Bên cạnh đó, CPI tháng 4 chỉ tăng 0,04% tính từ đầu năm, là mức tăng thấp nhất trong vòng 14 năm và nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại, khiến lợi suất trái phiếu giảm.
Thị trường sơ cấp
Thị trường trái phiếu tuần cuối cùng tháng 4 bị gián đoạn do thời gian nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5 kéo dài. Chúng tôi tổng hợp số liệu thị trường trái phiếu tuần từ 20 - 24/4 và ngày 27/4 cho thấy, thị trường sơ cấp huy động thành công 2.145 tỷ đồng trái phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) trong tổng số 5.000 tỷ đồng gọi thầu. Tỷ lệ trúng thầu đạt 43%, tăng mạnh so với mức 5% của tuần trước đó. Tỷ lệ đăng ký dự thầu đạt 1,22 lần.
Cụ thể, 1.400 tỷ đồng trái phiếu KBNN kỳ hạn 5 năm huy động thành công ở mức lợi suất 5,35%/năm, giảm nhẹ 5 điểm cơ bản; trái phiếu kỳ hạn 10 năm đấu thầu thành công 140 tỷ đồng, với chi phí 6,35%/năm, giảm nhẹ 4 điểm cơ bản; trái phiếu kỳ hạn 15 năm huy động được 605 tỷ đồng, ở mức lợi suất 7,42%/năm, tăng nhẹ 2 điểm cơ bản.
Như vậy, tính đến hết ngày 27/4, 78.465 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và Chính phủ bảo lãnh được đấu thầu thành công. Trong đó, có 64.516 tỷ đồng trái phiếu KBNN, 4.949 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Chính sách Xã hội và 9.000 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Trong tuần, trên thị trường sơ cấp không đấu thầu tín phiếu chính phủ.
Tuần này, KBNN phát hành 6.000 tỷ đồng chia làm hai phiên đấu thầu. Trong đó có 4.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm, 1.000 tỷ đồng trái phiếu 10 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu 15 năm.
Theo kế hoạch, trong quý II, khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh tăng lên 80.000 tỷ đồng, tăng 43% so với số thực tế phát hành trong quý I và tăng 65% so với cùng kỳ.
Thị trường thứ cấp
Từ 20/4 đến 27/4, tổng khối lượng giao dịch đạt 19.956 tỷ đồng, tăng 4% so với tuần trước, tương ứng với giá trị trung bình mỗi phiên đạt 3.991 tỷ đồng.
Giá trị thông thường (outright) đạt 13.176 tỷ đồng, chiếm 67% tổng giá trị giao dịch. Khối lượng giao dịch mua bán lại (repos) đạt 6.780 tỷ đồng, chiếm 34%.
Giao dịch outright chủ yếu tập trung tại giao dịch trái phiếu dưới 5 năm, trong đó, riêng giao dịch trái phiếu 1 - 3 năm chiếm tới 45%; trái phiếu dưới 1 năm và từ 3 - 5 năm chiếm lần lượt 1% và 16%. Giá trị giao dịch trái phiếu từ 5 năm trở lên chỉ chiếm 39% tổng giá trị giao dịch outright.
Từ 20 - 27/4, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng 773 tỷ đồng thông qua các giao dịch outright và repo.
Trong tuần, lợi suất các kỳ hạn hầu hết đều giảm, riêng lợi suất trái phiếu 15 năm tăng 18 điểm cơ bản (xem bảng).
Thị trường mở
Từ 20/4 đến 27/4, thị trường mở ghi nhận 13.933 tỷ đồng giao dịch reverse repo được thực hiện và 19.000 tỷ đồng giao dịch reverse repo đáo hạn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành được 27.650 tỷ đồng tín phiếu, gấp nhiều lần so với khối lượng 1.000 tỷ đồng của tuần trước đó. Đặc biệt, trong đó có 17.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày, là kỳ hạn thường sử dụng với giao dịch reverse repo. Lợi suất của tín phiếu 14 ngày bằng với lãi suất giao dịch reverse repo kỳ hạn 7 ngày là 5%/năm.
Trong tuần có 14.725 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, tính chung NHNN đã hút ròng 17.992 tỷ đồng trên thị trường mở.
Thị trường liên ngân hàng
Nguồn cung VND tiếp tục bị thiếu hụt khiến lãi suất liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm, vào ngày 21/4. Điều này phần lớn do tăng trưởng tín dụng đạt 2,78% trong 4 tháng đầu năm 2015, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm dần về cuối tháng.
Trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, lãi suất thị trường liên ngân hàng tham khảo: qua đêm (3,1%/năm, -170 điểm), 1 tuần (3,6%/năm, -130 điểm), 2 tuần (3,8%/năm, -100 điểm), 1 tháng (4,2%/năm, -50 điểm).