Tuy vẫn chịu áp lực cao, song với nỗ lực xử lý, thu hồi nợ, chi phí dự phòng tại một số ngân hàng có dấu hiệu giảm trong quý III/2016, góp phần tác động tích cực lên lợi nhuận đạt được trong 3 quý đầu năm nay và kỳ vọng tốt hơn trong cuối năm.
Nhờ chi phí hoạt động được tiết giảm và dự phòng rủi ro cũng thấp hơn trong quý III/2016, lợi nhuận trước và sau thuế của Techcombank đạt 1.276 tỷ đồng và 1.022 tỷ đồng, tăng tương ứng tới 145,8% và 252,9% so với cùng kỳ 2015. Lợi nhuận trước và sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 2.864 tỷ đồng và 2.290 tỷ đồng, tăng 84,6% và 89,5% cùng kỳ.
Cũng nhờ chi phí dự phòng giảm, nên tính riêng quý III/2016, ACB ghi nhận 415 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.244 tỷ đồng, tăng 14%. Sau khi trừ thuế, ACB còn 996 tỷ đồng lợi nhuận. Cho vay khách hàng đạt 159.000 tỷ đồng, tăng 17%. Tiền gửi của khách hàng đạt 201 tỷ đồng, tăng 15,5%. Trong kỳ, chi phí hoạt động giảm 5% xuống còn 1.243 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng cũng giảm mạnh về còn 192 tỷ đồng, từ đó làm giảm gánh nặng lên tổng lợi nhuận.
Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, sở dĩ dự phòng rủi ro giảm là do Ngân hàng đã nỗ lực xử lý, thu hồi được trên 2.000 tỷ đồng nợ xấu trong thời gian qua và đang nỗ lực trong quý cuối năm. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu sau 9 tháng đầu năm của ACB chỉ còn chiếm 1,13% tổng dư nợ cho vay, giảm so với mức 1,31% tại thời điểm đầu năm.
Còn tại Eximbank, trong quý III vừa qua, nhờ chi phí hoạt động giảm 6% xuống 500 tỷ đồng và chi phí dự phòng giảm 21% về 261 tỷ đồng, nên đã tác động tích cực đến lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016 mà Eximbank mới công bố, tính đến 30/9/2016, tổng tài sản đạt gần 124.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm, nhưng tiền gửi của khách hàng lại tăng 5%, đạt 103.000 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh có kết quả khởi sắc hơn, với lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 81 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối lãi gần 38 tỷ đồng, mua bán chứng khoán đầu tư lãi thuần 12 tỷ đồng… Kết thúc quý III, Eximbank đạt 123 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2015.
Mặc dù hoạt động kinh doanh đã có phần khởi sắc, song Eximbank vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, tỷ lệ nợ xấu sau 9 tháng đầu năm chiếm 3,35% tổng dư nợ cho vay, tăng mạnh so với mức 1,85% của thời điểm đầu năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức 202 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ 2015.
Một thành viên HĐQT Eximbank cho biết, trong 3 quý đầu năm nay và nhất là quý III vừa qua, Ngân hàng đã nỗ lực để thu hồi, xử lý hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu, nên phần nào kéo giảm dự phòng rủi ro. Điều này tác động tích cực lên lợi nhuận, cho dù chưa đạt được mức kỳ vọng. Hiện Eximbank điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2016 về 400 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đề ra trước đó là 720 tỷ đồng.
Ngược lại, vẫn có những ngân hàng đạt lợi nhuận khả quan, cho dù dự phòng rủi ro gia tăng. Cụ thể, tại Vietcombank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý III/2016 là 1.510 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế đạt của Ngân hàng vẫn đạt 6.326 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ 2015.
Thế nhưng, tại BIDV, chi phí dự phòng từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, tính chung 9 tháng đầu năm, BIDV đã phải trích lập gần 7.000 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ, qua đó dùng hết “quota” dự phòng tín dụng dự kiến cho cả năm. Gánh nặng về chi phí dự phòng đã ăn mòn lợi nhuận của BIDV. Sau 9 tháng, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.757 tỷ đồng, chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, trong quý III vừa qua, dự phòng rủi ro tín dụng vẫn là gánh nặng đối với hầu hết các ngân hàng thương mại, cho dù đã có dấu hiệu giảm. Do đó, tổng lợi nhuận ngân hàng đạt được năm nay, theo nhìn nhận của các chuyên gia, khó kỳ vọng ở mức cao.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng, nếu quyết liệt xử lý nợ xấu theo cách buộc các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đủ cho số nợ xấu, thì không ít ngân hàng sẽ mất vốn chủ sở hữu, thậm chí, vốn chủ sở hữu tại một số nhà băng có sẽ giảm thấp hơn mức quy định 3.000 tỷ đồng hoặc âm vốn.