Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt khiến dòng vốn ồ ạt chảy ra khỏi thị trường trái phiếu châu Á trong tháng 9

Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt khiến dòng vốn ồ ạt chảy ra khỏi thị trường trái phiếu châu Á trong tháng 9

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường trái phiếu châu Á đã hứng chịu dòng vốn nước ngoài chảy ra ồ ạt trong tháng 9, do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt và đồng đô la mạnh hơn làm giảm lợi nhuận của các nhà đầu tư quốc tế.

Dữ liệu từ các cơ quan quản lý và hiệp hội thị trường trái phiếu cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3,7 tỷ USD trái phiếu khu vực từ các thị trường Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan, là mức lớn nhất kể từ tháng 6/2022.

Kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất chính sách cao hơn trong thời gian dài hơn để chế ngự áp lực lạm phát đã nâng lợi suất trái phiếu trong những tuần gần đây.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng 48 điểm cơ bản vào tháng trước, lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2022 và đã tăng thêm 37 điểm cơ bản tính tới ngày 19/10 trong tháng này.

Với sự gia tăng lợi suất của Mỹ, hầu hết trái phiếu chính phủ châu Á đang mang lại lợi suất thấp hơn so với trái phiếu Kho bạc Mỹ mặc dù rủi ro cao hơn, khiến các nhà đầu tư nước ngoài ít có động lực đầu tư vào chúng.

Trong đó, trái phiếu Indonesia phải hứng chịu gánh nặng từ dòng vốn chảy ra ngoài với mức bán ròng đạt 1,5 tỷ USD vào tháng trước, mức lớn nhất trong một năm. Đồng rupiah dao động gần mức thấp nhất trong 3,5 năm so với đồng đô la vào thứ Sáu (20/10), do bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng lợi suất trái phiếu của Mỹ.

Trong một động thái nhằm ổn định sự sụt giảm của đồng rupiah, ngân hàng trung ương Indonesia đã gây bất ngờ cho thị trường khi quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tuần này, đây là lần tăng lãi suất thứ hai trong năm nay.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng trái phiếu Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc lần lượt là 940 triệu USD, 786 triệu USD và 471 triệu USD trong tháng 9.

Saktiandi Supaat, người đứng đầu bộ phận ngoại hối châu Á tại Maybank cho biết: “Chúng tôi cảnh giác với khả năng tỷ giá USD/MYR tăng thêm do nguy cơ lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng thêm. Lãi suất của Malaysia đã chậm lại khá nhiều so với Mỹ do ngân hàng trung ương Malaysia không tăng lãi suất nhiều như Fed”.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng khoảng 113 triệu USD vào trái phiếu Ấn Độ do lạc quan về việc chúng được đưa vào chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi của JP Morgan vào năm tới.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng căng thẳng địa chính trị đang diễn ra ở Trung Đông sẽ gây thêm rủi ro cho dòng vốn nước ngoài đổ vào khu vực.

Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Châu Á tại ANZ cho biết: “Xung đột Palestine-Israel đã đẩy giá dầu tăng cao và có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong thời gian tới, dẫn đến dòng vốn đầu tư chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi Châu Á”.

Tin bài liên quan