Lợi nhuận ngân hàng chủ yếu vẫn đến từ mảng tín dụng. Ảnh: Dũng Minh

Lợi nhuận ngân hàng chủ yếu vẫn đến từ mảng tín dụng. Ảnh: Dũng Minh

Lợi nhuận ngân hàng “sáng cửa” tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực tỷ giá USD/VND giảm dần khi Fed chuẩn bị hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho việc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn trong những tháng cuối năm, đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng.

Động lực tăng trưởng tín dụng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 26/8/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 6,63% so với cuối năm ngoái. Dù còn cách xa so với mục tiêu 14 - 15% trong năm 2024 nhưng tăng trưởng tín dụng đã được cải thiện kể từ tháng 4/2024 đến nay nhờ phục hồi của sản xuất.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất nhập khẩu tăng lần lượt 15,7% và 18,5%, dẫn tới thặng dư thương mại đạt 14,98 tỷ USD. Hoạt động sản xuất tăng trưởng ổn định liên tiếp trong 5 tháng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,2% so với cùng kỳ, đi cùng với chỉ số PMI duy trì ở mức 54,7 điểm trong tháng 7. Cho vay tiêu dùng và cho vay bất động sản đều đạt hơn 3 triệu tỷ đồng và đều chiếm hơn 21%, tương đương hơn 1/5 tổng dư nợ của nền kinh tế.

Các hoạt động cho vay được dự báo sẽ đạt nhiều kết quả tích cực khi cho vay bán lẻ dự kiến sẽ phục hồi mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024, dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô nhờ hiệu ứng từ lãi suất cho vay thấp.

Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ. Hoạt động cho vay mua nhà sẽ giữ tốc độ tăng trưởng tương tự 6 tháng đầu năm, chủ yếu nhờ sự phục hồi của giao dịch bất động sản thứ cấp. Với mảng khách hàng doanh nghiệp, dự báo hoạt động nhập khẩu, xây dựng hạ tầng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm nay.

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng thêm room tín dụng (dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng), room tín dụng của ACB, HDB, LPB, TCB sẽ được tăng lên mức 18 - 18,7% kể từ ngày 28/8/2024.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, Ngân hàng sẽ được nới room khoảng 2% trong lần này, tương ứng quy mô tăng trưởng tín dụng tối đa lên mức 17 - 18%. ACB cũng nhìn nhận, đây là bước đi kịp thời, đón đầu nhu cầu vốn tăng trưởng vào cuối năm nay.

Tổng giám đốc MB, ông Phạm Như Ánh cho hay, đến ngày 28/8/2024, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt 10,44%, đạt 65,7% chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao đầu năm. Căn cứ chỉ tiêu điều chỉnh room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, MB dự kiến được tăng thêm 14.000 tỷ đồng.

Cùng với việc tăng thêm room tín dụng cho các ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng yêu cầu ngân hàng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay; cấp tín dụng đối với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo chất lượng tín dụng.

Ông Ngô Quang Trung, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc BVBank cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đang ở mức khá thấp, không chỉ với khách hàng doanh nghiệp mà ngay cả khách hàng cá nhân BVBank cũng chỉ áp dụng mức lãi suất 5 - 6%/năm trong giai đoạn đầu. Nhu cầu vốn của khách hàng đang dần trở lại và kỳ vọng cải thiện tích cực trong mùa cao điểm kinh doanh cuối năm.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay ở mức 15%, tín dụng toàn hệ thống đến gần cuối tháng 8/2024 tăng 6,63% so với cuối năm ngoái thì tương đương với việc hệ thống phải đẩy thêm 8,37% đến hết năm. Giới phân tích tài chính nhìn nhận, nếu các ngân hàng đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất điều hành, GDP đạt 6%, tăng trưởng tín dụng toàn ngành cả năm có thể đạt 14,83%, gần sát mục tiêu.

Lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng

Theo giới chuyên gia, động thái nới room cho những tổ chức tín dụng tăng trưởng tốt của Ngân hàng Nhà nước là kịp thời, làm động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần những tháng cuối năm. Chính sách lãi suất sẽ trở nên ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay, nhưng có thể đánh đổi bằng biên lãi thuần (NIM) giảm nhẹ đối với ngân hàng. Đáng nói là điều này diễn ra trong bối cảnh đẩy tín dụng vào nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, lãi suất huy động tăng.

Thế nhưng, các nhà băng vẫn kỳ vọng tín dụng cải thiện rõ nét về cuối năm, tác động tích cực lên kết quả kinh doanh. Theo CEO MB, hiện Ngân hàng đã sẵn sàng với kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 20 - 25%, trên cơ sở tăng trưởng tín dụng đi kèm với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tài sản.

Lãnh đạo HDBank, ACB, Techcombank cũng cho hay, nhu cầu vốn của khách hàng đang dần trở lại và ngân hàng nỗ lực giảm lãi vay, kích cầu tín dụng. Vì thế, với mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2024, các nhà băng này đã thực hiện trên dưới 50% kế hoạch và đến thời điểm này chưa có đơn vị nào điều chỉnh.

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM dự báo, tuy khó tăng đột biến như các năm trước, song lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn tăng trong nửa cuối năm nay. Một phần, NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng nhẹ, trong đó phải kể đến các ngân tư nhân quy mô lớn và ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối. Thực tế, trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng vẫn đạt mức lợi nhuận khả thi, dĩ nhiên là có sự phân hóa về lợi nhuận ngày càng rõ nét giữa các nhà băng trong hệ thống. Với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, sẽ có nhiều khó khăn hơn, do phải cạnh tranh gay gắt về tín dụng và tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay nên NIM khó tăng cao, trong khi nợ xấu lại có xu hướng tăng do chất lượng tài sản đi xuống.

Nửa đầu năm nay, lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết ổn định ở mức 1,97% vào cuối quý II/2024. Mặc dù có quan ngại về vấn đề lãi suất, nợ xấu, biên lợi nhuận có thể co hẹp, nhưng đà tăng lợi nhuận ngân hàng được dự báo vẫn được giữ trong năm 2024. Các ngân hàng sẽ phải tìm cách để tăng thu nhập ngoài lãi, vì thu nhập từ lãi sẽ gặp khó khăn bởi vấn đề tăng trưởng tín dụng. Thu nhập ngoài lãi hiện nay đã giảm so với thời kỳ trước, khi mảng phân phối bảo hiểm (bancassurance) và trái phiếu giảm, nhưng có dấu hiệu cải thiện hơn nửa đầu năm 2024.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phát triển mạnh mẽ của công nghệ kích thích nhu cầu của khách hàng về các sản phẩm dịch vụ mới, nhiều tiện ích, hiện đại. Với xu thế toàn cầu hoá, sự hợp tác của các doanh nghiệp đã dẫ̃n đến sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại quốc tế, tạo ra nhiều cơ hội để ngân hàng phát triển và mở rộng các dịch vụ, tăng thu ngoài lãi.

Các nhà phân tích của VDSC cũng cho rằng, 2024 sẽ tiếp tục là năm tương đối khó khăn với ngành ngân hàng, song một số tổ chức tín dụng sẽ có sự cải thiện về tăng trưởng lợi nhuận.

VDSC ước tính, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng năm nay đạt 18% so cùng kỳ, dẫn dắt bởi thu nhập lãi tăng trưởng 19% do chi phí vốn rẻ hơn. Quy mô nợ xấu có thể sẽ giảm nhẹ vào cuối năm, khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023, để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản phục hồi sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Tốc độ hình thành nợ xấu mới chậm lại trên cơ sở khả năng chi trả lãi vay tăng lên, nhờ mặt bằng lãi suất cho vay giảm, ngân hàng có xu hướng siết chặt chính sách tín dụng. Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần vẫn sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng năm 2024. Thực tế, nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của các nhà băng Việt Nam hiện chủ yếu từ tín dụng, chiếm đến 80 - 90%, nhất là ở các ngân hàng nhỏ.

Tin bài liên quan