Tín dụng vẫn đóng góp chính
Tín dụng toàn ngành ngân hàng đi lùi trong hai tháng đầu năm và chỉ nhích nhẹ về cuối tháng 3, song đây vẫn là nguồn thu chính của các nhà băng.
Ngân hàng TMCP Vietcombank (mã VCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 10.718 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả các mảng kinh doanh của VCB đều có kết quả kém hơn so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng giảm gần 1%, xuống 14.078 tỷ đồng. Theo lý giải của lãnh đạo VCB tại đại hội cổ đông thường niên, tổ chức ngày 27/4 vừa qua, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đi xuống là do tác động từ việc lãi suất giảm sâu. Tuy vậy, VCB vẫn giữ vị trí quán quân lợi nhuận của ngành trong quý đầu năm.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng giá trị huy động vốn trên thị trường 1 của VCB đạt 1,36 triệu tỷ đồng, giảm 3,31% so với hồi cuối năm 2023. Huy động vốn được giảm có chủ đích để đảm bảo NIM, hiệu quả sử dụng vốn. Tăng trưởng tín dụng giảm 0,42%, khoảng 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là tín dụng bán lẻ, trong khi tín dụng bán buôn tăng trưởng.
Techcombank đứng vị trí “á quân” về lợi nhuận quý I của ngành, với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Trong quý đầu năm, thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của Ngân hàng tăng 30% so với cùng kỳ, đạt gần 8.500 tỷ đồng. So với kế hoạch 27.100 tỷ đồng lợi nhuận cả năm, Techcombank thực hiện được gần 29% sau quý đầu năm. Tại thời điểm cuối quý I/2024, tổng tài sản của Techcombank tăng 4,3% so với cuối năm 2023, lên mức 885.700 tỷ đồng. Tính riêng Ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 6,4% so với đầu năm, lên ngưỡng 563.900 tỷ đồng, phù hợp với hạn mức tín dụng được cấp.
Kết quả lợi nhuận của Techcombank cũng bỏ khá xa các ngân hàng tư nhân trên thị trường. Các ngân hàng còn lại trong Top 5 lợi nhuận lần lượt là BIDV (7.390 tỷ đồng, tăng trưởng 7%), VietinBank (6.210 tỷ đồng, tăng trưởng 4%), MB (5.795 tỷ đồng, giảm 11%). Các vị trí tiếp theo trong Top 10 lợi nhuận là ACB, VPBank, HDBank, SHB, LPBank. Trong nhóm này, ngoại trừ MB và ACB ghi nhận lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ thì 8 ngân hàng còn lại đều tăng trưởng dương.
ACB báo lãi trước thuế quý I/2024 hơn 4.892 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, do tăng gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, dù lãi đột biến từ đầu tư chứng khoán. Trong quý I, thu nhập lãi thuần của nhà băng này tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 6.722 tỷ đồng. Đến hết quý I/2024, tổng tài sản của ACB xấp xỉ đầu năm, ở mức 727.297 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 4%; tiền gửi khách hàng tăng 2%, lên mức 492.804 tỷ đồng; tỷ lệ CASA ghi nhận mức 23,7%; tỷ lệ ROE ở mức 23,4%... Như vậy, sau quý đầu năm, ACB đã thực hiện được 22% mục tiêu lãi trước thuế cả năm (22.000 tỷ đồng).
Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 1.270 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, song HDBank vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 47% trong quý I, với lãi trước thuế gần 4.028 tỷ đồng. Nguồn thu từ tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng chính trong thu nhập quý I/2024 của HDBank, với 7.610 tỷ đồng, tăng đến 48% so với cùng kỳ năm trước. Sau quý đầu năm, Ngân hàng đã thực hiện được 25% mục tiêu lợi nhuận cả năm, ở mức 15.852 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2024, dư nợ HDBank tăng 6% lên 363.449 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay hộ kinh doanh và cá nhân.
Trong khi đó, tại OCB, tổng thu thuần quý I/2024 đạt 2.287 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần và hoạt động kinh doanh ngoại hối. Thu nhập lãi thuần trong quý đạt 1.901 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ và chiếm 83,12% tổng thu thuần nhờ các chính sách ưu đãi lãi suất, hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn cung vốn.
Đến nay, trong số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2024, ngoại trừ 8 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ và một ngân hàng bị lỗ, hầu hết nhà băng đều tăng trưởng lợi nhuận khả quan.
Nguồn thu ngoài lãi phân hóa
Quý đầu năm nay, VietinBank báo lãi trước thuế hơn 6.210 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Đà tăng này là nhờ thu nhập lãi thuần đạt 15.174 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi biến động không đồng nhất: lãi từ dịch vụ giảm 11%, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 106 tỷ đồng, trong khi lãi kinh doanh ngoại hối tăng 15% và lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 37%.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VCB quý đầu năm nay thấp hơn 1% so với cùng kỳ, ở mức 1.442 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng kinh doanh ngoại hối, thế mạnh của Ngân hàng ghi nhận lãi thuần giảm tới 29,8% so cùng kỳ, chỉ mang về 1.198 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng giảm 53,1%, xuống 508 tỷ đồng. Những mảng kinh doanh này đều không được VCB thuyết minh chi tiết trong báo cáo…
Tương tự, nguồn thu ngoài lãi của Techcombank có sự phân hóa trong quý đầu năm 2024. Lãi từ dịch vụ tăng 12%, lên hơn 2.171 tỷ đồng, nhờ tăng thu dịch vụ thanh toán, tiền mặt và dịch vụ môi giới kinh doanh chứng khoán. Hoạt động kinh doanh ngoại hối thu được khoản lãi hơn 544 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 229 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi hơn 1.073 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ. Ở chiều ngược lại, hoạt động khác lỗ hơn 3 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 1.057 tỷ đồng, do kỳ này không còn ghi nhận 1.775 tỷ đồng thu nhập từ bán bất động sản đầu tư.
Lãi từ hoạt động dịch vụ của ACB trong quý đầu năm nay tăng 19% so với cùng kỳ, thu được 745 tỷ đồng. Đáng chú ý, thu nhập từ kinh doanh chứng khoán của ACB trong quý này tiếp tục đột biến. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh thu được khoản lãi hơn 196 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ. Tương tự, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lãi hơn 204 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ.
Quý I/2024, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 2.886 tỷ đồng, tăng 84,4% so với cùng kỳ năm trước. Ở quý này, LPBank ghi nhận khoản thu bất thường 750 tỷ đồng từ dịch vụ khác, nâng tổng lãi thuần dịch vụ của Ngân hàng lên gấp 3,6 lần cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của LPBank, lợi nhuận quý I đã tăng trưởng 85% nhờ ba yếu tố: tăng trưởng tín dụng, hạn chế nợ xấu, đi đôi với tăng huy động vốn CASA nhằm cải thiện lãi đầu vào, tăng trưởng các dịch vụ phi tín dụng, dịch vụ thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ...
Lãnh đạo LPBank cho biết, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều cải thiện, hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân, doanh nghiệp phục hồi và cần bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, Ngân hàng đã giải ngân cho vay đáp ứng vốn cho nền kinh tế, dẫn tới thu nhập lãi thuần tăng so với cùng kỳ năm trước. Cuối quý I, tổng tài sản LPBank tăng gần 7% so với cuối năm 2023; cho vay khách hàng tăng 11,7%; tiền gửi tăng 10,4%.
Quý I/2024, Eximbank lãi trước thuế hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so cùng kỳ, đạt gần 13% mục tiêu năm; thu nhập lãi thuần tăng 10% so cùng kỳ; các nguồn thu ngoài lãi đều giảm: lãi từ dịch vụ giảm 24%, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 58%, mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 24 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác giảm 46%...
Các chuyên gia phân tích cho rằng, sở dĩ lợi nhuận của ngành ngân hàng nhìn chung sẽ vẫn yếu do tăng trưởng tín dụng chỉ tăng tốc vào cuối tháng 3 và hoạt động dịch vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nợ quá hạn có thể tăng lên, trong khi biên lãi thuần (NIM) vẫn chịu áp lực và tăng trưởng tín dụng vẫn yếu. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến cuối tháng 4/2024 ước đạt khoảng 1,5% (so với cùng kỳ tín dụng tăng 2%) và kỳ vọng cả năm đạt 14 - 15%.
SSI ước tính lợi nhuận ngân hàng vẫn khá phù hợp và dự báo các yếu tố cơ bản có thể dần cải thiện trong nửa cuối năm 2024 khi tỷ lệ nợ xấu có thể thấp hơn dự kiến, nếu tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản và nền kinh tế duy trì được nhịp độ tốt, NIM cải thiện. Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng có thể đối mặt với một số rủi ro như lãi suất huy động tăng cao hơn dự kiến trong nửa cuối năm 2024 do áp lực tỷ giá tăng, tỷ lệ hấp thụ vốn thấp hơn dự kiến và việc kiểm soát chặt nợ xấu…
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, kết quả kinh doanh của ngân hàng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế. Khi kinh tế hồi phục, nợ xấu ngân hàng mới giảm đi, lợi nhuận khả quan. Ngược lại, nợ xấu tăng đòi hỏi trích dự phòng lớn. Trong khi đó, lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam chủ yếu đến từ tín dụng, đáng chú ý là khi nguồn thu ngoài lãi đang bị ảnh hưởng bởi bancassurance giảm mạnh.