Lợi nhuận nhiều nhà băng giảm trong quý II/2023, dự báo không lạc quan năm nay

Lợi nhuận nhiều nhà băng giảm trong quý II/2023, dự báo không lạc quan năm nay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lợi nhuận ngân hàng quý II/2023 vừa được nhiều nhà băng công bố cho thấy, có sự phân hóa rõ rệt khi áp lực NIM (biên lãi ròng) thu hẹp và dự báo lợi nhuận cả năm giảm tốc. 

Lợi nhuận nhiều nhà băng giảm trong quý II/2023

Theo báo cáo tài chính trong quý II/2023, lợi nhuận trước thuế của BacABank đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ quý I/2023 nhà băng có kết quả tích cực nên lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BacA Bank đạt 474 tỷ đồng, tăng 10%.

Hầu hết các mảng kinh doanh của BacABank đều có kết quả khả quan trong nửa đầu năm. Trong đó, nguồn thu cốt lõi là thu nhập lãi thuần tăng 18%, đạt 1.219 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng tới 47,5%, đạt 53 tỷ đồng.

Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp 4,6 lần lên gần 52 tỷ đồng. Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 57 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm 2022 lỗ 6 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm nay của BacABank ở mức 24 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ. Nguyên nhân, do nợ xấu của ngân hàng tăng 32% lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 316% lên 175 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của BacABank chỉ tăng từ 0,55% lên 0,7%, vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của BacABank cũng thuộc nhóm dẫn đầu, đạt 158% tại ngày 30/6/2023. Trước đó, tỷ lệ này đạt tới 204% vào cuối năm 2023.

Đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của BacABank đạt 135.266 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,6% lên 96.595 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 8,7% lên 105.366 tỷ đồng.

PG Bank báo lãi trước thuế quý II/2023 hơn 150 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng thu nhập lãi thuần và giảm chi phí dự phòng rủi ro; thu nhập lãi thuần đạt hơn 341 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, nguồn thu chính tăng 25% so với cùng kỳ, đạt gần 681 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, trong khi các nguồn thu ngoài lãi tăng nhẹ hoặc giảm.

PG Bank trích gần 87 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm, giảm 39%, do đó lợi nhuận trước thuế tăng 24% lên mức 303 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế 530 tỷ đồng đặt ra cho cả năm 2023, 6 tháng, PG Bank đã thực hiện được 57% mục tiêu.

Đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản PG Bank thu hẹp 4% so với đầu năm, chỉ còn gần 46.987 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 4%. Tổng nợ xấu tại thời điểm này tăng 13% so với đầu năm, ghi nhận hơn 839 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 66%, dù có giảm, nợ dưới tiêu chuẩn là nhóm tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,56% đầu năm lên 2,77%.

Còn theo TPBank, 2023 được đánh giá là một năm khó khăn nên ngân hàng đã đưa ra những kế hoạch phát triển thận trọng ngay từ sớm. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, con số này cũng chưa đạt 50% kế hoạch so với mức lợi nhuận cả năm dự kiến của TPBank trong năm 2023 là 8.700 tỷ đồng.

Điểm tích cực trong bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm của TPBank là tỷ trọng thu nhập ngoài lãi có sự cải thiện tích cực khi tăng lên mức 28% trên tổng thu nhập. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 1.500 tỷ đồng tính đến ngày 30/6, tương đương tăng 26% so với cùng kỳ...

LPBank cũng công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 880 tỷ đồng và lũy kế nửa đầu năm lợi nhuận trước thuế ở mức 2.446 tỷ đồng, giảm tới 31,8% so với cùng kỳ năm 2022. LPBank cho biết, đã hoàn thành 41% kế hoạch năm trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường.

Tại ACB, theo ước tính của SSI, lợi nhuận trước thuế trong quý II/2023 của Ngân hàng chỉ khoảng 4.400 - 4.700 tỷ đồng, giảm 4-10% so với cùng kỳ nhưng vẫn hoàn thành 48-50% kế hoạch của đại hội cổ đông đặt ra. ACB là ngân hàng có quan điểm thận trọng trong việc giải ngân mới nên chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm.

Hy sinh lợi nhuận giảm lãi vay

Tại hội nghị Hội nghị Sơ kết hoạt động Ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 15/7 vừa qua, một số ngân hàng đã có báo cáo về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, định hướng phát triển thời gian tới.

Ông Phạm Đức Ấn- Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết, đến 30/6/2023, Agribank cơ bản đạt và vượt tiến độ mục tiêu đã đề ra. Ngoài ra, ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.

“Đến 30/6/2023, tổng tài sản Agribank đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng; Nguồn vốn huy động đạt 1,75 triệu tỷ đồng; Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,45 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận tiếp tục đạt theo kế hoạch đề ra”, ông Ấn chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank nói thêm, mặc dù đã có những kết quả khả quan, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Agribank có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều ngân hàng hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay

Nhiều ngân hàng hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, Ngân hàng tiếp tục giữ vững được chất lượng và hiệu quả hoạt động; tiếp tục phối hợp triển khai các định hướng, chính sách của Chính phủ và NHNN.

Tính đến hết tháng 6/2023, huy động vốn, tín dụng của Vietcombank tăng trưởng lần lượt 6,6% và 2,6%; quy mô tương ứng 1,3 và 1,2 triệu tỷ đồng. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 350%.

Theo ông Tùng, 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã tiên phong thực hiện 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Lũy kế đến hết 30/06/2023, Vietcombank đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ của VCB.

Mặc dù chưa công bố chính thức về con số lợi nhuận đạt được, song thông tin chia sẻ BIDV cũng đã hy sinh hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi vay cho khách hàng trong nửa đầu năm nay.

Tổng giám đốc VPBank ông Nguyễn Đức Vinh cũng cho hay, VPBank đã hưởng ứng các chỉ đạo của NHNN, giảm lãi suất huy động, đồng thời giảm lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, VPBank đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng, mức giảm lãi suất từ 2-3%.

Còn theo ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB, trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng tiết giảm được hơn 500 tỷ chi phí hoạt động. Chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống 30%.

Lãnh đạo các nhà băng đánh giá, tình hình 6 tháng đầu năm có khá nhiều thách thức. Tuy nhiên, dưới sự sự hỗ trợ của cơ quan điều hành, tình hình kinh doanh của các nhà băng vẫn ổn định, nhưng sẽ có sự phân hóa mạnh.

LPBank cho hay, hoạt động kinh doanh của ngân hàng nửa đầu năm đặt trong bối cảnh khó khăn chung của ngành cũng như nền kinh tế. Với việc các ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 2022, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, kèm với đó là tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản đã tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng trong nước.

Sẽ giảm tốc trong 2023?

SSI cũng ước tính kết quả kinh doanh của 32 doanh nghiệp, ngân hàng niêm yết trong phạm vi nghiên cứu và trong những đơn vị ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm có khá nhiều ngân hàng.

Trước đó, SSI ước tính có 4/11 ngân hàng niêm yết được công ty này nghiên cứu sẽ sụt giảm lợi nhuận trong quý II/2023 so với cùng kỳ, bao gồm: ACB, Techcombank, TPBank, VPBank. Trong số này, TPBank có mức sụt giảm lợi nhuận dự báo mạnh nhất từ 21 - 25% so với cùng kỳ năm 2022.

Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng ước tính lợi nhuận trung bình của nhóm ngân hàng nghiên cứu chỉ tăng khoảng 12 - 15% trong năm 2023. Riêng 6 tháng cuối năm, HSC ước tính lợi nhuận sẽ tăng trên 20% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2022, VCBS dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023. Tốc độ tăng dự kiến chỉ đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng giữa các nhóm ngân hàng.

Lợi nhuận giảm tốc của ngành ngân hàng, theo nhóm phân tích VCBS, do tăng trưởng tín dụng thấp, biên lãi thuần (NIM) thu hẹp và nợ xấu tăng lên. Trong đó, với một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục.

Trước đó, trong quý I/2023, NIM toàn ngành cũng thu hẹp, giảm xuống 3,68% từ mức 3,81% cuối năm 2022. Thêm vào đó, với việc nguồn vốn giả rẻ CASA (tiền gửi thanh toán) giảm mạnh, chỉ tiêu này dự kiến tiếp tục thu hẹp trong quý II/2023 khi nguồn vốn huy động giá cao vẫn chưa được hấp thụ hết. Trong nửa cuối năm nay, áp lực thu hẹp NIM sẽ hạ thấp, tuy nhiên mức độ cải thiện phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có NIM duy trì mức thấp do áp lực giảm lãi suất hỗ trợ với các gói vay ưu đãi quy mô lớn từ đầu 2023. Nhóm ngân hàng tư nhân có tệp khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào có NIM tăng nhanh nhờ tỷ lệ CASA và tín dụng bán lẻ hồi phục khi mặt bằng lãi suất giảm dần. Với nhóm ngân hàng nhỏ, NIM sẽ cải thiện rõ rệt khi các khoản tiền gửi lãi suất cao dần đáo hạn.

Đồng thời, VCBS hạ dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống khoảng 12% trong năm 2023 do lãi suất cho vay ở mức cao và sức khỏe tài chính của khách hàng suy giảm. Theo VCBS, việc tăng lãi suất huy động đã bắt đầu được phản ánh vào NIM, trong khi tín dụng tăng chậm lại, các khoản nợ chậm trả có xu hướng gia tăng.

Ở khía cạnh quản trị rủi ro, nợ xấu và nợ tiềm ẩn tiếp tục tăng. Cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,9% từ mức 1,6% cuối 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,1%. Chi phí tín dụng tăng chậm lại khi các ngân hàng tích cực trích lập trước thời hạn cho các khoản nợ xấu tiềm tàng trong các quý trước. Hoạt động xử lý nợ xấu gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng.

Tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 6 chỉ tăng 4,7%, thấp hơn đáng kể mức tăng 9,35% cùng kỳ năm 2022, do nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp và cá nhân yếu đi trong bối cảnh lãi suất cao, đơn hàng suy giảm, các thị trường đầu tư tài sản không thuận lợi.

Tin bài liên quan