Lợi suất trái phiếu báo hiệu sự kết thúc của trạng thái bình thường mới

Lợi suất trái phiếu báo hiệu sự kết thúc của trạng thái bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của lạm phát cao hơn và biến động hơn, dẫn đến những thay đổi lớn trong bối cảnh đầu tư.

Việc dự đoán chính xác khi nào thị trường sẽ phản ánh các thông tin vĩ mô là điều gần như không thể. Như nhà kinh tế học Rudiger Dornbusch đã từng nói: “Trong kinh tế học, mọi việc diễn ra mất nhiều thời gian hơn chúng ta nghĩ và sau đó chúng diễn ra nhanh hơn chúng ta nghĩ”.

Nhưng sớm hay muộn các nhà đầu tư cũng phải đối mặt với một sự điều chỉnh quan trọng - tất cả tài sản sẽ phải định giá lại do ba xu hướng lớn đã kết thúc.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các thị trường đã chuyển sang hướng lạm phát thấp và ổn định. Kết quả là lãi suất giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ Thế chiến II và cũng có thể xem là mức “bình thường mới”. Các nhà hoạch định chính sách đã tận dụng cơ hội tưởng chừng như là “một bữa trưa miễn phí” bằng cách tiếp tục đẩy lãi suất xuống thấp hơn nữa và thúc đẩy nền kinh tế bằng việc cắt giảm thuế và mở rộng chi tiêu chính phủ.

Nhưng, những điều này đã không còn nữa. Không gian tài khóa bị thu hẹp khi lãi suất vượt quá tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế đang xảy ra. Do đó, một vòng phản hồi bất lợi phát triển: thị trường phải xử lý các khoản nợ được đảo nợ với lãi suất cao, khiến thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ cũng bị hạn chế. Trước đây, các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất từ bất cứ khi nào các mối đe dọa đối với tăng trưởng xuất hiện. Với lạm phát cao hơn mục tiêu, các ngân hàng trung ương không thể xoa dịu những cú sốc đối với nền kinh tế thực hoặc những biến động trên thị trường tài chính. Như vậy, phản ứng “Fed put” của chính sách tiền tệ (niềm tin của những người tham gia thị trường tài chính rằng Fed sẽ can thiệp vào thị trường nếu giá thị trường giảm xuống một mức nhất định) cũng đã kết thúc.

Đồng thời, hai lực lượng cơ cấu thuận lợi trong nền kinh tế toàn cầu cũng đang kết thúc. Thứ nhất, sau khi thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều thập kỷ, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại và kết quả là nguồn dự trữ tài chính của nước này sẽ được tái sử dụng vào thị trường quốc tế sẽ ít hơn. Đóng góp của Trung Quốc vào việc giảm lạm phát toàn cầu trong những thập kỷ gần đây cũng có khả năng giảm đi.

Ngoài ra, bối cảnh địa chính trị ngày càng trở nên nguy hiểm. Năm 1989, nhà khoa học chính trị Mỹ Francis Fukuyama đã phát triển ý tưởng về “Sự kết thúc của lịch sử”. Tuy nhiên, sau thời gian bình yên kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, những xung đột và căng thẳng địa chính trị đang quay trở lại. Một bối cảnh mới về cạnh tranh địa chính trị ngày càng lớn hơn sẽ đồng nghĩa với việc lạm phát cao hơn và thâm hụt ngân sách lớn hơn.

Những vấn đề trên tác động thế nào tới các nhà đầu tư?

Sự gia tăng mạnh mẽ của lãi suất dài hạn kể từ giữa năm nay là một trường hợp điển hình. Trong vài thập kỷ qua, phần bù kỳ hạn (term premium) - khoản bồi thường mà các nhà đầu tư yêu cầu để mua tài sản có kỳ hạn dài hơn - đã có xu hướng thấp hơn và thậm chí chuyển sang âm trong những năm gần đây. Nhu cầu về tài sản dài hạn lớn đến mức các nhà đầu tư sẵn sàng từ bỏ việc bảo vệ và thực sự “trả tiền” để có được lợi suất.

Phần bù kỳ hạn của lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm

Phần bù kỳ hạn của lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm

Có ba lý do chính dẫn đến phần bù kỳ hạn âm. Thứ nhất, lạm phát thấp và biến động lạm phát giảm khiến trái phiếu dài hạn trở nên hấp dẫn. Thứ hai, các vòng nới lỏng định lượng ngày càng mở rộng của Fed đã tạo ra người mua nợ phi kinh tế có quy mô siêu lớn. Các ngân hàng trung ương khác cũng làm theo, khuếch đại tác động tiêu cực lên lợi suất. Cuối cùng, lợi nhuận trái phiếu phòng ngừa rủi ro cho lợi nhuận cổ phiếu khiến các nhà đầu tư tìm kiếm rủi ro nắm giữ tài sản không rủi ro trở nên hấp dẫn. Trái phiếu dường như là công cụ phòng hộ hoàn hảo cho cổ phiếu vì mỗi khi rủi ro đối với nền kinh tế xuất hiện, các ngân hàng trung ương lại lao vào giải cứu bằng cách cắt giảm lãi suất và nới lỏng định lượng (QE).

Tuy nhiên, khi không có “Fed put” có nghĩa là không có lãi suất bằng 0, không có hứa hẹn về lãi suất thấp trong tương lai và chắc chắn không có QE để giải cứu các nhà đầu tư khi họ thua lỗ.

Chi phí vốn cao hơn sẽ rút ngắn thời gian các công ty công nghệ khởi nghiệp phải đạt được lợi nhuận. Xu hướng định giá dựa vào P/E cao hơn có thể đảo ngược khi các nhà đầu tư phải đối mặt với viễn cảnh thua lỗ thường xuyên hơn và lớn hơn trong thời kỳ suy thoái.

Lãi suất thế chấp cao hơn sẽ khiến nhà ở rơi vào tình trạng đóng băng sâu sắc và cuối cùng đè nặng lên giá bất động sản. Các chính phủ sẽ phải đối mặt với áp lực cắt giảm thâm hụt và có rất ít khả năng đầu tư vào hàng hóa công như chuyển đổi năng lượng xanh.

“Sự bất thường mới” này sẽ mang đặc trưng của lạm phát cao hơn và biến động hơn cũng như sự quay trở lại với lãi suất cao hơn về cơ cấu. Nhìn chung, trạng thái bình thường mới trông giống như một giai đoạn duy nhất có lãi suất thấp kỷ lục sau cuộc khủng hoảng tài chính. Trong tương lai, các nhà đầu tư sẽ phải xem lại cách vận hành khi không có mạng lưới an toàn tài chính hoặc tiền tệ.

Tin bài liên quan