Ngay khi thông tin này được lan tỏa, nó đã khiến nhiều người bán tín bán nghi bởi người Việt dường như đã quen với chuyện "ăn cá” Ngày Nói dối. Tuy vậy, hình ảnh Uber cùng những đôi giày Bitis Hunter cũng tràn ngập các diễn đàn và các trang cá nhân trong ngày "quốc tế lừa".
Có hơn 150 đôi giày Hunter của Bitis được trao cho khách hàng may mắn nhưng theo ghi nhận của Uber, đã có hơn 6.600 lượt đặt xe ở TP. HCM và 1.200 lượt đặt xe ở Hà Nội chỉ trong ngày 1/4 vừa qua. Con số này cao hơn nhiều so với số lượt đặt xe hằng ngày của Uber.
Trước phi vụ kết nối này, thương hiệu Bitis đã quen thuộc với người Việt qua hình ảnh bước chân thần tốc của người lính Tây Sơn cùng câu slogan "Nâng niu bàn chân Việt". Sau nhiều năm im ắng về mặt truyền thông, Bitis cũng ý thức được mình cần "lột xác", ứng dụng công nghệ để cho ra đời những thiết kế mang hơi thở thời đại.
"Con "cá tháng Tư" trong chiến dịch của Uber và Bitis là cá thật chứ không phải cá ảo, vì cả hai đều nói thật nhưng khách hàng không tin và khi chứng kiến sự thật thì lập tức lan truyền đến cộng đồng."
Kết quả của quyết tâm thay đổi từ Bitis là sự đổi mới trong thiết kế để cho ra mắt mẫu giày Hunter trẻ trung, cá tính. Có sản phẩm mới mang tính đột phá, cái Bitis cần là một chiến dịch truyền thông thông minh, có thể thu hút sự quan tâm của người dùng.
Và liên kết với một thương hiệu hiện đại, tiên phong trong cung cấp dịch vụ di chuyển mới mẻ thông qua ứng dụng di động như Uber là cách để Bitis làm mới mình. Không thể phủ nhận việc Uber ra đời đã thổi một luồng gió mới vào cách thức di chuyển ở hơn 400 thành phố trên toàn thế giới.
Theo ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam, Uber luôn gắn liền với hình ảnh cách tân táo bạo. Khi đến các quốc gia khác nhau, Uber thường chọn cách hợp tác với những công ty bản địa để cùng tạo tinh thần bùng nổ sáng tạo. "Một trong những cách tốt nhất để chúng tôi có thể tìm hiểu nhu cầu của người dùng là hợp tác với một thương hiệu địa phương", ông Việt Dũng chia sẻ.
Cả hai thương hiệu Uber và Bitis đều được nhắc đến trong một ngày, giá trị về mặt truyền thông kỹ thuật số chiến dịch này gặt hái được tính ra rất lớn, bởi họ đã chọn điểm dừng rất tốt là Ngày Cá tháng Tư. Trên thế giới, rất nhiều thương hiệu đã gây ấn tượng với khách hàng trong ngày này.
Nhãn hàng KFC từng tận dụng cơ hội này để quảng cáo sản phẩm mới: Đúng ngày 1/4, KFC công bố phát minh chiếc máy giúp người dùng... mở mồm. Cuối cùng, lời diễn giải cho cái máy ấy là vì chiếc Mighty Burger - sản phẩm mới của họ - quá lớn đối với một cái miệng trung bình.
Tương tự, Hãng Lego cũng đã "lừa" rất nhiều khách hàng khi thông báo trong ngày 1/4, mọi bộ đồ chơi thuộc series Ninja Rùa của họ sẽ được vận chuyển đến tận nhà từng khách hàng bằng... rùa thật.
Táo bạo hơn là Twitter, mạng xã hội này vào Ngày Cá tháng 4 đã đưa ra thông báo rằng họ sắp chào bán mũ bảo hiểm Twitter với tính năng đăng "tweet" khi người dùng gật đầu. Với sản phẩm mới này, khách hàng sẽ viết một đoạn "tweet" bằng hành động "mổ” liên tục vào bàn phím.
Ngay cả hãng xe nghiêm túc như Toyota cũng đã tung tin sẽ ra mắt mẫu xe có tên Setsuna làm bằng gỗ. Hãng xe Nhật "thả cá” khi quảng bá về chiếc xe có trang bị đồng hồ đếm ngược 100 năm để tính thời gian người dùng dành cho gia đình. Dù chỉ là trò đùa trong Ngày Cá tháng Tư nhưng Toyota đã khéo léo đưa thông điệp về một dòng xe hướng tới gia đình và nhấn mạnh ý nghĩa của thời gian dành cho người thân.
Tất cả những "chiêu lừa" của các thương hiệu đều có chung mục đích: Mang đến niềm vui cho khách hàng và tạo ấn tượng cho thương hiệu. Nhưng con "cá tháng Tư" trong chiến dịch của Uber và Bitis lại là cá thật chứ không phải cá ảo, vì cả hai đều nói thật nhưng khách hàng không tin và khi chứng kiến sự thật thì lập tức lan truyền đến cộng đồng. Rõ ràng, đây là một phép tính thông minh và am hiểu tâm lý người trẻ, đối tượng khách hàng của họ.