Bên cạnh đó, lãnh đạo các nhà băng cho biết, mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2016 đang được cân nhắc kỹ và khó tăng cao so với kết quả đạt được trong năm 2015.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, Techcombank lãi trước thuế hơn 1.550 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2014, nhờ vào mức tăng 20,9 % từ thu nhập lãi thuần, do tăng trưởng tín dụng ở mức cao (đạt 17%). Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm nhà băng này đưa ra ở mức 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, quý IV luôn được các ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận cao hơn các quý trong năm, bởi đây là giai đoạn kinh doanh vốn sôi động khi nhu cầu vay của doanh nghiệp và cá nhân tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Vì vậy, với chỉ tiêu lợi nhuận cả năm ở mức trên, có khả năng Techcombank sớm cán đích.
Trả lời ĐTCK, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay, kết thúc 9 tháng đầu năm nay, ACB đạt hơn 1.029 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (sau trích lập dự phòng rủi ro), so với mục tiêu cả năm là 1.314 tỷ đồng. Một trong những yếu tố tác động tích cực đến kết quả hoạt động của ACB trong 3 quý đầu năm, theo ông Toàn, là do tăng trưởng tín dụng được cải thiện, lãi suất giảm dần về mức hợp lý 7,5 - 8%/năm cho các khoản vay mới. Tính đến ngày 20/8, Ngân hàng đã hoàn tất chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra từ đầu năm, với mức tăng hơn 12,5%.
Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng của ACB tăng 12,8%; huy động vốn tăng hơn 8%; tỷ lệ nợ xấu được ACB đưa về mức 1,7% tính đến cuối tháng 9/2015. Tính từ đầu năm đến nay, ACB đã xử lý thu hồi nợ được 900 tỷ đồng và kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC của ACB trong năm nay là 1.000 tỷ đồng.
Tính lũy kế từ năm 2014, tổng nợ xấu ACB bán cho VAMC đến cuối năm nay là 2.000 tỷ đồng và mục tiêu kiểm soát nợ xấu về dưới 1% cuối năm nay. Theo Tổng giám đốc ACB, các khoản nợ xấu liên quan đến vụ án bầu Kiên vẫn được Ngân hàng thực hiện theo đề án đã trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ACB trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ này.
Quá trình xử lý nợ xấu được lãnh đạo ACB cho biết, đã có những cải thiện so với năm trước và kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường bất động sản để có thể đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo. ACB dự kiến xử lý, thu hồi khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu năm nay. Vì vậy, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế (sau trích lập dự phòng) năm 2015 ở mức 1.314 tỷ đồng, lãnh đạo ACB cho biết, Ngân hàng sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Tổng giám đốc Nam A Bank, bà Lương Thị Cẩm Tú cho hay, với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2015 trình ĐHCĐ ở mức 360 tỷ đồng trước thuế, Nam A Bank đã hoàn thành trong 11 tháng đầu năm. Thực tế cho thấy, lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2015 sau soát xét của Nam A Bank đạt 187 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 52% kế hoạch năm 2015.
Một trong những nguyên nhân đem lại kết quả lợi nhuận khả thi cho Nam A Bank năm nay, theo bà Tú, chính là tín dụng cải thiện tích cực. Cho vay khách hàng của Nam A Bank đạt 19.147 tỷ đồng, tăng 20,7% tính đến cuối tháng 6/2015 và tăng lên mức 25% tính đến cuối tháng 11/2015 (sử dụng hết room NHNN cho phép điều chỉnh).
Nhờ tín dụng cải thiện, thu nhập lãi thuần của Nam A Bank đã tăng mạnh so với năm trước. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đạt 449 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động kinh doanh khác đều duy trì tăng trưởng khá tốt. Tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 513 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước.
Là một trong những ngân hàng nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tăng vốn những năm qua và nợ xấu tăng, phải bán cho VAMC theo chỉ tiêu áp xuống của NHNN năm nay ở mức 500 tỷ đồng, song SaiGon Bank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015 cho thấy, dù tăng trưởng tín dụng âm, lợi nhuận trước và sau thuế sụt giảm, nhưng vẫn vượt chỉ tiêu kinh doanh đưa ra.
Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2015, tổng tài sản Saigonbank đạt 17.011 tỷ đồng, tăng 7,5% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 10.872 tỷ đồng, giảm 3,2%. Huy động tiền gửi khách hàng đạt 12.625 tỷ đồng, tăng 6,6%. Thu nhập lãi thuần 9 tháng của SaiGon Bank đạt 472 tỷ đồng, có giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng hoạt động dịch vụ lãi 21,9 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối lãi 16,9 tỷ đồng, hoạt động khác lãi 12,2 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro là 92 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chi phí hoạt động là 261 tỷ đồng, tăng 14,9% trong kỳ.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của SaiGon Bank sau 9 tháng đầu năm là 173 tỷ đồng và 143 tỷ đồng, giảm lần lượt 14,7% và 12% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, nếu so với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2015 đã được HĐQT Ngân hàng trình ĐHCĐ ở mức 50 tỷ đồng, cho đến nay, Saigonbank đã vượt gấp 2 lần.
Mặc dù còn những khó khăn nhất định và không ít nhà băng sẽ khó đạt chỉ tiêu lợi nhuận đã đặt ra, song bên cạnh đó, vẫn có nhiều ngân hàng sớm cán đích kế hoạch lợi nhuận năm 2015. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính - tiền tệ, sở dĩ một số nhà băng sớm cán đích chỉ tiêu lợi nhuận là do kế hoạch đưa ra khá khiêm tốn, một phần bởi các ngân hàng đã lường trước khó khăn nên tính toán kỹ trước khi xây dựng kế hoạch lợi nhuận 2015.
Tuy có tiền đề tốt từ tăng trưởng lợi nhuận năm 2015, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2016 khó bứt phá. ACB, Nam A Bank cho hay, khả năng kế hoạch kinh doanh xây dựng cho năm 2016 cũng chỉ tăng khoảng 20% so năm nay, nguyên nhân bởi nợ xấu vẫn là gánh nặng và rào cản đối với dòng chảy vốn.