Không chỉ bùng nổ tại Mỹ, SPAC cũng đang là chủ đề “hot” tại thị trường Đông Nam Á. Ảnh: Shutter

Không chỉ bùng nổ tại Mỹ, SPAC cũng đang là chủ đề “hot” tại thị trường Đông Nam Á. Ảnh: Shutter

Lối tắt tiếp cận thị trường vốn quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital, việc sử dụng SPAC để các công ty Việt Nam được niêm yết tại nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp này tiếp cận nhanh hơn với thị trường vốn quốc tế.

Được biết, giới đầu tư trên thế giới ưa chuộng mô hình niêm yết qua SPAC. Ông có thể giải thích rõ lý do vì sao?

SPAC là từ viết tắt của “Special purpose acquisition companies”, dịch sang tiếng Việt là công ty thâu tóm với mục đích đặc biệt. Bản chất SPAC là một công ty vỏ bọc, được thành lập bởi các nhà đầu tư, với mục đích duy nhất là huy động vốn thông qua IPO để cuối cùng mua lại một công ty tư nhân chưa niêm yết.

SPAC không có một hoạt động kinh doanh nào, không sản xuất hay bán bất kỳ một sản phẩm và dịch vụ nào, tài sản duy nhất của một SPAC thường là tiền huy động được từ thương vụ IPO của chính nó.

Vòng đời của một SPAC thường bao gồm các bước: Đầu tiên, SPAC sẽ được thành lập bởi một nhóm các nhà tài trợ, thường là những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, các ngân hàng đầu tư, các công ty đầu tư cổ phần tư nhân, hoặc các nhà đầu tư mạo hiểm.

Sau đó, SPAC được chào bán lần đầu ra công chúng (IPO), tuân thủ theo đúng quy trình IPO thông thường như tất cả các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, các nhà tài trợ của SPAC không có công bố cụ thể nào về các công ty mục tiêu mà họ đang xem xét mua lại. Khi lên sàn, SPAC sẽ có mã cổ phiếu và hầu hết số tiền huy động được từ các nhà đầu tư sẽ được giữ trong một tài khoản ủy thác.

Tiếp theo, các SPAC thường có 2 năm để tìm kiếm, mua lại hoặc sáp nhập với một công ty tư nhân chưa niêm yết, theo đó đưa công ty mục tiêu trở thành công ty đại chúng và thương vụ này phải được sự đồng ý của đa số cổ đông.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital.

Để thực hiện thương vụ, SPAC có thể phải huy động thêm vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. Sau khi hoàn tất, công ty mục tiêu được mua lại sẽ trở thành một phần của SPAC và niêm yết trên sàn. Trong thời hạn 2 năm đó, nếu một SPAC không thể sáp nhập hay mua lại một công ty mục tiêu nào, tiền sẽ được trả lại cho các cổ đông.

SPAC là xu hướng niêm yết được ưa chuộng trong thời gian qua, vì nó mang lại khá nhiều lợi ích. Cụ thể là quá trình diễn ra nhanh hơn, nếu thống nhất được với các nhà tài trợ thì việc IPO/niêm yết thường chỉ mất từ 2 - 4 tháng, vì quy trình thẩm định đối với một SPAC không nghiêm ngặt như của một vụ IPO truyền thống.

Rủi ro ít hơn so với các thương vụ IPO truyền thống, vì tiền được giữ trong các tài khoản ủy thác do bên thứ ba nắm giữ và được trả lãi. Trong trường hợp SPAC không tìm được cơ hội đầu tư theo mong muốn của các nhà tài trợ, tiền sẽ được trả lại cho cổ đông.

Các nhà tài trợ thường là các chuyên gia, tổ chức nhiều kinh nghiệm, có thể giúp các nhà đầu tư của SPAC thực hiện thương vụ mua lại công ty mục tiêu với giá tốt, cũng như giúp quản lý doanh nghiệp sau sáp nhập hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư vào SPAC có thể hiểu rõ hơn về triển vọng kinh doanh của công ty mục tiêu. Trong quá trình sáp nhập vào SPAC, công ty mục tiêu có thể sẽ tiết lộ nhiều thông tin về triển vọng kinh doanh trong tương lai, điều này không thường xảy ra trong các thương vụ IPO truyền thống.

Ông đánh giá thế nào về sự bùng nổ SPAC từ năm 2020 tới tháng 10/2021?

Theo số liệu từ Statista, trong năm 2020, các SPAC tại Mỹ đã huy động được 83,3 tỷ USD thông qua các thương vụ IPO. Con số này gần gấp đôi số vốn mà họ huy động được trong 10 năm trước đó cộng lại. Tính đến tháng 10/2021, các SPAC tại Mỹ đã huy động được 138 tỷ USD.

Sự bùng nổ của SPAC đạt đến đỉnh điểm khi có đến 298 thương vụ IPO của các SPAC được thực hiện chỉ trong quý I/2021. Tuy nhiên, con số này giảm xuống chỉ còn 61 trong quý tiếp theo.

SPAC liệu có là xu hướng mới cho các doanh nghiệp của Đông Nam Á?

Không chỉ bùng nổ tại Mỹ, SPAC cũng đang là chủ đề “hot” tại thị trường Đông Nam Á. Trong năm 2021, một số doanh nghiệp có tiếng như kỳ lân công nghệ Grab (Singapore) niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) thông qua SPAC. Traveloka đang đàm phán sâu hơn để IPO thông qua việc sáp nhập với Bridgetown Holdings, một công ty SPAC do tỷ phú Richard Li và Peter Thiel hậu thuẫn.

Các công ty lớn và tăng trưởng tốt như Tokopedia của Indonesia và một số công ty tại Việt Nam cũng đang được cho là có kế hoạch tìm hiểu để niêm yết thông qua một SPAC ở Mỹ. Quốc gia này đang sở hữu lượng vốn lớn dành cho các công ty đang theo đuổi việc niêm yết tại đây.

Trong tháng 9/2021, Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) đã thông qua khung pháp lý quy định về việc cấp phép niêm yết cho các SPAC trên Sở. SGX đang hướng tới việc trở thành “điểm đến” cho các SPAC ở châu Á và chúng tôi cũng biết một vài cái tên được tài trợ bởi các công ty đầu tư cổ phần tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore đang lên kế hoạch nộp hồ sơ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán này.

Với khung quy định và quy trình thẩm định niêm yết linh hoạt, SGX sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty trong khu vực, đặc biệt là những doanh nghiệp chưa đủ sức để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường Mỹ.

Singapore cũng là thị trường vốn lớn đáng kể với sự góp mặt của các công ty quản lý quỹ và khách hàng tư nhân, những người có thể sẽ để mắt đến các doanh nghiệp châu Á có triển vọng tăng trưởng hấp dẫn.

Tương lai nào cho doanh nghiệp Việt niêm yết huy động vốn quốc tế, trong đó có hình thức SPAC?

Một số công ty tại Việt Nam cũng đang được cho là có kế hoạch tìm hiểu để niêm yết thông qua một SPAC ở Mỹ.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital

Hiện nay, chúng tôi chưa thể đánh giá được liệu các công ty Việt Nam có thể niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán ở nước ngoài, tại Mỹ hay Singapore hay không.

Tuy nhiên, có một điều mà chúng tôi chắc chắn là sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư dành cho tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam.

Theo đó, các công ty trong nước cũng đang dần thể hiện được sức hấp dẫn và tiếp cận được nhiều khách hàng và nhà đầu tư trên toàn cầu.

Cuối cùng, sau tất cả những ngôn từ tài chính rắc rối ở trên, việc niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam được định giá tốt hơn, quy mô thương vụ lớn hơn và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông, tại Việt Nam, việc ứng dụng phương thức SPAC có gặp nhiều rào cản pháp lý không? Luật Chứng khoán 2019 kiểm soát chặt hơn việc tăng vốn của các công ty, thì SPAC có phải là đường tắt giúp các công ty thực hiện lên sàn nhanh hơn?

Hiện nay, chưa có quy định đối với việc thành lập và niêm yết các SPAC tại Việt Nam. Nhưng như đã đề cập, việc sử dụng SPAC để các công ty Việt Nam được niêm yết tại nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp này tiếp cận nhanh hơn với thị trường vốn quốc tế.

Tuy nhiên, với nhiều khác biệt trong các tiêu chuẩn về công bố thông tin và chuẩn mực kế toán tại Việt Nam và nước ngoài (chẳng hạn như Mỹ và Singapore), các doanh nghiệp trong nước cần hoàn thiện các tiêu chí hoạt động này để đảm bảo việc niêm yết thành công.

Tin bài liên quan