Cổ phiếu thủy sản là một trong số ít ngành đi ngược thị trường chung khi ghi nhận mức tăng giá hơn 60% kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Cổ phiếu thủy sản là một trong số ít ngành đi ngược thị trường chung khi ghi nhận mức tăng giá hơn 60% kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Lợi nhuận quý II: Phân hoá trong cùng ngành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quý II năm nay, có những ngành khởi sắc, nhưng bên cạnh doanh nghiệp lãi cao lại có doanh nghiệp thua lỗ.

Yếu tố phân hóa trong các ngành

Doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu được dự báo đạt kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2022, nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào “gắn mác” xuất khẩu cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt.

Trong nhóm thủy sản, kết quả hoạt động phụ thuộc không nhỏ vào sản phẩm xuất khẩu và thị trường xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp xuất sang EU, Mỹ được lợi hơn so với doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường khác như Trung Quốc, bởi giá USD tăng cao.

Trong quý II/2022, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) ước đạt 520 tỷ đồng lợi nhuận, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái; Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) ước đạt hơn 115 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 41% so với cùng kỳ. Vậy nhưng, với Công ty cổ phần Thủy sản An Giang (AGF), sau khi báo lỗ 15,7 tỷ đồng trong quý I/2022, đại diện Công ty cho biết, lợi nhuận quý II tiếp tục là con số âm, quý thua lỗ thứ bảy liên tiếp.

Cuối quý I/2022, AGF ghi nhận mức lỗ lũy kế 863 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu chính của AGF là Trung Quốc, nước này thực hiện chính sách Zero Covid, hạn chế nhập khẩu nên các đơn vị đang thuê gia công gặp khó khăn trong tiêu thụ và không thể duy trì sản lượng sản xuất như dự kiến, khiến doanh thu của Công ty giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu tăng, chi phí cước tàu tăng vọt, việc đặt container xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Số liệu và phân tích của Fiinpro cho thấy, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của nhóm doanh nghiệp thủy sản có khả năng tăng 123% so với năm 2021. Kết quả quý I/2022 thể hiện kỳ vọng này khi lợi nhuận tăng 264% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu tăng trưởng và biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) được cải thiện.

Bởi lẽ, giá xuất khẩu tăng tốt, nhu cầu tiêu thụ (đặc biệt là cá tra) tại nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU hồi phục mạnh sau dịch Covid-19 nhưng nguồn cung thiếu hụt do tình trạng tắc nghẽn vận tải đường biển và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra.

Ở nhóm doanh nghiệp cao su, lợi nhuận có sự phân hóa chủ yếu do ảnh hưởng bởi các khoản thu tài chính từ công ty con, hay doanh thu hoạt động khác như thanh lý cây cao su.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su sẽ giúp giá mủ tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi kép về sản lượng xuất đi và giá trị thu về.

Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) kỳ vọng, kết quả kinh doanh quý II năm nay sẽ đạt kế hoạch đề ra, với tổng doanh thu 486 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng.

Thứ nhất, giá cao su duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu cao su trên thế giới tăng mạnh từ sự phục hồi và mở cửa trở lại của các nền kinh tế, đặc biệt là Trung Quốc do nước này chiếm hơn 40% nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới.

Hai là, tiền đền bù chuyển nhượng đất Khu công nghiệp VSIP 3 còn lại khoảng 609 tỷ đồng sẽ được ghi nhận trong năm 2022 và năm 2023, giúp lợi nhuận của PHR có thể tăng hơn 100% so với cùng kỳ.

Đối với ngành ngân hàng, lợi thế thuộc về một số nhà băng lớn, có chất lượng tài sản tốt. Lợi nhuận toàn ngành năm 2022 được dự báo tăng trưởng 20 - 25%, nhưng kết thúc tháng 6, có ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần. Đơn cử, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tại nhóm dầu khí, hiệu quả kinh doanh tuỳ thuộc vào doanh nghiệp nằm ở đâu trong chuỗi giá trị ngành. Tương tự, nhóm chứng khoán tuỳ thuộc vào tỷ trọng tự doanh và chiến lược tự doanh, cơ cấu các nguồn doanh thu. Nhóm bất động sản phụ thuộc vào “điểm rơi” lợi nhuận từ các dự án và quý II thường không phải là quý cao điểm.

Giá cổ phiếu phản ứng trước

Về kết quả kinh doanh quý II/2022, nhóm doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu như thủy sản, hóa chất, hay nhóm đang hồi phục sau dịch Covid-19 như điện, nước, dược phẩm, du lịch được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận khả quan. Ngược lại, nhóm bất động sản, thép, logistics nhiều khả năng có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của những doanh nghiệp được kỳ vọng đạt lợi nhuận cao có diễn biến tăng giá khá mạnh trong thời gian qua. Dòng tiền thường có sự dịch chuyển như vậy để đón đầu cơ hội trong mỗi kỳ công bố kết quả kinh doanh quý.

Vì thế, nhà đầu tư mua sau nhiều khả năng rơi vào tình trạng “trâu chậm uống nước đục”. Thậm chí, trong giai đoạn thị trường không thuận lợi như hiện tại, khi doanh nghiệp chính thức công bố tin tốt thì giá cổ phiếu quay đầu giảm, hiện tượng được cảnh báo “tin tốt ra là bán”.

Theo thống kê từ Fiinpro, cổ phiếu thủy sản là một trong số ít ngành đi ngược thị trường chung khi ghi nhận mức tăng giá hơn 60% kể từ đầu năm 2022 đến nay. Trong thời gian tới, nhà đầu tư nắm giữ nhóm cổ phiếu này nên lưu ý đến một số yếu tố bất lợi. Một là, xuất khẩu tôm/cá thịt trắng vào Mỹ có thể chững lại do nhu cầu hạ nhiệt và tồn kho tăng.

Hai là, giá xuất khẩu dự kiến giảm do nguồn cung từ các nước khác như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador tăng lên (đối với tôm) và khả năng dư thừa nguồn cung nguyên liệu trong nước trong 3 - 4 tháng tới (đối với cá tra). Riêng Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), lợi nhuận có yếu tố hỗ trợ tích cực là Trung Quốc - một trong 3 thị trường xuất khẩu chính nới lỏng biện pháp phong tỏa nhằm phòng chống dịch, nhu cầu nhập khẩu sẽ gia tăng.

Lợi nhuận doanh nghiệp là yếu tố chính tác động đến giá cổ phiếu, nhưng đôi khi giá cổ phiếu lại có diễn biến ngược chiều.

Thực tế, lợi nhuận doanh nghiệp là yếu tố chính tác động đến giá cổ phiếu, nhưng đôi khi giá cổ phiếu lại có diễn biến ngược chiều.

Chẳng hạn, cổ phiếu DBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam gần đây có một số phiên tăng trần, bất chấp doanh nghiệp dự báo lợi nhuận quý II/2022 sụt giảm so với cùng kỳ.

Trước tình trạng doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu tăng cao, hoặc lợi nhuận tăng trưởng mạnh thì cổ phiếu lại “cắm đầu” đi xuống, nhà đầu tư cần đánh giá cụ thể kết quả hoạt động, triển vọng kinh doanh của từng ngành, từng doanh nghiệp, cũng như kỳ vọng của thị trường. Ví dụ, cổ phiếu DBC tăng giá nhiều khả năng là do kỳ vọng của bên mua vào giá thịt lợn đang tăng cao sẽ mang lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp chăn nuôi lợn này trong quý III.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán thường phản ánh trước các kỳ vọng của nhà đầu tư. Các yếu tố như xung đột Nga - Ukraine, Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh... được nhìn nhận đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu từ trước.

Trong biến động tăng giá nguyên vật liệu thời gian qua, một số ngành được hưởng lợi là dầu khí, hóa chất, phân bón..., nhưng nguy cơ suy giảm lợi nhuận có thể diễn ra trong các quý tiếp theo.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Đầu tư Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, đà tăng giá của cổ phiếu có tiếp diễn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỳ vọng tăng trưởng trong các quý tiếp theo, hay chênh lệch cung - cầu về cổ phiếu.

“Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đã có mức tăng khá mạnh. Do đó, các nhịp cân bằng trong giai đoạn tới là cần thiết để giá phản ánh đúng giá trị của cổ phiếu”, ông Bình nêu quan điểm.

Ở chiều ngược lại, sau đợt giảm sâu, giá cổ phiếu thường phục hồi trong ngắn hạn.

Thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm được một số chuyên gia nhận định sẽ có diễn biến khả quan. Tuy nhiên, các nhịp tăng sẽ có độ dốc lên thấp và thiếu bền vững trong bối cảnh yếu tố tâm lý nhà đầu tư bị đè nén bởi các rủi ro thường trực ở cả trong nước và ngoài nước liên quan đến lạm phát, lãi suất, tỷ giá, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng, suy thoái kinh tế...

Tin bài liên quan