Hai yếu tố cốt lõi của Nam A Bank là công nghệ và con người

Hai yếu tố cốt lõi của Nam A Bank là công nghệ và con người

Lợi nhuận nhà băng nhỏ phân hóa rõ nét

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ cũng đạt kết quả kinh doanh tích cực trong quý đầu năm nay, song có sự phân hóa mạnh về lợi nhuận khi một số nhà băng đạt mức tăng trưởng rất cao.

Lợi nhuận quý I/2021 gấp 3 lần cùng kỳ

Trong quý I/2021, Ngân hàng Bản Việt đạt 152 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp ba lần cùng kỳ năm 2020. Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Ngân hàng đạt gần 62.000 tỷ đồng, tăng 16%; tổng huy động vốn đạt hơn 55.000 tỷ đồng, tăng 15%; dư nợ cho vay đạt gần 42.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và tăng 5% so với đầu năm.

Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Bản Việt cho biết, lợi nhuận tăng cao trong quý đầu năm nay là nhờ hoạt động bán lẻ tăng trưởng tích cực, đóng góp gần 50% tổng thu nhập. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của phân khúc khách hàng cá nhân tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, thu nhập lãi từ kênh bacassurance (phân phối bảo hiểm) và thẻ lần lượt gấp 2 lần và 2,5 lần cùng kỳ, thể hiện sự chuyển biến linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động bán lẻ. Ngân hàng đặt mục tiêu cả năm 2021 đạt 290 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 44% so năm 2020.

Tại Ngân hàng Bản Việt, lợi nhuận tăng cao trong quý đầu năm nay là nhờ hoạt động bán lẻ tăng trưởng tích cực, đóng góp gần 50% tổng thu nhập.

Với Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), kết thúc quý I/2021, Ngân hàng đạt tổng tài sản hơn 137.000 tỷ đồng, tăng 2,41%; huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 111.000 tỷ đồng, tăng 5,53%; cho vay khách hàng đạt hơn 93.000 tỷ đồng, tăng trên 5%. Các chỉ tiêu khác cũng ghi nhận kết quả tích cực như thu nhập lãi thuần gần 902 tỷ đồng, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư hơn 101 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 460 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Theo lãnh đạo Nam A Bank, chính việc đầu tư vào công nghệ giúp Ngân hàng tiết giảm chi phí vận hành, cải thiện năng suất, góp phần quan trọng trong việc vượt qua những khó khăn chung do tình hình dịch Covid-19 kéo dài.

Trong khi đó, đóng góp vào mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến của Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) trong quý đầu năm 2021 là do Ngân hàng tất toán xong khoản nợ xấu được thế chấp bởi 176 triệu cổ phiếu Sacombank (STB).

Cụ thể, kết thúc quý I/2021, Kienglongbank đạt tổng tài sản hợp nhất 61.942 tỷ đồng, tăng 8,14%; tổng nguồn vốn huy động đạt 55.933 tỷ đồng, tăng 7,42%; dư nợ cấp tín dụng đạt 35.747 tỷ đồng, tăng 2,97%; tỷ lệ nợ xấu là 1,19%, giảm 3,22% so với cuối năm 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 702,6 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần cùng kỳ năm 2020 (57,1 tỷ đồng).

Bà Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Kienlongbank cho hay, nguyên nhân chủ yếu giúp lợi nhuận tăng trưởng cao là do Ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB theo phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tính đến ngày 31/3/2021, tỷ lệ nợ xấu tại Kienlongbank là 1,19%, giảm 3,22% so với tỷ lệ nợ xấu ngày 31/12/2020; lãi phải thu là 509 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lãi phải thu/tổng tài sản là 0,82% và tỷ lệ lãi phải thu/tổng dư nợ là 1,42%.

Mục tiêu cả năm 2021

Với kết quả đạt được khả quan ngay từ những tháng đầu năm, Kienlongbank đặt ra các mục tiêu trong năm 2021 gồm: tổng tài sản hợp nhất 66.800 tỷ đồng, tăng 16,62%; tổng nguồn vốn huy động 59.400 tỷ đồng, tăng 14,08%; tổng dư nợ cấp tín dụng 44.600 tỷ đồng, tăng 28,47%; lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần năm 2020; mạng lưới chi nhánh, phòng dịch trên cả nước là 152 điểm, tăng 18 đơn vị.

Ngân hàng Bản Việt, Nam Á, Kiên Long có lợi nhuận quý I/2021 tăng trưởng đột biến, lần lượt gấp 3 lần, hơn 3 lần và hơn 12 lần so với quý I/2020.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Nam A Bank đã đồng thuận thông qua các kế hoạch kinh doanh quan trọng trong năm nay như tổng tài sản 148.000 tỷ đồng, tăng 10,2%; huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá 122.000 tỷ đồng, tăng 16%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.400 tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm 2020.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank chia sẻ, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nói chung và ngành tài chính - ngân hàng nói riêng, các chỉ tiêu trên gặp nhiều thách thức, nhưng với nền tảng vững chắc, Ngân hàng kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành. Hội đồng quản trị và Ban điều hành Nam A Bank sẽ tiếp tục triển khai và hoàn chỉnh mô hình tài chính toàn diện, gia tăng tiện ích và trải nghiệm khách hàng trên cơ sở 2 yếu tố cốt lõi là công nghệ và con người. Số hóa vẫn là chiến lược mũi nhọn trong mọi hoạt động của Ngân hàng.

Tại Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), cả tín dụng và huy động vốn tăng trưởng âm trong quý đầu năm 2021, song ngân hàng này vẫn đạt gần 59 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gần 54 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 21% và 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Lý giải về việc tín dụng và huy động tăng trưởng âm quý đầu năm nay, ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank cho biết, tín dụng giảm do Ngân hàng kigểm soát chặt chất lượng khoản vay để tránh rủi ro nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh chưa hết. Nhưng bắt đầu từ tháng 4/2021, Saigonbank khởi động lại việc cho vay đối với bà con nghèo để phát triển sản xuất.

Mục tiêu 135 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà Saigonbank đề ra cho năm nay là lợi nhuận trước trích dự phòng rủi ro tín dụng 227 tỷ đồng, song theo ông Lãm, Ngân hàng quyết tâm đạt khoảng 362 tỷ đồng (năm ngoái đạt hơn 121 tỷ đồng).

“Hội đồng quản trị và Ban điều hành đặt quyết tâm, nếu đại dịch Covid không bùng phát và tình hình kinh tế ổn định, Ngân hàng phấn đấu đạt mức lợi nhuận cao hơn”, ông Lãm nói.

Tin bài liên quan