Lợi thế thương mại là một trong số các yếu tố được xem là có ảnh hưởng đến thuế thu nhập doanh nghiệp.

Lợi thế thương mại là một trong số các yếu tố được xem là có ảnh hưởng đến thuế thu nhập doanh nghiệp.

Lợi thế thương mại, kế toán và thuế?

(ĐTCK-online) Trong hai năm gần đây, việc cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cùng với những thay đổi hợp lý trong chính sách thuế đã góp phần đẩy nhanh tiến trình mua bán, sáp nhập công ty cả về mặt số lượng và chất lượng tại Việt Nam. Song song đó, khái niệm lợi thế thương mại ("good will") ngày càng được đề cập thường xuyên như một phần tất yếu của báo cáo tài chính hợp nhất. Tuy nhiên, trong luật thuế Việt Nam, vấn đề này còn khá mới, chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến sự lúng túng trong vận dụng và tuân thủ luật thuế.

Bài viết này đề cập về lợi thế thương mại hình thành trên cơ sở hợp nhất kinh doanh, hay nói cách khác là việc kết hợp các doanh nghiệp riêng biệt hoặc các hoạt động kinh doanh riêng biệt thành một đơn vị báo cáo.

Câu hỏi đầu tiên cần được đặt ra, lợi thế thương mại là gì và nó được ghi nhận về mặt kế toán như thế nào?

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 11 ("VAS 11"), lợi thế thương mại phát sinh khi việc hợp nhất kinh doanh thể hiện khoản thanh toán của bên mua cho những lợi ích kinh tế ước tính thu được trong tương lai từ những tài sản không đủ tiêu chuẩn ghi nhận và không xác định được một cách riêng biệt.

Chuẩn mực kế toán số 11 cũng nêu rõ thêm, lợi thế thương mại là phần chênh lệch của giá phí hợp nhất so với phần sở hữu của bên mua trong giá trị hợp lý thuần của tài sản, nợ phải trả có thể xác định được và các khoản nợ tiềm tàng đã ghi nhận theo quy định.

Lợi thế thương mại được ghi ngay vào chi phí sản xuất - kinh doanh (nếu giá trị nhỏ), hoặc phải được phân bổ dần một cách có hệ thống trong suốt thời gian sử dụng hữu ích ước tính (nếu giá trị lớn). Thời gian sử dụng hữu ích phải phản ánh được ước tính đúng đắn về thời gian thu hồi lợi ích kinh tế có thể mang lại cho doanh nghiệp (tối đa không quá 10 năm).

Báo cáo tài chính quốc tế số 3 (IFRS 3) định nghĩa về lợi thế thương mại tương tự như VAS 11. Tuy nhiên, theo chuẩn mực này, lợi thế thương mại phát sinh khi hợp nhất kinh doanh sẽ không phân bổ dần vào chi phí. Thay vào đó, doanh nghiệp phải tiến hành đánh giá lại lợi thế thương mại của mình hàng năm, hoặc ngay khi có sự giảm sút về mặt giá trị hợp lý, phần giảm giá trị này sẽ được ghi nhận vào chi phí của doanh nghiệp.

Như vậy, nhìn chung về mặt kế toán, cho dù áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam hay chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, lợi thế thương mại cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hay thu nhập trước thuế của doanh nghiệp, dưới hình thức phân bổ dần vào chi phí hay ghi nhận ngay phần giảm sút về mặt giá trị hợp lý của lợi thế thương mại như là một khoản chi phí.

 

Sự tác động trực tiếp đến thu nhập trước thuế nêu trên đã đặt ra câu hỏi thứ hai là lợi thế thương mại có thể được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ cho mục đích tính thuế thu nhập ở Việt Nam ?

Ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Úc, NewZealand…, khái niệm hợp nhất báo cáo thuế được sử dụng một cách rộng rãi. Hợp nhất báo cáo thuế là một hình thức quản lý, thu thuế, trong đó một nhóm doanh nghiệp riêng biệt được xem như là một đơn vị báo cáo thuế. Hay nói cách khác, đơn vị nắm quyền kiểm soát cao nhất của nhóm doanh nghiệp này sẽ chịu trách nhiệm tất cả hay hầu hết nghĩa vụ thuế của nhóm, ví dụ như kê khai một tờ khai thuế, nộp thuế... Việc áp dụng mô hình này một phần nhằm làm giảm chi phí quản lý cho cơ quan thuế cũng như đối tượng nộp thuế và đem lại một số lợi ích khác cho đối tượng nộp thuế, ví dụ như lỗ và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nhóm có thể được cấn trừ qua lại, việc chuyển giao tài sản cố định giữa các công ty trong nhóm sẽ không phải chịu bất cứ loại thuế nào… Trên cơ sở này, báo cáo tài chính hợp nhất được sử dụng như là một công cụ đắc lực để hỗ trợ trong vấn đề kê khai thuế. Do đó, lợi thế thương mại là một trong số các yếu tố được xem là có ảnh hưởng đến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của doanh nghiệp.

Nguyễn Thị Thúy hiện là chuyên viên làm việc tại bộ phận Dịch vụ tư vấn giao dịch tài chính của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn về các giao dịch mua bán, sáp nhập công ty. Thúy có hơn 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn thuế. Chị đang theo học chương trình thạc sĩ về tài chính và chương trình đào tạo kiểm toán viên quốc tế ACCA.

Nguyễn Thị Thúy hiện là chuyên viên làm việc tại bộ phận Dịch vụ tư vấn giao dịch tài chính của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn về các giao dịch mua bán, sáp nhập công ty. Thúy có hơn 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn thuế. Chị đang theo học chương trình thạc sĩ về tài chính và chương trình đào tạo kiểm toán viên quốc tế ACCA.

Tuy nhiên, khái niệm về hợp nhất báo cáo thuế còn khá mới mẻ ở Việt Nam và hầu như chưa có những quy định cụ thể liên quan đến vấn đề này. Theo nhận xét của một số chuyên gia trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế Việt Nam quản lý thuế theo từng đơn vị kế toán riêng biệt (ví dụ, mỗi đơn vị hạch toán kế toán độc lập được cấp một mã số thuế riêng, nộp tờ khai thuế riêng...) và có thể nói, báo cáo tài chính hợp nhất chưa được sử dụng để làm cơ sở cho việc kê khai tính thuế. Thêm vào đó, theo VAS 11 và IFRS 3, lợi thế thương mại được hình thành trên cơ sở hợp nhất kinh doanh chỉ được ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất. Do đó, việc kê khai tính thuế trên cơ sở báo cáo tài chính của từng đơn vị riêng lẻ có thể xem như là không chịu ảnh hưởng bởi lợi thế thương mại. Và theo đó, lợi thế thương mại được khấu trừ hay không được khấu trừ cho mục đích tính thuế sẽ không còn là vấn đề băn khoăn cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ luật thuế.

Mặc dù vậy, theo Điểm 2.11, Mục III, Phần B, Thông tư 134/2007/TT-BTC hướng dẫn chi tiết Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp có nêu: "Trường hợp chi phí để có các tài sản không thuộc tài sản cố định: chi về mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh... được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh nhưng tối đa không quá 3 năm". Cho dù lợi thế thương mại không được nêu rõ trong điều khoản nói trên, nhưng cũng có thể được hiểu là có tính chất tương tự. Do đó, đã có một số quan điểm cho rằng, lợi thế thương mại được hình thành trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính sẽ được khấu trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Và đã có không ít doanh nghiệp tự hỏi, có hay không lợi thế thương mại sẽ được phép ghi nhận khi tính thuế của từng doanh nghiệp riêng lẻ ở Việt Nam ? (ví dụ như doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát). 

Theo một khảo sát dưới hình thức câu hỏi trắc nghiệm ("lợi thế thương mại có được khấu trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam hay không?"), với đối tượng là kế toán viên và nhân viên phân tích làm trong các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư, đã có hơn 60% chọn câu trả lời là "không biết". Điều này cho thấy sự lúng túng trong cách hiểu, cách xử lý vấn đề này của không ít doanh nghiệp và sự cần thiết có một hướng dẫn cụ thể về lợi thế thương mại.

Việc Việt Nam gia nhập WTO và trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế và chính trị thế giới. Để vị thế này ngày càng vững mạnh, thiết nghĩ khái niệm hợp nhất báo cáo thuế sẽ sớm được bổ sung vào hệ thống luật thuế Việt Nam và sẽ sớm có những quy định chi tiết và cụ thể về lợi thế thương mại.

Trong bài viết này, xin không đưa ra kết luận trong vấn đề được khấu trừ hay không được khấu trừ lợi thế thương mại. Từ những trao đổi vừa nêu, hy vọng bạn đọc sẽ có câu trả lời riêng và mỗi doanh nghiệp sẽ tìm ra cho mình một cách xử lý riêng để tuân thủ pháp luật thuế Việt Nam .