Lối ra cho mía đường vẫn bế tắc

Lối ra cho mía đường vẫn bế tắc

Những bế tắc trong tiêu thụ đường có thể sẽ được giải tỏa khi cuối tuần qua, Bộ Công thương nhất trí quan điểm không hạn chế xuất khẩu đường trên cơ sở làm rõ số liệu cung - cầu. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện tại, lối thoát cho doanh nghiệp mía đường không hề đơn giản.

Thứ nhất, việc không hạn chế xuất khẩu đường phải đi kèm với điều kiện phải làm rõ số liệu cung - cầu mặt hàng này, trong khi đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương chưa thống nhất được số liệu này.

Thứ hai, tồn kho đường quý I/2014 rất lớn, lên tới gần 600.000 tấn, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tồn kho lớn, cùng sự tấn công của đường lậu, khiến từ đầu năm đến nay, đã có hai doanh nghiệp mía đường (là Công ty Long Mỹ Phát và Công ty Mía đường Hậu Giang) phải đóng cửa, hàng loạt nhà máy đường còn lại hoạt động cầm chừng. 

Thứ ba, năng suất mía đường Việt Nam hiện thuộc loại thấp nhất trong khu vực (chỉ bằng 50-60% so với Trung Quốc, Thái Lan). Cộng với chi phí đầu vào cao, giá thành đường Việt Nam luôn cao hơn đường nhập lậu từ Thái Lan 30%.       Xem tiếp trang 3

Do vậy, dù có cho phép xuất khẩu đường không hạn chế, mía đường vẫn không thể cạnh tranh ngay trên sân nhà, nhất là thời hạn năm 2015 đã đến gần, khi thuế xuất nhập khẩu đường 0% theo Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực. Như vậy, chỉ hơn 1 năm nữa, không chỉ 30.000 tấn đường từ Hoàng Anh Gia Lai, mà đường nhập khẩu từ Thái Lan, Lào và các nước khác sẽ tràn sang Việt Nam.

Nghịch lý dễ thấy là,  trong bối cảnh đường dư thừa, song bất chấp đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Công thương chỉ cho phép xuất khẩu 200.000 tấn đường RS, không cho phép xuất khẩu đường RE và giới hạn đến tháng 6/2014 để đảm bảo nhu cầu chế biến thực phẩm trong nước.

Câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước có cần phải can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nhà máy đường?

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chỉ cho phép xuất khẩu 200.000 tấn đường là quá ít. Đồng thời, việc giới hạn thời gian xuất khẩu khiến các nhà nhập khẩu nước ngoài chờ đến gần thời hạn này để ép giá đường Việt Nam.

Còn việc chỉ cho phép xuất khẩu đường RS mà không cho phép xuất khẩu đường tinh luyện RE là không công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất đường và doanh nghiệp tiêu thụ đường. Lẽ ra, nếu muốn dự trữ đường để đảm bảo sản xuất trong nước, thì doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải mua đường dự trữ, chứ không phải bắt buộc doanh nghiệp sản xuất đường ém hàng để dự trữ hộ.

Để hạn chế khó khăn ngày càng chồng chất của ngành mía đường, đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Với doanh nghiệp mía đường, việc cần phải làm ngay không chỉ là giải quyết đường tồn kho, mà phải đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản xuất, đầu tư giống mới cho vùng nguyên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh. Việc xem xét, tổ chức lại hệ thống nhà máy cũng là yếu tố cần tính tới, nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh toàn ngành.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, phải thay đổi tư duy chỉ đạo điều hành, coi trọng yếu tố thị trường, sử dụng các công cụ đòn bẩy kinh tế để cân đối cung - cầu trên thị trường, trao quyền tự chủ sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp. Theo hướng đó, nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan quản lý nhà nước phải là xây dựng chính sách đòn bẩy kinh tế, khuyến khích chuyển giao công nghệ, dự báo thị trường để phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý.

Rõ ràng, áp lực tìm lối thoát cho ngành đường không chỉ diễn ra với các doanh nghiệp mà với cả cơ quan quản lý. Bài toán này chỉ có lời giải thấu đáo khi có sự nỗ lực của doanh nghiệp và lòng dũng cảm đổi mới, dám vượt lên chính mình của cơ quan quản lý nhà nước.

Tin bài liên quan