Giá thép tại Việt Nam hiện ở mức thấp trong 3 năm gần đây

Giá thép tại Việt Nam hiện ở mức thấp trong 3 năm gần đây

Lợi nhuận ngành thép: “Bên lở, bên bồi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp sản xuất thép lãi lớn trở lại, trong khi doanh nghiệp thương mại thép ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ.

Doanh nghiệp sản xuất phục hồi mạnh

Năm 2023 là năm kinh doanh có mức lợi nhuận thấp của hầu hết lĩnh vực như xuất khẩu, bán lẻ, vận tải, bất động sản… Vì vậy, từ đầu năm 2024, giới đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi từ nền thấp của nhiều nhóm ngành.

Đối với nhóm ngành thép, sự phục hồi cũng xuất hiện, nhưng có phân hoá rõ nét. Trong khi doanh nghiệp thương mại thua lỗ thì doanh nghiệp sản xuất lãi lớn trở lại.

Sáu tháng đầu năm 2024, nhóm doanh nghiệp sản xuất đã tận dụng tốt việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ và xu hướng đón đầu sự hồi phục của thị trường bất động sản từ các doanh nghiệp thép thương mại để cải thiện doanh số bán hàng. Bên cạnh đó, nhờ tự chủ được quá trình sản xuất, các doanh nghiệp như Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), Hoa Sen (mã chứng khoán HSG), Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) đã tận dụng được xu hướng hạ nhiệt của các nguyên vật liệu sản xuất thép, nhất là quặng 62% Fe, để cải thiện biên lợi nhuận gộp, lần lượt đạt 13,24%, 12,03% và 9,81%.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu tăng trưởng 10,9%, đạt 10.951,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 385,7%, đạt 369,7 tỷ đồng.

Với Hoa Sen, trong 9 tháng đầu niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ 1/10/2023 - 30/6/2024), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 29.163,2 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ niên độ trước; lợi nhuận sau thuế 696 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ niên độ trước lỗ 410 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thương mại thua lỗ

Dự báo, giai đoạn 2025 - 2026, thị trường bất động sản mới thực sự phục hồi, thúc đẩy ngành thép tăng trưởng, nhưng cơ hội với cổ phiếu thép có thể sớm xuất hiện.

Thép Tiến Lên (mã chứng khoán TLH) đạt 2.895,1 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng lợi nhuận sau thuế âm 152,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 11,32 tỷ đồng.

Với Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC), doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ từ các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản như Novaland, Hòa Bình…, khiến doanh thu bán hàng trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2023, về mức 4.470 tỷ đồng. Đáng lưu ý, lợi nhuận cốt lõi (lợi nhuận gộp trừ chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) ghi nhận âm 340 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 455,4 tỷ đồng). Nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác đạt 429,1 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ, nên lợi nhuận sau thuế là con số dương (65 tỷ đồng).

Doanh thu tài chính và lợi nhuận khác của Đầu tư Thương mại SMC tăng đột biến là do doanh nghiệp thoái các khoản đầu tư vào cổ phiếu NKG, đồng thời bán tài sản để tái cơ cấu.

Xét theo quý, kể từ quý III/2022 đến nay, Đầu tư Thương mại SMC có 6/8 quý thua lỗ, trong đó có quý II/2024.

Ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB nhận xét: “Giá thép Việt Nam vẫn tiếp tục đà giảm từ đầu năm 2024 gây khó cho các doanh nghiệp thép trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp thương mại. Các doanh nghiệp thương mại có lãi trong quý I/2024 khi giá thép có diễn biến tích cực so với quý IV/2023. Tuy vậy, khi giá thép giảm trở lại trong quý II/2024 thì các doanh nghiệp thương mại bị ảnh hưởng, dẫn đến kết quả lỗ trong quý vừa qua”.

Hàng tồn kho gia tăng

Ngoại trừ 2 doanh nghiệp đang gặp khó khăn và phải tái cơ cấu là Đầu tư Thương mại SMC và Thép Pomina (mã chứng khoán POM), các doanh nghiệp thép niêm yết đều có xu hướng tăng tích trữ hàng tồn kho, nhằm đón đầu sự hồi phục của thị trường bất động sản trong nước.

Tuy nhiên, sau khi hồi phục nhẹ, giá thép thế giới kể từ tháng 5/2024 có diễn biến giảm, điều này dẫn tới kế hoạch kinh doanh, tích trữ tồn kho của các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức.

Tại Hoa Sen, tính đến cuối quý III niên độ tài chính 2023 - 2024 (cuối quý II/2024), giá trị hàng tồn kho tăng 33,2% so với đầu niên độ, lên 10.157,8 tỷ đồng, chiếm 51,5% tổng tài sản. Đối ứng với việc tăng tồn kho, Công ty tăng nợ vay 102,4%, lên 5.944,1 tỷ đồng, bằng 53,5% vốn chủ sở hữu (đầu niên độ, tổng nợ vay là 2.936,3 tỷ đồng, bằng 27,2% vốn chủ sở hữu).

Tương tự, tại Thép Việt Nam (mã chứng khoán TVN), giá trị hàng tồn kho cuối quý II/2024 tăng 23,4% so với đầu năm, lên 4.984,4 tỷ đồng, bằng 20,2% tổng tài sản. Đối ứng, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Thép Việt Nam tăng 12,9%, lên 8.780,8 tỷ đồng, bằng 94,8% vốn chủ sở hữu.

Với Thép Nam Kim và Thép Tiến Lên, giá trị hàng tồn kho trong nửa đầu năm 2024 tăng nhẹ. Giá thép giảm trong quý II nên hai đơn vị này đã thực hiện giảm hàng tồn kho, trong khi tồn kho trong quý I tăng không nhiều, nên tính đến cuối quý II/2024, giá trị hàng tồn kho biến động không đáng kể.

Về việc một số doanh nghiệp thép tăng tích trữ tồn kho trong nửa đầu năm 2024 cùng với dư nợ vay tăng cao, ông Trần Nhật Trung cho rằng, giá thép Việt Nam duy trì ở mức thấp trong 3 năm trở lại đây. Các vướng mắc của ngành bất động sản trong nước đang được tháo gỡ khi nhiều luật liên quan đến ngành có hiệu lực sớm hơn dự kiến. Triển vọng ngành bất động sản phục hồi cùng với giá thép ở mức thấp là động lực chính cho các doanh nghiệp thép tích lũy tồn kho.

“Tỷ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản của các doanh nghiệp ngành thép đang dần trở lại mức cao trong giai đoạn 2021 - 2022, khi giá thép cũng như giá cả hàng hóa tăng mạnh. Tuy vậy, các doanh nghiệp ngành thép trong 6 tháng cuối năm 2024 khó có thể đột phá. Chúng tôi cho rằng, sang năm 2025 - 2026, thị trường bất động sản mới thực sự phục hồi để thúc đẩy ngành thép tăng trưởng”, ông Trung nói.

Gần đây, giá thép có diễn biến giảm, khiến các doanh nghiệp thép có lượng hàng tồn kho cao đứng trước nguy cơ phải trích lập dự phòng giảm giá vào cuối quý III này, nếu giá thép không tăng trở lại.

Đồng quan điểm, ông Lâm Gia Khang, phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VietinBank đánh giá, việc các doanh nghiệp thép áp dụng chiến lược tăng tồn kho bằng vay nợ tài chính mang tính rủi ro khá cao trong giai đoạn hiện nay. Tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp phải đối diện với áp lực cạnh tranh lớn từ các đối thủ Trung Quốc khi trong 5 tháng đầu năm 2024, thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng mạnh nhất so với các nước trong khu vực và 10 nước nhập khẩu thép Trung Quốc hàng đầu, với giá bình quân giảm 15%. Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) vừa nhận được yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép, nhất là khi thị trường châu Âu chiếm khoảng 25% trong cơ cấu xuất khẩu thép 5 tháng đầu năm nay.

Định giá cổ phiếu thép hấp dẫn hơn

Trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu thép không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh chung của thị trường, nhất là khi ngành này đang chịu tác động từ giá thép giảm, thép cuộn cán nóng có khả năng bị EU điều tra chống bán phá giá, mức tiêu thụ còn thấp. Tuy vậy, nhìn xa hơn, yếu tố hỗ trợ ngành thép là nhu cầu tư đầu tư công, triển vọng hồi phục của thị trường bất động sản và lĩnh vực xây dựng dân dụng, sản phẩm thép Việt Nam ngày càng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho biết, sau giai đoạn điều chỉnh, nhiều cổ phiếu thép hiện có mức giảm trên 15%, mức định giá trở nên hấp dẫn hơn, trong khi tiềm năng tăng trưởng của ngành thép là tích cực. Kỳ vọng, giá cổ phiếu sẽ sớm hồi phục và phản ánh đúng yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nên tập trung vào cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất (HPG, HSG, NKG), bởi nhóm doanh nghiệp này có điều kiện để tận dụng diễn biến thuận lợi của giá nguyên vật liệu và có cơ hội đón đầu sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Tin bài liên quan