Hãy hình dung, bạn có một đứa con vừa tốt nghiệp trung học, tuổi 18, không lo luyện thi đại học mà lại tuyên bố sẽ bắt chước nhân vật Huyền Chip năm nọ, mang ba lô lên và đi khám phá thế giới, chắc bạn cũng rất khó khăn đối diện với vấn đề này, chưa kể đến sự kỳ thị của những người xung quanh về một đứa con... hư!
Nhà văn Đỗ Khiêm có 40 năm sống ở Mỹ và Pháp, đã quan sát và kể về làn sóng "khám phá bản thân" của giới trẻ Âu, Mỹ vào lứa tuổi từ 18 - 25. Hơn một nửa số thanh niên đó ôm giấc mơ viễn du vào lúc 18 tuổi, nhưng số người đủ can đảm thực hiện ước mơ này lại không nhiều.
Những người trẻ này được giáo dục để vừa tròn 18 tuổi đã muốn biết bản thân họ có năng lực gì, đang hướng đến điều gì của cuộc sống. Và muốn trả lời cặn kẽ 2 câu hỏi đó, họ tạm gác lại việc học hoặc tìm một việc làm để đi càng nhiều càng tốt, tìm hiểu cuộc sống ngoài kia, để nó ngấm vào nhận thức, hình thành bản lĩnh, khả năng ứng xử cho bản thân, và quan trọng nhất là hoàn thiện giấc mơ của chính mình, sau đó trở về học tiếp hoặc làm việc đúng chí hướng.
Làn sóng này đã lan sang rất nhiều nước châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Phần lớn họ đến các nước châu Á, châu Phi - nơi chi phí sinh hoạt không cao và đời sống văn hóa, kinh tế có nhiều khác biệt để tham gia vào cuộc sống bản địa. Một số chọn cách an toàn hơn là xin vào làm việc cho các tổ chức tình nguyện như chăm sóc y tế, giúp đỡ người tỵ nạn.
Ở Hội An, chúng tôi gặp khá nhiều thanh niên đến từ các nước châu Âu đang làm việc cho các quán cà phê, cửa hàng bán thức ăn nhanh để có chi phí sinh hoạt nhằm kéo dài chuyến đi của họ.
Katie - một cô gái mới 19 tuổi đã rời nước Anh đến Đông Nam Á để khám phá bản thân như vậy. Trong lúc quán vắng khách, không phải chào mời người qua lại hoặc bưng cà phê, Katie đã nói chuyện với chúng tôi, kể về thời gian 3 tháng sống ở Thái Lan đã cho cô hiểu cuộc sống không dễ dàng, kiếm tiền cũng rất khó khăn, nhưng cô học được cách sống với những người ở đất nước có nền văn hóa khác biệt với mình.
Katie nói: "Sau chuyến đi một năm này, tôi tin mình có thể sống hòa bình với những người rất khác biệt, bởi tôi học được sự kiên nhẫn, tôn trọng và biết yêu mến những dân tộc mới nhìn có thể nghĩ là họ chưa văn minh, nhưng thực tế họ có văn hóa rất đặc sắc và nhân văn, phải tiếp xúc với họ mới cảm nhận được và yêu mến họ. Nghĩ đến những người phân biệt chủng tộc ở quê hương mình, tôi vừa phẫn nộ, vừa buồn cười".
Bạn có mơ ước có cô con gái mới 19 tuổi mà đã có nhận thức như cô gái người Anh Katie này không? Nhờ được nuôi dưỡng trong nền tảng giáo dục của nước Anh, có sự khuyến khích từ gia đình nên Katie đã có được nhận thức đó và can đảm lên đường.
Hỏi về giảng đường đại học, Katie cười thoải mái: "Trường đại học nào dạy những trải nghiệm tôi có được, làm sao giúp tôi tạo ra sức mạnh cho bản thân để đối mặt với những khó khăn hằng ngày?
Khi 20 tuổi, tôi sẽ quay về đầu tư cho bậc đại học. Nếu không được, tôi sẽ đi học nghề và tìm việc làm, tôi thấy rất tự tin khi nhìn vào cuộc sống của mình trong vài năm tới". Tôi thấy ánh lên trong mắt cô gái trẻ này niềm hạnh phúc và sự tự tin.
Nhưng chỉ nghe và thích vậy thôi chứ chúng ta không ủng hộ cách khám phá bản thân như của Katie, vì vẫn đang lo cho con cái theo cách bằng mọi giá xin cho con vào trường điểm, tậu một miếng đất nhỏ với hy vọng sẽ bán được giá cao để đầu tư cho con du học trong tương lai.
Tôi từng thấy một người mẹ đọc tin nhắn do ngân hàng gửi đến và than thở: "Hôm nay nó ăn món gì mà quẹt thẻ hết nhiều tiền thế không biết!". Thì ra con trai chị đang du học bên Mỹ và chi tiêu bằng thẻ tín dụng của chị. Điều này thật ra không xấu mà còn giúp chúng ta thấy rất yên tâm khi bảo bọc được con cái càng lâu càng tốt, chỉ sợ không có điều kiện.
Vấn đề là hầu như đứa trẻ Việt nào cũng được giáo dục về một cuộc sống chuẩn mực với tấm bằng đại học và việc làm ổn định. Những trường hợp như Huyền Chip và thành tựu học bổng toàn phần vào Đại học Stanford (Mỹ) sau khi đi bụi khắp thế giới là rất dị biệt, nó tựa như con khủng long giữa bầy trẻ!