Trên thị trường thứ cấp, các NĐT nước ngoài đã quay trở lại mua ròng sau tuần bán ròng ồ ạt trước đó. Triển vọng tỷ giá ổn định trong những tháng tới và chu kỳ giải ngân đầu năm của NĐT nước ngoài khiến các ngân hàng bán nhiều USD chuyển sang nắm giữ VND, tăng thanh khoản tiền đồng trong hệ thống ngân hàng và nhu cầu mua trái phiếu.
Thị trường sơ cấp
Trong tuần từ 12 - 16/1, thị trường trái phiếu sơ cấp rất sôi nổi, với khối lượng đăng ký gấp 2,8 lần khối lượng 8.500 tỷ đồng được gọi thầu từ ba đơn vị, Kho bạc Nhà nước (KBNN), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPTVN). Tổng khối lượng trúng thầu đạt 5.827 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ trúng thầu đạt 68,5%.
Trong đó, KBNN huy động được 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, với tỷ lệ trúng thầu 100% tại mức lợi suất 6,01%/năm, giảm tới 39 điểm cơ bản so với lần phát hành ngày 31/12/2014. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm của KBNN giảm mạnh trong tuần vừa qua khi khối lượng đăng ký đã tăng đột biến, gấp 3,7 lần khối lượng gọi thầu. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm ngược lại đã không được đấu thầu thành công, mặc dù khối lượng đăng ký khá lớn. Trái phiếu 5 năm của NHPTVN đã được đăng ký với số lượng lớn gấp 3,4 lần khối lượng gọi thầu, trong khi đó, trái phiếu 10 năm cũng không được huy động thành công.
Trái phiếu NHCSXH đã có một tuần khá thành công, với tỷ lệ trúng thầu 55%, tương đương với khối lượng trúng thầu 826,7 tỷ đồng. Trong đó, 290 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm được huy động tại mức lợi suất 5,57%/năm, 400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm với lợi suất trúng thầu 6,58%/năm và 136,7 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm tại mức lợi suất 8%/năm. Trong tuần này, nguồn cung trên thị trường sơ cấp tiếp tục tăng cao với khối lượng gọi thầu lên tới 11.000 tỷ đồng; trong đó, KBNN gọi thầu 6.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, NHPTVN gọi thầu lần lượt 2.000 tỷ đồng trái phiếu 3 năm, 2.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu 10 năm. Lợi suất trái phiếu có thể không biến động nhiều so với tuần qua.
Thị trường thứ cấp
Trong tuần trước, khối lượng giao dịch thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp đạt 19.445 tỷ đồng, tăng 48,4% so với tuần trước đó, tương ứng với giá trị trung bình mỗi phiên đạt 3.889 tỷ đồng. Giá trị thông thường (outright) trong tuần chiếm 70% tương ứng với giá trị giao dịch đạt 13.546 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch mua bán lại (repos) đạt 5.899 tỷ đồng chiếm 30% tổng giá trị của thị trường.
Giao dịch trái phiếu kỳ hạn dưới 1 năm và từ 3 - 5 năm lần lượt chiếm tới 33% và 29% tổng giá trị giao dịch. Giá trị giao dịch trái phiếu từ 1 - 3 năm và từ 5 - 7 năm, tương ứng chiếm khoảng 22% và 11% tổng khối lượng giao dịch, trong khi giá trị giao dịch trái phiếu từ 7 năm chỉ chiếm 5%.
Thị trường mở
Trên thị trường mở, tuần qua, không có giao dịch reverse repo được thực hiện và 17 tỷ đồng giao dịch reverse repo đáo hạn.
Trong khi đó, NHNN phát hành 3.008 tỷ đồng tín phiếu các loại, giảm 42% so với khối lượng phát hành của tuần trước đó. Tín phiếu 182 ngày dẫn dắt thị trường với 6.593 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng giá trị phát hành. Tín phiếu 91 ngày và 28 ngày chiếm lần lượt 26,3% và 19,1%, tương đương với 3.426 tỷ đồng và 2.492 tỷ đồng. Còn lại tín phiếu 56 ngày ghi nhận khối lượng phát hành 497 tỷ đồng, chỉ chiếm 3,82%. Lợi suất tín phiếu tại các kỳ hạn không thay đổi so với tuần trước, chỉ riêng lợi suất 182 ngày giảm tới 12 điểm cơ bản xuống còn 4,25%/năm. Còn lại lợi suất tín phiếu 91 ngày, 56 ngày và 28 ngày lần lượt ghi nhận mức 4%/năm, 3,70%/năm và 3,50%/năm.
Thị trường liên ngân hàng
Sau quyết định tăng tỷ giá lên thêm 1%, thị trường ngoại hối trở nên cân bằng hơn, hỗ trợ thị trường tiền tệ ổn định. Trong tuần từ 12-16/1, lãi suất liên ngân hàng qua các kỳ hạn không thay đổi so với tuần trước và cũng biến động cân bằng trong tuần giao dịch. Theo Bloomberg, lãi suất tham khảo ở ngưỡng: qua đêm (3,5%/năm, không thay đổi), 1 tuần (3,7%/năm, không thay đổi), 2 tuần (3,8%/năm, giảm 10 điểm cơ bản) và 1 tháng (4,1%/năm, không thay đổi).