Trong mảng nghiệp vụ này, sự phân hóa ngày càng rõ nét, các công ty chứng khoán thuộc Top đầu có nhiều lợi thế và cơ hội để thực hiện các thương vụ lớn. Các công ty nhỏ vì thế phải tìm chiến lược đi riêng để tạo lợi thế cho mình.
IB: nghề không dễ, nhưng lợi nhiều bề
Theo ý kiến của một số chuyên viên lâu năm trong nghề, để làm IB thành công cần tổng hòa rất nhiều yếu tố như có những mối quan hệ tốt, rộng với các bên mua/bán; đội ngũ nhân sự tốt, khả năng thu xếp nguồn hiệu quả…
Nhiều trường hợp, bên mua cần hỗ trợ nguồn vốn và đơn vị tư vấn nếu có thể làm được việc này thì khả năng thành công của thương vụ sẽ cao hơn. Điều này không dễ thực hiện ở các công ty chứng khoán quy mô nhỏ bởi nguồn lực tài chính chỉ có hạn. Đó là chưa kể đến đầu tư xây dựng một đội ngũ nhân sự có nghề thường mất khoảng 2 - 3 năm, với lương nhân sự ngành này khá cao, trung bình khoảng 2.000 USD/người.
Mặt khác, thời gian “săn” một thương vụ có khi kéo dài hàng năm, nhưng kết quả thì chưa chắc đã thành công. Đây cũng chính là “rào cản” gia nhập mảng IB đối với các công ty chứng khoán chưa xác lập được vị thế và tên tuổi trên thị trường.
Tuy nhiên, nếu vượt qua được những áp lực đó, “lợi ích” mà mảng IB mang lại rất hấp dẫn. Không chỉ là phí tư vấn, mà mảng việc này sẽ tác động trực tiếp lên mảng môi giới, dịch vụ tài chính (cho vay ký quỹ), tự doanh của công ty chứng khoán.
Đơn cử, trong thương vụ tư vấn cho PLX niêm yết, tư vấn PLX bán 20 triệu cổ phiếu quỹ…, nhận thấy đây là doanh nghiệp tốt, tiềm năng tăng trưởng lớn, SSI đã đầu tư PLX và thu lại khoản lợi nhuận lớn cho tự doanh.
Tại Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI), do tư vấn niêm yết cho MWG, Công ty cũng đã đầu tư mã cổ phiếu này và đây trở thành khoản đầu tư có suất sinh lời cao trong mảng tự doanh của VCI. Cùng với đó, mỗi thương vụ IB mang về, trong quá trình giao dịch, công ty chứng khoán đồng thời mở rộng được các khách hàng cho hoạt động môi giới của công ty.
Thị trường phân ngôi IB
Đối tượng khách hàng của mảng môi giới được phân chia gọn gàng là khách hàng cá nhân (chủ yếu trong nước) và khách hàng tổ chức (chủ yếu nước ngoài). Trong đó, tổ chức nước ngoài (gồm cả các quỹ đầu tư có tư cách pháp nhân trong nước, nhưng nguồn vốn từ nước ngoài) thị phần tập trung chủ yếu tại SSI, HSC, VCI.
Theo chia sẻ của một giám đốc chi nhánh công ty chứng khoán, để tham dự mảng này, điểm đầu tiên là các công ty chứng khoán phải có hệ thống phần mềm ổn định, tích hợp nhiều tiện ích, bảo mật; hệ thống báo cáo đáp ứng được thông tin đầy đủ. Thực tế, chuẩn mực báo cáo hàng ngày của các nhà đầu tư nước ngoài không dễ đáp ứng, đòi hỏi hệ thống nghiệp vụ của công ty chứng khoán phải đủ mạnh.
Việc đón các tổ chức nước ngoài mở tài khoản là điều công ty nào cũng muốn, nhưng lại không dễ dàng với các công ty ngoài Top 3 hiện nay, xuất phát từ yếu tố cần đầu tư đủ nguồn lực và con người “chăm sóc” khối khách hàng VIP.
Ngoài Top 3, nổi lên trong hơn 1 năm gần đây là Công ty Chứng khoán VNDIRECT đang có sự đầu tư khá lớn vào hệ thống giao dịch, phần mềm, ứng dụng. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, Phòng Tổ chức nước ngoài của VNDIRECT có gần 30 nhân sự, sẵn sàng cho việc nhập cuộc khai thác khối khách hàng này.
Bên cạnh các nhà đầu tư tổ chức là các ngân hàng nước ngoài phát hành các chứng chỉ đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam (dòng tiền Pnotes), hoặc giao dịch định kỳ như các quỹ ETF thì khách hàng tổ chức của công ty chứng khoán thường được xây dựng dựa vào hoạt động IB.
Do vậy, mảng IB là mảng rất quan trọng, thậm chí được lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán cho rằng, đó chính là mảng thiết kế nên bức tranh thị phần sau này. Các công ty chứng khoán có thế mạnh IB sẽ nắm thị phần môi giới lớn trong tương lai, một cách bền vững, nhất là trong bối cảnh dòng vốn ngoại đang rót mạnh vào Việt Nam thông qua các đợt IPO, thoái vốn Nhà nước.
Mảng IB có thể được chia làm hai phần: Tìm kiếm các cơ hội mua/bán cho các tổ chức - những công ty chứng khoán có thế mạnh về mảng này là VCSC, SSI, HSC và ứng viên tiềm năng là VNDIRECT, khi mà các yếu tố cần thiết để hoạt động mảng này đã được Công ty đầu tư xây dựng. Một mảng khác của IB là tư vấn doanh nghiệp (thoái vốn, niêm yết…).
Trong nhóm này những công ty chứng khoán có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp nhà nước như BVSC - công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam và khi các doanh nghiệp tiến hành niêm yết những năm 2006 - 2007, đa phần đều thông qua BVSC.
Nhờ vào kinh nghiệm, lợi thế về xây dựng mối quan hệ tin tưởng với các doanh nghiệp nhà nước mà BVSC đã thực hiện được nhiều thương vụ lớn, kể cả trong bối cảnh cạnh tranh khá khốc liệt như hiện nay.
Điển hình, BVSC là thành viên trong liên danh tư vấn thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, giá trị Nhà nước thu về qua phiên đấu giá 110.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 4,8 tỷ USD. Được biết, thương vụ thoái vốn tại Habeco cũng sẽ có mặt BVSC làm tư vấn.
Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cũng có những thương vụ IB đáng nể trong ngành, còn Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội thì xác định IB là mục tiêu chiến lược để vươn lên Top 3 thị phần trong tương lai tới. Trong phần phát hành trái phiếu, có thể xem Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities) là doanh nghiệp có tiếng trong thời gian gần đây.
Một phân khúc khác là công ty chứng khoán có vốn nước ngoài, cổ đông lớn nước ngoài như MBKE, KIS Việt Nam, Chứng khoán Phú Hưng, Chứng khoán KB Việt Nam (tiền thân là Maritime); Công ty Chứng khoán Đệ Nhất… hiện chưa hoạt động nổi trội trong mảng IB, nhưng nếu pháp lý mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài (đến từ Đài Loan, Hàn Quốc …) niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đây sẽ là khối công ty có lợi thế tư vấn.
Được biết, vài công ty chứng khoán trên cũng đã tiếp cận một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện chào deal tư vấn niêm yết. Do vậy, câu chuyện thị phần môi giới trong thời gian tới dự sẽ có diễn biến khá thú vị.
Những thương vụ khủng sắp tới
Các công ty chứng khoán thực hiện tốt cả 2 mảng là IB tư vấn chào sàn, thoái vốn và IB dạng M&A sẽ phát triển rất mạnh. Làm tốt cả hai mảng này hiện mới có một vài công ty.
Chẳng hạn, VCI có các thương vụ tư vấn nổi bật như VJC, VPBank, Idico, PC1, Becamex… và đang thực hiện tư vấn cổ phần hóa cho một số doanh nghiệp vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng như Becamex, PV Power, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil, Tổng công ty Phát Điện 3 (Genco 3), Tổng công ty Xi măng...
Còn SSI nổi tiếng trên thị trường với thương vụ VRE, VNM, PLX…, sắp tới là tư vấn niêm yết HDBank… Riêng với trường hợp HSC, được đánh giá là một trong những công ty chứng khoán có mảng IB mạnh nhất, nhưng trong khoảng 1-2 năm gần đây, dù thị trường có nhiều thương vụ đình đám về cổ phần hóa, tư vấn niêm yết nhưng HSC lại khá “im ắng”. Tuy nhiên, việc HSC tiếp tục định hướng mạnh mẽ trong mảng này vẫn đang khiến nhiều người tin tưởng rằng, HSC chỉ là hiện diện trở lại trên thị trường IB lúc nào mà thôi.
Có thể thấy, xây dựng mảng IB chất lượng cao là rất khó và cần đầu tư dài hạn, nhưng mảng IB lại là mảng xương sống cho các công ty chứng khoán để có thể vươn lên Top đầu.
Cạnh tranh càng mạnh, công ty chứng khoán Top đầu càng lợi thế. Thực tế cũng cho thấy, miếng bánh thị phần càng ngày càng nghiêng về Top 10. Vậy khối công ty chứng khoán tầm nhỏ và trung “sống” thế nào? Họ đã và sẽ phải xác lập một con đường riêng để tiến bước.
Kỳ II: Con đường riêng của các công ty chứng khoán cỡ vừa