Đáng chú ý, trái phiếu kỳ hạn 2 năm thu hút khá nhiều nhà đầu tư quan tâm, khi tỷ lệ đăng ký dự thầu của trái phiếu này trên 204%, nhng tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 9,83%.
Theo quan sát của chúng tôi, lợi suất của trái phiếu với ba kỳ hạn, 2, 3 và 5 năm đều theo đà tăng so với tuần trước. Cụ thể, lợi suất trái phiếu 2 và 3 năm tăng 5 điểm cơ bản cho mỗi loại trái phiếu; lợi suất trái phiếu 5 năm chỉ tăng 3 điểm cơ bản, lần lượt lên các mức 5,75%/năm, 6,25%/năm và 7,23%/năm. Các mức lợi suất tuần này đang là các mức lợi suất cao nhất kể từ giữa tháng 4.
Cũng trong tuần này, tính đến thời điểm ngày 5/6, KBNN gọi thầu 2.000 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 364 ngày. Tỷ lệ đăng ký dự thầu là 137%, với tỷ lệ trúng thầu là 44,25%.
Trên thị trường thứ cấp, từ ngày 2 – 4/6, khối lượng giao dịch đối với cả giao dịch thông thường (outright) và giao dịch mua đi bán lại (repo) mới chỉ ghi nhận được khoảng 8.662 tỷ đồng. Trong đó, 5.745 tỷ đồng được thực hiện trên giao dịch thông thường, chiếm 66,3%; 2.916 tỷ đồng đối với giao dịch repo, chiếm 33,7% tổng giao dịch của thị trường. Giá trị giao dịch trung bình phiên đạt 2.887 tỷ đồng, giảm 15% so với giá trị trung bình phiên của tuần trước.
Phần lớn trái phiếu kỳ hạn dưới 1 năm và kỳ hạn từ 1 - 3 năm đang được các nhà đầu tư yêu thích và họ tập trung nguồn lực để giao dịch những trái phiếu kỳ hạn ngắn này. Trái phiếu kỳ hạn từ 3 - 5 năm và từ 5 - 7 năm cũng chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn trên thị trường.
Khác với tuần trước, trong tuần này, vẫn chưa ghi nhận giao dịch nào của trái phiếu kỳ hạn trên 7 năm.
Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch mua với giá trị 2.084 tỷ đồng, nhưng lại bán cho các nhà đầu tư trong nước 984 tỷ đồng tiền trái phiếu. Điều đó khiến họ trở thành mua ròng với giá trị khoảng 1.099 tỷ đồng trên thị trường thứ cấp. Đây là giai đoạn đầu tiên sau 11 tuần, trong tổng số 12 tuần họ bán ròng liên tiếp.
Lợi suất trái phiếu chính phủ dao động trong biên độ hẹp. Theo Bloomberg, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 1, 2, 3 và 5 năm thay đổi, lần lượt từ 5,07%/năm, 5,91%/năm, 6,26%/năm và 7,22%/năm thành 5,08%/năm (tăng 1 điểm cơ bản), 5,09%/năm (giảm 1 điểm cơ bản), 6,29%/năm (tăng 3 điểm cơ bản) và 7,22%/năm (tăng 3 điểm cơ bản).
Trong tuần đầu tháng 6, nhu cầu vay VND ngắn hạn để thanh toán và duy trì dự trữ bắt buộc tăng trở lại, nên lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ khoảng 0,2 – 0,3 điểm phần trăm trong 3 ngày đầu tuần. Thanh khoản của thị trường vẫn ổn định. Lãi suất qua đêm và 1 tuần lần lượt ở mức 2,1%/năm và 2,6%/năm, trong khi lãi suất 2 tuần và 1 tháng dao động quanh 2,8%/năm và 3,4%/năm.
Từ đầu tuần, trước đà giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng giảm mạnh xuống gần chạm mức 36 triệu/lượng trong ngày thứ 2, 2/6. Sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá vàng SJC Hà Nội niêm yết giá mua bán lần lượt ở mức 36,12 - 36,18 triệu/lượng. Diễn biến giá vàng thế giới tăng nhẹ trong hai ngày đầu tiên của tháng 6, nhưng nhanh chóng quay đầu giảm nhẹ trong ngày 4/6, ngay trước cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Giới đầu tư lo lắng ECB có thể sẽ hạ lãi suất huy động tiền gửi cũng như tình hình cải thiện trên thị trường việc làm Mỹ. Chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước được thu hẹp xuống mức 4,3 triệu/lượng, so với 4,41 triệu/lượng cuối tuần trước.
Ngược với đà giảm trên thị trường vàng, tỷ giá USD tăng mạnh do hoạt động đầu cơ trước diễn biến căng thẳng trên biển Đông. Sau khi tăng khoảng 30 đồng ở giá bán và giá mua, VCB niêm yết tỷ giá lần lượt ở mức 21.180 – 21.240 VND/USD. Trên thị trường tự do, kết thúc ngày 4/6, tỷ giá USD/VND vẫn neo ở mức cao, đạt 21.330 – 21.350 tương đương hai chiều mua và bán.