Lợi suất trái phiếu dự báo tăng nhẹ

Lợi suất trái phiếu dự báo tăng nhẹ

(ĐTCK) Theo đà tăng nhẹ của tuần trước, lợi suất trên thị trường sơ cấp được dự báo sẽ tăng nhẹ, do tín dụng được cải thiện cũng như chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tiếp tục tăng. Tính đến 23/5, tăng trưởng tín dụng đạt 1,31% so với cuối năm 2013 và gần gấp đôi ngày 22/4 (0,62%). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,2% theo tháng.

Trên thị trường sơ cấp, không có phiên đấu thầu nào thực hiện trong ba ngày đầu tiên của tuần. Kho bạc Nhà nước (KBNN) là nhà phát hành duy nhất, gọi thầu tổng cộng 7.000 tỷ đồng ngày 29/5. Cụ thể, KBNN gọi thầu 1.500 tỷ đồng đối với mỗi loại trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm và 2.000 tỷ đồng đối với mỗi loại trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 năm. Tổng giá trị gọi thầu trên thị trường sơ cấp tăng 6% so với phiên đấu thầu tuần trước. Trong tuần, từ 26 - 28/5, KBNN cũng không phát hành thêm tín phiếu nào.

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch sôi động và đạt 8.659 tỷ đồng đối với giao dịch outright và 2.178 tỷ đồng đối với giao dịch repo, tính đến hết ngày 28/5. Tổng giá trị giao dịch trong ba ngày đầu tuần đạt 10.837 tỷ đồng, trung bình phiên là 3.612 tỷ đồng, tăng 6,2%/năm so với tuần trước. Theo quan sát của chúng tôi, kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 năm vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số giao dịch. Đặc biệt, trong 3 ngày đầu tuần, giao dịch trái phiếu kỳ hạn trên 7 năm tăng mạnh so với tuần trước và đạt mức kỷ lục (1.165 tỷ đồng) tính từ tháng 4/2014. Trái phiếu kỳ hạn 15 năm trong tuần được giao dịch khoảng 53,5 tỷ đồng bởi nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tuần thứ 4 liên tiếp, khoảng 14,6 tỷ đồng trong 3 ngày đầu tuần. Đây là dấu hiệu cho thấy họ đang chốt lãi trên thị trường trái phiếu.

Lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục đi ngang trong tuần từ ngày 26/5. So với tuần trước, lợi suất kỳ hạn ngắn vẫn ở mức cao hơn trong khi lợi suất kỳ hạn dài khá ổn định. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 và 3 năm tăng lần lượt 20 điểm và 10 điểm trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 7, 10 và 15 năm không đổi, ở mức 8,2%/năm, 8,75%/năm và 8,93%/năm.

Trong ba ngày đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ra thị trường 998 tỷ đồng qua nghiệp vụ reverse repo, tuy nhiên, có khoảng 1.322 tỷ đồng đáo hạn, dẫn đến khối lượng hút ròng là 324 tỷ đồng. Lãi suất giữ ổn định ở mức 5,0%/năm với kỳ hạn là 7 ngày.

Đồng thời, NHNN cũng phát hành thêm một lượng lớn tín phiếu kỳ hạn 91 ngày và 28 ngày, giá trị khoảng 10.701 tỷ đồng. Trong tuần, có khoảng 6.399 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, do đó khối lượng NHNN hút qua kênh tín phiếu đạt 4.302 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu tín phiếu kỳ hạn 91 ngày và 28 ngày vẫn ở mức ổn định, lần lượt là 3,9%/năm và 2,6%/năm.

Do hầu hết các ngân hàng thương mại đã duy trì đủ dự trữ bắt buộc, nên nhu cầu vay vốn bằng VND khá thấp, lãi suất liên ngân hàng theo đó giảm dần. Lãi suất qua đêm và 1 tuần đóng cửa ngày 28/5 là 2,233%/năm và 2,7%/năm, giảm so với mức thứ 6 tuần trước tương ứng là 3,117%/năm và 3,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng dao động khoảng 3 – 3,3%/năm và 3,3 - 3,7%/năm.

Thị trường ngoại hối nhìn chung khá ổn định. Ngoại trừ Vietcombank, phần lớn các ngân hàng thương mại khác niêm yết giá USD hầu như không đổi so với tuần trước. Vietcombank niêm yết giá mua và giá bán ở mức 21.130 đồng/USD và 21.180 đồng/USD vào ngày 28/5, tăng 15 điểm so với ngày hôm qua.

Giá vàng đã giảm so với tuần trước, dao động quanh mức mua vào 36,4 triệu đồng/lượng và bán ra 36,55 triệu đồng/lượng. Ngày 28/5, hàng loạt các số liệu tốt lành về kinh tế Mỹ được công bố đã làm giảm nhu cầu đầu tư an toàn, giá vàng thế giới giảm đáng kể, có lúc đạt 1.260 USD/ounce. Giá vàng giao ngay đóng cửa ở mức 1.267 USD/ounce, giảm khoảng 26,1 USD/ounce so với ngày 27/5. Trong ba ngày đầu tuần, giá vàng thế giới giảm mạnh hơn giá vàng trong nước.

Tin bài liên quan