Do kẹt đầu ra, nhiều ngân hàng phải mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu Kho bạc Nhà nước, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và một số chứng khoán nợ khác đang niêm yết.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay của các ngân hàng cho thấy, tổng số dư tự doanh và đầu tư chứng khoán của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng, nhưng chủ yếu dồn vào kênh trái phiếu.
Cụ thể, con số này tại VietinBank 6 tháng đầu năm tăng thêm 29.698 tỷ đồng (tương đương mức tăng 35,7%), trong đó đa phần là trái phiếu chính phủ, tín phiếu. Tương tự, tổng danh mục tự doanh và đầu tư của Vietcombank tăng thêm 26.805 tỷ đồng (tương đương mức tăng 41,4%) cũng chủ yếu được dồn vào các công cụ nói trên.
Thực tế, 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng ở mức thấp (3,68%), trong khi thời gian năm tài chính 2014 đã đi qua hơn nửa. Thậm chí, tăng trưởng tín dụng của một số nhà băng đến thời điểm này vẫn chưa thoát tình trạng âm (tín dụng tại Eximbank đến cuối tháng 6/2013 âm hơn 3%).
Vì thế, trái ngược với tình cảnh ế ẩm của trái phiếu chính phủ trước đây, các đợt huy động vốn thời gian gần đây đều thành công, cho dù lãi suất trúng thầu khá thấp. Tín dụng khó khăn, kèm nợ xấu ngành không ngừng tăng, đòi hỏi các nhà băng phải thận trọng hơn trước khi trao vốn cho khách hàng. Do đó, thay vì ồ ạt đẩy vốn ra thị trường, các ngân hàng tiếp tục tìm kênh đầu tư an toàn là trái phiếu chính phủ, cho dù lãi suất trái phiếu hiện chỉ còn 4-5%, thấp hơn so với lãi suất huy động vốn tiết kiệm.
Việc các ngân hàng thương mại đổ xô mua trái phiếu chính phủ thời gian qua và kể cả hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, là không lành mạnh, bởi vai trò của các ngân hàng thương mại là huy động nguồn vốn về phải đẩy mạnh cho vay và đưa vốn ra nền kinh tế, chứ không phải huy động để mua trái phiếu chính phủ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, khi không cho vay được, các ngân hàng thương mại phải tính toán và kênh trái phiếu chính phủ vẫn được lựa chọn. Khi không cho vay được, nhưng ngân hàng vẫn phải trả lãi suất cho người gửi tiền, do đó, dù lãi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống còn 4 - 5% cho kỳ hạn 1 - 2 năm hiện nay, nhưng cũng được các ngân hàng xem là một hướng ra cho đồng vốn.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp vì một số lý do, theo đánh giá của một thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ, việc các ngân hàng mua trái phiếu chính phủ là điều hợp lý đứng ở góc độ ngân hàng. Dù có một số cảnh báo về rủi ro nợ công, nhưng xét cho cùng, trái phiếu chính phủ vẫn được xem là công cụ đầu tư an toàn cho các ngân hàng và cũng là công cụ dự trữ thanh khoản lý tưởng. Điều này cũng hợp lý nếu đặt trong bối cảnh nợ xấu của nền kinh tế chưa được xử lý.
Tuy nhiên, việc mua trái phiếu của các ngân hàng cũng có quy định về định mức và các ngân hàng cũng có sự phân bổ rõ ràng trong chiến lược kinh doanh. Vì thế, theo thành viên trên, không nên giảm mạnh lãi suất trái phiếu chính phủ.
“Nếu giảm được lãi suất trái phiếu, sẽ tiết kiệm được chi phí cho ngân sách, tạo được mặt bằng lãi suất mới. Nhưng nếu lãi suất trái phiếu thấp sẽ khiến các đợt đấu thầu không thành công, thì cũng không phải là giải pháp tốt, vì sẽ khiến ngân sách nhà nước khó tăng”, vị đại diện trên nói.
Rõ ràng, trong bối cảnh nợ xấu vẫn là mối lo, doanh nghiệp khó khăn, trong khi ngân hàng cũng phải tìm cách cho vay để duy trì hoạt động và kiếm lợi nhuận trả lãi cho người gửi tiền, thì không có cách nào tốt hơn là mua trái phiếu chính phủ.