Trong quý II/2023, giá dầu thô giảm từ 85,5 USD/thùng xuống gần 75 USD/thùng, nhưng gần đây hồi phục nhanh

Trong quý II/2023, giá dầu thô giảm từ 85,5 USD/thùng xuống gần 75 USD/thùng, nhưng gần đây hồi phục nhanh

Lợi nhuận ngành dầu khí “bốc hơi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả kinh doanh của một loạt doanh nghiệp lớn ngành dầu khí sụt giảm trong bối cảnh giá dầu lao dốc, nhưng giá cổ phiếu ngành này vẫn có diễn biến khả quan nhờ triển vọng sáng trong dài hạn và giá dầu gần đây hồi phục nhanh.

Ảm đạm lợi nhuận quý II/2023

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) cho biết, năm 2022, giá dầu tăng từ 74,1 USD/thùng lên 118,8 USD/thùng trong quý I và tiếp tục có diễn biến khả quan trong quý II khi đạt 123,7 USD/thùng. Còn quý II/2023, giá dầu thô giảm từ 85,5 USD/thùng xuống gần 75 USD/thùng. Bên cạnh đó, khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô quý II/2022 tốt hơn nhiều so với quý II/2023, tức chênh lệch thành phẩm (Cracking Spread) trong quý II năm nay thu hẹp so với cùng kỳ.

Diễn biến giá dầu thô và giá sản phẩm như vậy khiến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh quý II/2023 của Lọc hóa dầu Bình Sơn giảm mạnh: doanh thu hợp nhất 33.700 tỷ đồng, giảm 35%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.326 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Công ty đạt gần 68.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 22%; lợi nhuận sau thuế hơn 2.900 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVChem, mã chứng khoán PVC), doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý II/2023 là 705 tỷ đồng và 5,8 tỷ đồng, cùng giảm 16% so với quý II/2022.

Với Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS, mã chứng khoán GAS), doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý II/2023 là 24.042 tỷ đồng và 3.196 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãnh đạo PVGAS cho hay, giá dầu quý II/2023 bình quân là 78,39 USD/thùng, giảm 31%; giá hợp đồng mua bán khí hóa lỏng (giá CP) bình quân là 516,67 USD/tấn, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVGAS là 45.257 tỷ đồng và 6.612 tỷ đồng, giảm lần lượt 16% và 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã chứng khoán OIL) cũng giảm theo giá dầu. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của PVOIL ghi nhận doanh thu 22.300 tỷ đồng, giảm 27%; lợi nhuận sau thuế 179 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãnh đạo PVOIL chia sẻ, sản lượng tiêu thụ dầu của doanh nghiệp trong quý II/2023 tăng, nhưng giá dầu Brent kỳ hạn ngắn trung bình 6 tháng đầu năm chỉ đạt 79,8 USD/thùng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến lợi nhuận đi xuống.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, PVOIL đạt gần 43.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 20% và lợi nhuận sau thuế 455 tỷ đồng, giảm 43% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp dầu khí khác có lợi nhuận tụt dốc mạnh hơn như Công ty cổ phần Vật tư xăng dầu (Comeco, mã chứng khoán COM), quý II/2023 chỉ lãi 611 triệu đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm 2022, dù doanh thu đạt cả ngàn tỷ đồng. Theo lãnh đạo Comeco, nguyên nhân là do lợi nhuận gộp giảm.

Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP (Petec, mã chứng khoán PEG) ghi nhận lợi nhuận quý II năm nay vỏn vẹn 50 triệu đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thậm chí, báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (Petro Miền Trung, mã chứng khoán PMG) cho thấy, trong quý II/2023, Công ty lỗ 26,5 tỷ đồng, dù doanh thu đạt 385 tỷ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái).

Petro Miền Trung cho biết, trong quý II/2023, tình hình kinh doanh thuận lợi, sản lượng hàng tiêu thụ tăng, nhưng giá CP của thế giới thấp hơn nhiều so với giá CP quý II/2022 nên doanh thu giảm. Kết quả kinh doanh quý II năm nay còn bị ảnh hưởng do một chuyến hàng khí hóa lỏng nhập khẩu có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam, buộc Công ty phải làm thủ tục tái xuất, dẫn tới thiệt hại về chi phí logistics và giảm giá hàng tái xuất. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Petro Miền Trung lỗ 25,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ 3 tỷ đồng.

Ngược lại, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất 849 tỷ đồng trong quý II/2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 140 tỷ đồng.

Petrolimex cho hay, hoạt động kinh doanh xăng dầu trong điều kiện bình thường nên lợi nhuận tốt hơn so với cùng kỳ bởi nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới không chịu tác động bất thường như khi xảy ra cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vào tháng 2/2022 ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty mẹ. Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá ổn định, các thương nhân mua xăng dầu theo đúng kế hoạch và đảm bảo hiệu quả.

Triển vọng sáng trong dài hạn

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo, tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023 từ mức trung bình 99,4 triệu thùng/ngày năm 2022, sau đó tăng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Phần lớn mức tăng này đến từ các quốc gia nằm ngoài nhóm OECD. Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, giá dầu Brent sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm 2023 do nhu cầu tăng và nguồn cung hạn chế, đạt mức trung bình 80 - 85 USD/thùng trong giai đoạn 2023 - 2024.

Đặc biệt, đại dự án Lô B - Ô Môn sẽ mở ra triển vọng tích cực cho ngành dầu khí. Đây là chuỗi dự án phát triển, khai thác và vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn tại Lô B&48/95 và Lô 52/97 đến các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn, tổng mức đầu tư 11 tỷ USD.

Đại dự án Lô B - Ô Môn sẽ mở ra triển vọng tích cực cho ngành dầu khí, trong đó có nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng, dự án sẽ nhận được quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong nửa cuối năm 2023, chậm nhất là vào đầu năm 2024. Theo đó, nhiều doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn như PVGAS, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS), Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVDrilling, mã chứng khoán PVD), Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVChem, mã chứng khoán PVC), Công ty cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS, mã chứng khoán PXS), Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVCoating, mã chứng khoán PVB)…

Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự phóng, lợi nhuận năm 2023 của PTSC có thể đạt 1.012 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022. Với PVDrilling, nếu dự án Lô B nhận được phê duyệt FID trong quý III/2023, Công ty có thể tham gia vào các chiến dịch khoan của dự án kể từ cuối năm 2025, mang lại khối lượng công việc lớn và trải dài trong nhiều năm (dự kiến, dự án có hơn 1.000 giếng khoan).

Còn PVCoating có thể giành được hợp đồng cung cấp dịch vụ bọc ống cho đường ống Lô B (hơn 400 km) với giá trị khoảng 100 triệu USD (dự án Lô B dự kiến đem lại doanh thu dồi dào trong giai đoạn 2024 - 2025, với biên lợi nhuận ròng ước đạt 20%).

Nhóm doanh nghiệp dầu khí còn được đánh giá có triển vọng sáng nhờ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước ổn định (dự báo tăng 4,3% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2030), việc điều chỉnh các khoản phụ phí kinh doanh xăng dầu kịp thời và đầy đủ của cơ quan quản lý giúp hạn chế phát sinh các chi phí kinh doanh xăng dầu đột biến như trong năm 2022.

Ngoài ra, theo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng các nhà máy điện khí trên tổng công suất trong nước dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, từ 13% năm 2020 lên 25% vào năm 2030, mang lại cơ hội cho một số doanh nghiệp ngành dầu khí như PVGAS.

Đối với các doanh nghiệp vận tải dầu khí, giá cước thuê tàu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới, mức độ hưởng lợi sẽ lớn hơn với các đơn vị tham gia sâu rộng vào thị trường quốc tế.

Tin bài liên quan