Ba khuyết điểm khiến DNNN chưa theo nguyên tắc thị trường
Theo ông Cung, hiện nay về áp dụng nguyên tắc thị trương đối với DNNN còn 3 điểm khuyết điểm cần lưu ý.
Thứ nhất, chưa tính đúng, tính đủ giá trị DNNN. Hiện nay, chỉ khi cổ phần hóa mới đánh giá lại giá trị tài sản theo giá trị trường của DNNN. Đáng lẽ, cần phải đánh giá trước để nhìn thấy sức mạnh của DNNN vì giá trị thực cao hơn giá trị sổ sách và để DNNN nhìn thấy rõ giá trị của mình để có động lực phát triển
Thứ hai, chủ sở hữu giao cho những người quản lý và DNNN những chỉ tiêu rất thấp với tư cách là chủ sở hữu. Chúng ta không thể chấp nhận tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn lãi suất cho vay.
Thứ ba, DNNN không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh. Đây là điểm ràng buộc khiến DN không hoạt động theo nguyên tắc thị trường, không trả lương cho cán bộ theo nguyên tắc thị trường. Có thể trả lương 1,5 tỷ đồng/năm cho cán bộ nếu họ có đóng góp đặc biệt.
Ông Cung cho rằng, không phải là vấn đề họ nhận được bao nhiêu mà họ làm được bao nhiêu, trả công theo giá trị họ đem lại.
Các khuyết điểm nêu trên khiến DNNN hoạt động chưa được hiệu quả.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội cho biết, trong quý I/2019, Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội sẽ trình thí điểm bảng tiền lương đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Về cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, ông Cung nhấn mạnh, nên tập trung theo chất lượng cổ phần hóa, không chạy theo số lượng cổ phần hóa.
"Cổ phần hóa theo cơ cấu danh mục và theo hướng chuyển đôi tài sản chưa tốt thành tốt và tốt thành tốt hơn đừng làm ngược lại biến tài sản tốt thành tài sản không tốt. Đấy là nền tảng và sức mạnh của khu vực DNNN nói riêng và khu vực DN nói riêng", ông Cung khẳng định,
Tháo bỏ các ràng buộc, thúc đẩy phát triển
Kiến nghị cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, ông Nguyễn Đình Cung nêu rõ các giải pháp, tháo bỏ các ràng buộc.
Thứ nhất, là câu chuyện lựa chọn người lãnh đạo và định hướng đầu tư. Với tư cách là chủ sở hữu, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho tập đoàn và tổng công ty nhà nước để chỉ một người nỗ lực tối đa mới làm được, không phải giao cho ai cũng có thể hoàn thành.
"Tại DNNN, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu phải cao hơn gấp 2 lần so với lãi suất cho vay. Để làm được điều đó, phải lựa chọn đầu tư, nên đầu tư vào DN hiệu quả, có như vậy sau vài năm mới có những tập đoàn kinh tế lớn, có thể lọt trong top 500 DN lớn nhất thế giới trong tương lai", ông Cung kiến nghị.
Lấy ví dụ doanh nghiệp có doanh thu thấp nhất top 500 công ty lớn nhất toàn cầu đã có doanh thu 24 tỷ USD vào năm 2017. Trong khi 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là PVN, Viettel, EVN mới có doanh thu 11 tỷ USD.
"Ba ông lớn nhất của ta mới chỉ bằng 1/2 công ty thấp nhất Top 500 thế giới. Chúng ta phải đầu tư có trọng điểm thì mới hy vọng có doanh nghiệp lọt Top 500 thế giới", ông Cung nói.
Thứ hai, về quản trị công ty, phải tập trung tháo bỏ ràng buộc với DNNN để họ tự chủ kinh doanh, chủ doanh nghiệp sẽ xác định ngành nghề kinh doanh, còn kinh doanh như nào để hội đồng thành viên quyết định.
"Thời gian qua chúng ta hành chính hóa nhiều các quyết định đầu tư, kinh doanh, hành chính hóa động lực của DNNN, điều này nên thay đổi", Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Thứ ba, tập trung vào chất lượng hơn số lượng cổ phần hóa, tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện nay chưa thực sự tạo thuận lợi cho kinh doanh. Sắp tới, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên xem xét để tạo điều kiện thuận lợi cho DNNN, để DN có quyền chủ động hơn, kinh doanh hiệu quả hơn.
"Nếu theo tiêu chuẩn của OECD thì hoạt động của DNNN còn có khoảng cách rất xa. DNNN cần công khai minh bạch thông tin, đây là nguyên tắc dễ làm và làm không mất tiền, cùng với đó là nâng cao được quản trị thông tin", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh,
Bên cạnh đó, DN không có áp lực buộc phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường nên có DN không làm hoặc làm rất chậm dẫn đến hiệu quả không tốt.
Để DNNN hoạt động hiệu quả, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đề xuất cần tiếp cận vấn đề hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của nhà nước theo mục tiêu cuối cùng là hiệu quả chung sau một thời gian/kỳ tài chính nhất định, thông lệ là 1 năm.
"Các doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường, chấp nhận sự biến động thị trường. Doanh nghiệp không thích ứng được với thị trường thì thay lãnh đạo", ông Hoàng Anh nói.