Thông tin từ Agribank cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024, Agribank vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển, hỗ trợ có hiệu quả để người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ.
Theo đó, kết quả hoạt động kinh doanh của Agribank năm 2024 đạt cao nhất sau 4 năm triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 200.000 tỷ đồng (+10%); Huy động vốn vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng trên 140.000 tỷ đồng (+7,5%); Dư nợ tín dụng đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng, tăng trên 170.000 tỷ đồng (+11%); Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,56%; Lợi nhuận trước thuế tăng trên 8%, đạt hơn 27.500 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu đạt 126.000 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đạt 51.600 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Agribank hoàn thành sắp xếp lại 21 chi nhánh trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Xử lý được gần 138.000 tỷ đồng nợ xấu giai đoạn 2021-2024, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2025 xuống dưới 1% và hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý về dưới mức 3% vào cuối năm 2025.
Đáng chú ý, ngay sau khi cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, Agribank đã thực hiện giảm từ 0,5% đến 2%/năm lãi suất cho vay và miễn, giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 06/9/2024 đến 31/12/2024 đối với dư nợ hiện hữu; giảm 0,5%/năm lãi suất đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 06/9/2024 đến hết năm 2024 để giúp khách hàng sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Được biết, nhiều năm liền Agribank được xếp hạng TOP 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam. Giai đoạn 2021 - 2024, Agribank nộp ngân sách nhà nước đạt trên 43.000 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2024 dự kiến nộp ngân sách nhà nước hơn 15.000 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2025, nộp trên 58.500 tỷ đồng.
Năm 2024, Agribank được cấp bổ sung đủ 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước, nâng tổng vốn điều lệ lên 51.600 tỷ đồng, góp phần nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho vay nông nghiệp, nông thôn