Các ngân hàng đang tiết giảm chi phí để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận

Các ngân hàng đang tiết giảm chi phí để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận

Lợi nhuận ngân hàng “đúng lộ trình”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù đến thời điểm này chưa ngân hàng nào công bố kết quả kinh doanh quý II/2024, song đa số đều cho biết, dự kiến kết quả lợi nhuận bán niên đi đúng lộ trình đề ra.

Tín dụng cải thiện tác động lợi nhuận quý II

Kết thúc quý đầu năm nay, 28 ngân hàng niêm yết đạt tổng lợi nhuận sau thuế khoảng 72.096 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, danh sách Top 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất quý I/2024 không có sự biến động mạnh khi vẫn là những cái tên quen thuộc như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, MB, ACB, HDBank, SHB, VPBank và LPBank, nhưng thứ hạng có sự phân hóa ngày càng rõ nét.

Bước sang quý II/2024, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng dần cải thiện (2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm). Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm 14/6/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng. Doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn doanh số cùng kỳ 3 năm trước. Chính điều này được xem là nhân tố tích cực tác động lên lợi nhuận của ngành trong quý II này.

Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng có vốn Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng đến gần cuối quý II/2024 đạt khoảng 5%; còn lợi nhuận vẫn đang thực hiện theo kế hoạch đề ra, với tham vọng mục tiêu cả năm đạt hơn 1 tỷ USD. Theo vị lãnh đạo trên, cầu tín dụng dần trở lại khi mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở mức khá thấp hiện nay (dao động 5 - 6%/năm cả với doanh nghiệp và cá nhân). Do đó, ngân hàng này kỳ vọng sớm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp trong năm nay ở mức 14% vào thời điểm giữa hoặc cuối quý IV.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho biết, tính đến hết tháng 6/2024, MB dự kiến tín dụng sẽ tăng trưởng ở mức 6 - 6,5%.

“Với mục tiêu tín dụng năm nay tăng trưởng khoảng 15,5%, MB cần đạt khoảng 8% nữa trong 6 tháng cuối năm. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu vào đầu hoặc giữa quý IV. Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng, điều mà MB và các ngân hàng kỳ vọng nhất là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế", ông Ánh nói và cho hay, các ngân hàng đã giảm lãi suất sâu nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Chi phí vốn thấp thì cầu tín dụng sẽ tăng và các ngân hàng đang tiếp tục tiết giảm chi phí để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận trong khi vẫn cung vốn ở mức lãi suất thấp.

Đồng thời, một yếu tố thuận lợi nữa là thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần lên, tạo điều kiện để kích cầu tín dụng ở lĩnh vực này. Theo ông Ánh, cho vay trên thị trường bất động sản có 4 lĩnh vực chính là: ngân hàng cho người dân vay để mua nhà ở; bất động sản khu công nghiệp; bất động sản các dự án nhà ở; bất động sản nghỉ dưỡng.

“Tôi cho rằng, nếu 3 sắc luật liên quan được chốt thời điểm có hiệu lực từ ngày 1/8 tới thì hàng loạt nút thắt sẽ được tháo gỡ, tạo một hiệu ứng tích cực chung cho thị trường bất động sản. Hy vọng người dân sẽ bắt đầu bỏ tiền nhiều hơn vào nhà đất và hoạt động cho vay của các ngân hàng vào kênh bất động sản sẽ tăng trưởng tốt hơn", ông Ánh nói.

Với lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2024 của MB đạt 5.795 tỷ đồng, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, tiến độ thực hiện đang theo kế hoạch trong quý II/2024 và có cơ sở để đạt 28.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay.

Tương tự, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho hay, tính đến gần cuối tháng 5/2024, tín dụng của ACB tăng khoảng 9,5% và thông thường tín dụng luôn tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ACB đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp từ đầu năm 2024 ở mức 16%. Kết thúc quý đầu năm nay, ACB đạt 4.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và theo lãnh đạo Ngân hàng, có cơ sở để đạt mục tiêu 22.000 tỷ đồng lợi nhuận đã đề ra cho năm 2024.

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, có đến hơn 70% tổ chức tín dụng cho rằng, tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc hơn trong quý II và cả năm 2024. Từ các tổ chức tín dụng, cũng có đến 86% cho rằng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mình sẽ tăng so với năm 2023.

NIM cải thiện và kỳ vọng thu nhập bất thường

Theo Công ty Chứng khoán VPBankS, sự phục hồi của ngành ngân hàng sẽ diễn ra rõ rệt trong nửa cuối năm nay. Theo đó, lợi nhuận trước thuế toàn nhóm ngân hàng niêm yết năm 2024 có khả năng tăng trưởng 15% so với năm trước đó, tương đương đạt 293.650 tỷ đồng với giả định Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất điều hành trong năm 2024 và các ngân hàng lớn đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm.

Bên cạnh tín dụng, NIM (biên lãi ròng) cải thiện cũng là yếu tố được giới phân tích cho là tác động tích cực, cải thiện tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng trong những quý tới. VPBankS cho rằng, triển vọng của ngành ngân hàng năm 2024 phụ thuộc vào việc cải thiện NIM do chi phí vốn thấp và động lực cho vay từ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản, xuất nhập khẩu và nhu cầu vay trong nước phục hồi. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro như thị trường bất động sản “đóng băng” và áp lực xử lý nợ xấu.

Dự báo về NIM của ngành ngân hàng, theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, NIM sẽ ổn định trong quý II và III, sau đó giảm vào quý IV/2024 khi lãi suất huy động tăng. Lãi suất huy động có thể tăng từ 50 - 100 điểm cơ bản trong năm, trong khi lãi suất cho vay dự kiến giữ nguyên và có thể tăng nhẹ vào cuối năm 2024 - đầu năm 2025.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cũng cho hay, NIM của Ngân hàng đã giảm từ 5,5 - 5,6% về 4,4% trong năm 2023 do chi phí huy động vốn tăng và phân khúc cho vay rủi ro cao. Tuy nhiên, theo ông Vinh, NIM bắt đầu nhích tăng trở lại ngay từ những tháng đầu năm 2024 và dự báo sẽ còn tăng trong năm nay, không phải nhờ tăng lãi suất cho vay mà chủ yếu do tiết kiệm được chi phí vốn.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng sẽ ghi nhận khoản thu nhập bất thường cao vào lợi nhuận năm nay như Sacombank ghi nhận khoản thu nhập bất thường 1.336 tỷ đồng trong năm 2024 từ thương vụ bán khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú, sau khi trích lập toàn bộ phần nợ trái phiếu VAMC.

Trong quý II/2024, MSB sẽ thu về hai khoản thu bất thường có giá trị hơn 800 tỷ đồng từ nợ đã được xử lý. Ngân hàng dự kiến năm nay tổng khoản thu nhập bất thường từ việc thu hồi các khoản nợ đã xử lý khoảng 1.700 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2024, VIB ghi nhận khoản lãi đột biến hơn 226 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh khác, gấp 5 lần cùng kỳ năm 2023...

Nhận định về lợi nhuận cả năm nay, kết quả khảo sát các tổ chức tín dụng đánh giá rằng, “chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý IV/2024 và cả năm 2024. Tiếp đó là “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” và “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị”.

Nhìn chung, các ngân hàng lớn đều dự báo tăng trưởng tín dụng 2024 sẽ dương mạnh hơn so với mức tăng trưởng của năm trước, trong khi đó các ngân hàng nhỏ sẽ khó có vị thế cạnh tranh hơn. Giới phân tích nhận định, năm 2024, kỳ vọng ROE và ROA tăng trở lại với mức tăng lợi nhuận cao hơn so với năm trước, mức tăng vốn sẽ chậm lại so với các năm gần đây.

Tuy nhiên, về tình hình chất lượng tài sản, nợ xấu (NPL) tính theo năm liên tục tăng từ thời cao điểm dịch bệnh Covid đến nay. VPBankS thông tin, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành hiện tại vẫn ở mức 1,9%, khá cao so với năm 2022 là 1,7%, tức tăng 12%. Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức lấy ý kiến dự thảo sửa đổi về Thông tư 02, quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn, nội dung kéo dài cho đến hết năm 2024, thay vì tới tháng 6 này.

Thế nhưng, điều này cũng có nghĩa nợ xấu chỉ được “gói lại” và khi Thông tư 02 hết hiệu lực, nếu ngân hàng chưa thu hồi được thì sẽ còn tăng cao. Nợ xấu tăng lên cũng là mối lo ngại lớn mà nhiều lần lãnh đạo các tổ chức tín dụng nhắc đến từ đầu năm đến nay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, thời điểm cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã công bố tỷ lệ nợ xấu lên tới 4,55%, tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,03% vào cuối năm 2022. Do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ nên lợi nhuận của các ngân hàng nếu được tính đúng, tính đủ chắc sẽ không thể “đẹp” như trong các báo cáo tài chính mà họ công bố.

Tin bài liên quan