều chuyển biến.

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, giá trị doanh nghiệp tăng từ trên 7,19 tỷ đồng năm 2004 lên trên 322 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2015.

Tin bài liên quan