Tăng trưởng không cao
Thực phẩm là một trong ít ngành đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023. Chẳng hạn, tại Bibica (mã chứng khoán BBC), ông Nguyễn Quang Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cho biết, Hội đồng quản trị đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, với mục tiêu đạt doanh thu 1.850 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 96 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 31% so với thực hiện năm 2022. Trong quý đầu năm nay, Bibica ước đạt lợi nhuận cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (mã chứng khoán HHC) cho hay, năm 2023, Công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, đều tăng trưởng ở mức 2 con số so với năm 2022.
Về kết quả kinh doanh quý I/2023, do chuyển đổi mô hình phần mềm kế toán nên Công ty chưa có số liệu chính thức, nhưng nếu so sánh với khoản lỗ 8,7 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh của quý I/2022, thì lợi nhuận quý I năm nay khả quan hơn. Mặc dù vậy, so sánh lợi nhuận 2 quý này không chính xác, vì quý I năm ngoái, doanh nghiệp thoát lỗ nhờ bán dự án 25 - 27 Trương Định, giúp lợi nhuận sau thuế ghi nhận 15,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Huy Loãn, Giám đốc Công ty cổ phần Bia Hải Dương (mã chứng khoán HAD) chia sẻ, lợi nhuận quý I/2023 vẫn là con số khiêm tốn, nhưng ước tính tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Việc ngành công an đẩy mạnh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng về mặt tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, trong bối cảnh khó khăn chung, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Với Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB), kế hoạch kinh doanh năm 2023 là đạt doanh thu 40.272 tỷ đồng, tăng 15,1%; lợi nhuận sau thuế 5.775 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2022.
Sabeco nhận định, xu hướng tiêu thụ các dòng bia cận cao cấp sẽ tiếp tục tăng, nhưng sự dịch chuyển sang các phân khúc thấp hơn của người tiêu dùng do thu nhập giảm có thể ảnh hưởng đến doanh thu. Năm nay, doanh nghiệp chủ yếu đặt kỳ vọng vào phân khúc bia không cồn và hoạt động xuất khẩu.
Tại Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG), doanh thu quý I/2023 đạt 1.826 tỷ đồng, gấp đôi quý I/2022, còn lợi nhuận sau thuế đạt 307,7 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Năm 2023, Công ty lên kế hoạch đạt 5.120 tỷ đồng doanh thu và 1.130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 0,1% và 0,4% so với kết quả kỷ lục của năm 2022.
Theo Hoàng Anh Gia Lai, ngành chăn nuôi lợn không còn thuận lợi như năm ngoái, giá thịt lợn đang ở mức thấp, nhưng lĩnh vực cây ăn trái tiếp tục khả quan, giá chuối duy trì mức cao. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục tập trung vào hai lĩnh vực kinh doanh chính này.
Số doanh nghiệp thua lỗ hoặc ước tính lợi nhuận quý I/2023 sụt giảm so với cùng kỳ chủ yếu thuộc nhóm ngành nhiệt điện, phân bón, hóa chất, bán lẻ.
Dữ liệu từ Fiintrade cho biết, tính đến ngày 18/4/2023, có 92 trong 1.648 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết/đăng ký giao dịch, đại diện gần 23,6% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đã công bố con số chính thức cũng như ước tính về lợi nhuận quý I/2023.
Trong đó, lợi nhuận của 10 ngân hàng trong tổng số 27 ngân hàng ước tính tăng 13,9% so với cùng kỳ. Các nhà băng có vốn nhà nước chi phối như Vietcombank (VCB), BIDV (BID), VietinBank (CTG) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, bởi tín dụng tăng và biên lãi ròng (NIM) ổn định; riêng BIDV, áp lực trích lập dự phòng giảm góp phần giúp lợi nhuận được cải thiện.
Còn nhóm ngân hàng cổ phần, không tính các ngân hàng có tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản ở mức cao ghi nhận lợi nhuận quý I/2023 giảm do tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, thì hầu hết đều có lợi nhuận tăng trưởng, dẫn đầu là Sacombank (STB) với mức tăng 57%, tiếp theo là ACB với mức tăng 24,6% so với cùng kỳ.
Ngoại trừ nhóm ngân hàng, trong các doanh nghiệp đã có thông tin về lợi nhuận quý I/2023, 25 doanh nghiệp ước tính lợi nhuận tăng so với cùng kỳ, đáng chú ý là FPT, Vincom Retail (VRE), Đường Quảng Ngãi (QNS), PV Drilling (PVD) và PVTrans (PVT), mức tăng đạt 2 con số.
Ở nhóm công ty chứng khoán, hiện mới chỉ có Công ty Chứng khoán BIDV (BSC, mã chứng khoán BSI) ghi nhận lợi nhuận quý I/2023 tăng trưởng; lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 121 tỷ đồng và 98 tỷ đồng, tăng 27% và 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh và một phần từ hoạt động cho vay.
Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm
Phần lớn các báo cáo phân tích đều cho rằng, nhóm ngành điện, đặc biệt là nhiệt điện có nhiều lợi thế trong năm 2023, khi giá bán điện trên thị trường phát điện cạnh tranh tiếp tục tăng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý I/2023 của một số doanh nghiệp trong ngành đang cho thấy lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu vẫn ghi nhận tăng trưởng.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán PPC) đạt doanh thu 1.310 tỷ đồng trong quý I năm nay, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 39,8 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 80 tỷ đồng của cùng kỳ.
Tương tự, Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã chứng khoán POW) và Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán HND) ước tính lợi nhuận sau thuế quý I/2023 giảm sâu so với quý I/2022.
Quý I/2023, PV Power ước đạt doanh thu hơn 7.900 tỷ đồng, tăng 12%, nhưng lợi nhuận chỉ gần 579 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ; Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận doanh thu 2.571 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm từ gần 280 tỷ đồng xuống 10,1 tỷ đồng.
Ở nhóm thủy điện, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã chứng khoán VSH) đặt mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu 2.457,4 tỷ đồng, giảm 20,3%; lợi nhuận sau thuế 856 tỷ đồng, giảm 32,3% so với mức thực hiện năm 2022.
Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị VSH cho hay, năm 2023, tình hình thủy văn dự báo không thuận lợi, khả năng cao sẽ xuất hiện hiện tượng El Nino, nên Công ty thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh.
Theo thống kê của Fiintrade, 79 doanh nghiệp phi tài chính đã công bố lợi nhuận quý I/2023, chiếm 22% vốn hóa của nhóm, có tổng lợi nhuận giảm 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 54 doanh nghiệp báo lỗ hoặc ước tính lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, chủ yếu thuộc những ngành có mức nền tăng trưởng cao trong quý I/2022 như phân bón (DPM, DCM), hóa chất (DGC), bán lẻ (DGW, FRT).