Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và nỗi lo lạm phát khiến giới đầu tư vẫn chọn cách bán ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall đóng cửa giảm điểm vào thứ Năm (14/4) khi lợi suất trái phiếu leo cao đã gây sức ép đến thị trường và sự thận trọng về lạm phát càng khiến các chỉ số gặp khó.
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và nỗi lo lạm phát khiến giới đầu tư vẫn chọn cách bán ra

Thị trường chịu sức ép lớn do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm leo lên mức đỉnh trong nhiều năm tại 2,8% và 2 báo cáo liên tiếp của Mỹ cho thấy lạm phát tăng mạnh, với chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng nhanh nhất trong 41 năm qua và chỉ số giá sản xuất cũng tăng 11,2%, mức tăng mạnh kỷ lục kể từ năm 2010.

Lợi tức trái phiếu tăng đã gây áp lực lên cổ phiếu tăng trưởng, kéo chỉ số S&P 500 và Nasdaq chìm sâu vào sắc đỏ.

Theo đó, trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, nhóm cổ phiếu công nghệ giảm sâu nhất, để mất 2,5%, với những tên tuổi lớn như Microsoft giảm 2,7%, Apple mất 3% và Google giảm 2,4%. Các nhà sản xuất chip cũng suy giảm với Nvidia sụt 4,3% và AMD giảm 4,8%.

Hiện giới đầu tư tập trung theo dõi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên, với 34 công ty trong S&P 500 đã ra báo cáo.

Các nhà phân tích hiện kỳ ​​vọng tăng trưởng tổng thu nhập hàng năm của S&P 500 là 6,3%, kém lạc quan hơn so với mức tăng 7,5% được dự báo vào đầu năm.

Ngày thứ Sáu (15/4), chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ. Như vậy trong tuần này, S&P 500 giảm 2,13%, Nasdaq giảm 2,63% và Dow Jones mất 0,78%.

Kết thúc phiên 14/4, chỉ số Dow Jones giảm 113,36 điểm (-0,33%), xuống 34.451,23điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 54,00 điểm (-1,21%), xuống 4.392,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 292,51 điểm (-2,14%), xuống 13.351,08 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên quan điểm chính sách và báo hiệu việc giảm kích thích trong những tháng tới duy trì lãi suất thấp.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,69% lên 459,91 điểm.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tiếp tục duy trì ở mức thấp kỷ lục, với lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là âm 0,5%.

Trong nhiều tháng qua, ECB đã giảm quy mô của các gói kích thích kinh tế, nhưng cho đến nay vẫn tránh đưa ra cam kết về thời điểm chấm dứt hoàn toàn chương trình này, do lo ngại rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine và giá năng lượng tăng cao có thể đảo ngược đà phục hồi kinh tế của khu vực.

Anna Stupnytska, nhà kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Fidelity International, cho biết ECB đang phải đối mặt với một sự đánh đổi chính sách khó khăn hơn nhiều so với các thị trường phát triển khác.

“Khi cú sốc tăng trưởng khu vực chậm lại trở nên rõ ràng hơn, trọng tâm của ECB có thể sẽ chuyển mục tiêu từ kiềm chế lạm phát cao sang cố gắng hạn chế những khó khăn chung về kinh tế. Chúng tôi không kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất cho đến quý IV này, vào năm hoặc đầu năm 2023, Stupnytska nói.

ECB đang tụt hậu so với hầu hết các ngân hàng trung ương lớn khác, vốn đã bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái.

Thị trường chứng khoán châu Âu sẽ đóng cửa vào ngày Mai và thứ Hai tuần tới để nghỉ lễ Phục sinh.

Kết thúc phiên 14/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 35,58 điểm (+0,47%), lên 7.616,38 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 87,41 điểm (+0,62%), lên 14.163,85 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 47,21 điểm (+0,72%), lên 6.589,35 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, được thúc đẩy bởi cổ phiếu công nghệ và du lịch khi theo chân các công ty cùng ngành đêm qua trên Phố Wall.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi Bắc Kinh cho biết, sẽ cắt giảm kịp thời tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng (RRR) và các công cụ chính sách khác để hỗ trợ nền kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông nhích lên khi các công ty công nghệ và bất động sản tăng điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc gần như không đổi, sau khi Ngân hàng Trung ương nước này tăng lãi suất cơ bản trong một động thái bất ngờ nhằm chống lại lạm phát gia tăng.

Kết thúc phiên 14/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 328,51 điểm (+1,22%), lên 27.172,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 38,82 điểm (+1,22%), lên 3.225,64 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 143,71 điểm (+0,67%), lên 21.518,08 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 0,22 điểm (+0,00%), lên 2.716,71 điểm.

Tin bài liên quan