Doanh nghiệp than khổ sau cổ phần hóa
Kế toán trưởng một doanh nghiệp vừa chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ cuối năm 2015 than rằng, không ngờ sau cổ phần hóa doanh nghiệp lại lâm vào khốn khó đến vậy. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, lắp đặt thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin. Khi còn là doanh nghiệp nhà nước, tất cả các hợp đồng đều thực hiện theo nguồn vốn ngân sách. Tuy doanh thu lớn tới cả ngàn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận cũng chỉ “dăm bảy tỷ”.
Dẫu vậy, người lao động vẫn dễ chịu vì có lương thưởng đều. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, từ đầu năm đến nay, ông chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty sắp về hưu, lại rõ chủ trương Nhà nước sắp thoái vốn toàn bộ tại công ty nên không mấy chú tâm vào doanh nghiệp. Trước kia, phần lớn hợp đồng do ông chỉ đạo, kiếm việc về cho anh em. Nay, ông nghỉ không làm, từ đầu năm doanh nghiệp không có thêm hợp đồng mới nào. Anh em không có việc làm, nên ngao ngán. Vị kế toán trưởng than thở, ngay đến tiền nghỉ mát cho nhân viên công ty cũng “bó tay” vì không có nguồn nào để chi.
Sau cổ phần hóa, cổ đông nước ngoài nắm 20% cổ phần, cổ đông lớn là nhà đầu tư cá nhân nắm hơn 10%, nhà nước nắm gần 45%, còn lại là cán bộ, nhân viên. “Nếu không có nhà đầu tư tâm huyết tham gia, vực doanh nghiệp lên, doanh nghiệp chắc chắn sẽ chết”, kế toán trưởng buồn rầu nói.
Việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp này cũng không đơn giản, bởi ngoài lợi thế là đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, họ còn có quyền thuê 200 m2 “đất vàng” tại quận Hai Bà Trưng, nhưng lô đất này lại đang vướng vào kiện tụng vì tranh chấp với một đơn vị có quyền thuê 300 m2 bên cạnh.
Trong trường hợp trên, nếu Nhà nước bán cổ phần trọn lô, một nhà đầu tư có năng lực mua được lô cổ phần trên sẽ có nhiều cơ may đưa doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Nếu cổ phần nhà nước lại “chia năm xẻ bảy”, bán lẻ tẻ ra ngoài, nhiều người lao động lo, doanh nghiệp sẽ không có “người cầm lái”. Tất nhiên, không loại trừ trường hợp doanh nghiệp đấu giá công khai số cổ phần trên, nhà đầu tư nào “mặn mà” sẽ mua cả, nhưng khả năng họ không “ôm” được cổ phiếu trọn lô không hẳn là không có.
Lối thoát nào?
Ngoài việc hỗ trợ tìm được nhà đầu tư chiến lược cho doanh nghiệp, có khả năng hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai, một lợi thế lớn của phương thức bán cổ phần theo lô là Nhà nước có thể thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ. Do đây là phương thức thoái vốn áp dụng với các doanh nghiệp chưa niêm yết, nên trong đó có nhiều doanh nghiệp yếu cả về hoạt động kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Không thoái được toàn bộ vốn, vẫn là cổ đông bất đắc dĩ của các doanh nghiệp, sẽ là bất tiện lớn cho Nhà nước, bởi vẫn phải có đầu mối quản lý và theo dõi doanh nghiệp.
Vậy có nhất thiết phải bỏ hoàn toàn quyết định về bán cổ phần theo lô? Thực tế thị trường vừa qua theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ cho thấy, nhiều phiên đấu giá cổ phần trọn lô đã đem lại lợi ích lớn cho Nhà nước. Chẳng hạn, trường hợp của CTCP Du lịch Kim Liên, phần vốn nhà nước có giá trị sổ sách 31 tỷ đồng, đã bán được với giá 1.000 tỷ đồng, cao gấp 32 lần. Hay phần vốn nhà nước tại CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo có giá trị sổ sách 16 tỷ đồng, đã bán được với giá 109 tỷ đồng, cao gấp 6,8 lần; phần vốn của CTCP Du lịch Đồ Sơn có giá trị sổ sách 4,5 tỷ đồng, bán được 155 tỷ đồng, cao gấp 34 lần…
Điểm chung của những thương vụ bán vốn trên là mở công khai cho tất cả các nhà đầu tư tham gia đấu giá, không đặt ra bất cứ điều kiện nào với các nhà đầu tư, ngoài khoản đặt cọc bằng 10% giá khởi điểm của lô cổ phần. Bên cạnh đó, thành công còn đến từ việc đơn vị bán vốn lựa chọn thời điểm bán phù hợp, công bố thông tin rộng rãi để có nhiều nhà đầu tư quan tâm và tham gia.
Đại diện các công ty chứng khoán VCBS, SHS, FPTS đều cho rằng, không nên bỏ hẳn quyết định bán cổ phần theo lô, mà chỉ nên xem xét để chỉnh sửa lại những bất cập cho phù hợp với thị trường và thu hút thật nhiều nhà đầu tư tham gia mua cổ phần trong các đợt thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.