Sức cầu tiêu thụ trong nước hiện vẫn yếu

Sức cầu tiêu thụ trong nước hiện vẫn yếu

“Lối ra” tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm: Vẫn là xuất khẩu

(ĐTCK) Chưa có tín hiệu rõ ràng trong tháng 5 và 6 cho thấy xuất hiện nhân tố mang tính đột phá cho tăng trưởng, song tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ sôi động hơn.

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 6/2017 của Công ty Nghiên cứu thị trường Market Intello công bố mới đây cho biết, 5 tháng đầu năm, nền kinh tế vẫn trong xu hướng đi ngang, hoặc có tăng nhưng không đáng kể so với những tháng đầu năm.

Báo cáo này cũng tương tự với các số liệu phân tích của Tổng cục Thống kê rằng, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 giảm 0,53% so với tháng 4, kéo lạm phát giảm còn 3,19%, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 chỉ tăng 0,1% so với tháng 4.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2017, chỉ số này tăng 10,2% so với cùng kỳ 2016 (tăng 7,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%. Điều này thể hiện sức cầu tiêu thụ trong nước vẫn yếu.

Một yếu tố đáng quan tâm là tỷ giá USD/VND đi ngang trong tháng 5 do nhà đầu tư nước ngoài tăng giải ngân góp vốn và mua cổ phần khoảng 1,8 tỷ USD, trong khi nền kinh tế tiếp tục tình trạng nhập siêu.

Thâm hụt thương mại trong tháng 5 đạt khoảng 800 triệu USD, làm tăng thâm hụt trong 5 tháng đầu năm lên mức 2,6 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước thâm hụt 9,5 tỷ USD, trong khi khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu 6,9 tỷ USD.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Market Intello, có 2 điểm đáng chú ý trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm là lãi suất huy động tiếp tục giảm và xu hướng phục hồi của dòng vốn đầu tư công.

Cụ thể, trong tháng 5, lãi suất huy động vẫn tiếp tục giảm, bất chấp áp lực tín dụng tăng trưởng cao hơn huy động. Điều này cho thấy, xu hướng lạm phát giảm cũng như tỷ giá ổn định khiến mặt bằng lãi suất các kỳ hạn duy trì xu hướng giảm. Việc cơ quan quản lý cùng lúc mua vào USD và bơm VND ra thị trường đã giúp “hạ nhiệt” lãi suất ngắn hạn.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hồi phục trở lại trong tháng 5 và 6, mặc dù tiến độ giải ngân còn chưa đồng đều.

Tuy chưa thực sự rõ ràng, song với yếu tố lãi suất giảm sẽ dẫn tới mặt bằng lãi suất giảm theo, tăng đầu tư công sẽ là động lực để các chủ đầu tư và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, trong khi mặt bằng lãi suất giảm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn.

Theo đó, Market Intello dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ có dấu hiệu cải thiện, dù chưa thực sự rõ ràng.

“Hiện tại, chúng tôi vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2017 đạt mức 6,1%. Tuy nhiên, với việc Chính phủ đã có một số cải thiện trong giải ngân nguồn vốn ngân sách và thị trường thế giới khá thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, nên nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng tích cực hơn”, ông Minh nhận định.

Đặc biệt, ông Minh cho biết, trong 2 tháng đầu quý II, xuất khẩu đã có sự tăng trưởng bứt phá. Trong bối cảnh sức cầu trong nước vẫn yếu, mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn sẽ là “lối ra” cho nền kinh tế Việt Nam.

Cùng với đó, triển vọng sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu là cơ hội tốt để Việt Nam gia tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại trong những tháng cuối năm.

Cũng theo dự báo của Market Intello, lạm phát 2017 sẽ ở mức 2,9%. Mức giảm chủ yếu đến từ việc giá thực phẩm tươi sống và giá xăng dầu giảm. Đồng thời, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhờ CPI giảm. Dù vậy, mức giảm sẽ không nhiều do áp lực tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động.

Bên cạnh đó, Market Intello cũng cảnh báo rằng, rủi ro, thách thức cho nền kinh tế vẫn hiện hữu trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn do cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và một số nước Ả Rập đang diễn biến bất lợi có thể ảnh hưởng đến đà hồi phục của giá dầu thô trên thế giới, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến kế hoạch hút thêm 1 triệu tấn dầu của Chính phủ.

Ngoài ra, mức độ lạc quan của một số nhà sản xuất về triển vọng sản xuất trong thời gian tới giảm cũng sẽ là yếu tố ảnh hướng đến kế hoạch tăng trưởng.           

Chính phủ cần nghiêm khắc hơn với việc cắt giảm chi phí thường xuyên

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR

Chính phủ cần nghiêm khắc hơn với chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi phí thường xuyên, cũng như những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào ngân sách như khu vực hội, đoàn thể.

Về dài hạn, Chính phủ cần giải quyết dứt điểm bài toán giữa những khoản thu ngắn hạn và lợi ích trong dài hạn. Nhà nước cần thoái vốn một cách quyết đoán, đặc biệt tại một số ngân hàng thương mại nhà nước để giúp bổ sung nguồn ngân sách, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng có có đủ nguồn vốn mở rộng hoạt động.

Tin bài liên quan