Lợi nhuận ngân hàng có nhiều điểm sáng

Lợi nhuận ngân hàng có nhiều điểm sáng

(ĐTCK) Mặc dù phải trích lập dự phòng ở mức cao và tập trung đẩy mạnh tái cấu trúc, thế nhưng không ít nhà băng đã báo lãi hoàn thành ở mức trên 50% chỉ tiêu đưa ra cho năm nay. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các ngân hàng, trước bối cảnh thị trường còn có những khó khăn nhất định, đòi hỏi phải trích dự phòng cho cả các khoản nợ đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và biên lãi trong hoạt động tín dụng dần thu hẹp thì khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao.

Tăng dự phòng, lợi nhuận vẫn tốt

Trong số các NHTM đang hoạt động trên thị trường hiện nay, 2 ngân hàng cổ phần có vốn Nhà nước luôn có mức lợi nhuận tốt, cho dù đã tăng trích lập dự phòng. Theo báo cáo tài chính quý II/2015 của Vietinbank, tín dụng sau 2 quý tăng 9,1% so với đầu năm 2015 là một trong những nguyên nhân giúp Ngân hàng đạt hơn 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với cùng kỳ.

Tổng tài sản của Nhà băng tăng 14% so với đầu năm, đạt 730.000 tỷ đồng; trong khi huy động vốn tăng 11,2%. Nợ xấu theo báo cáo của Ngân hàng chiếm tỷ lệ xấp xỉ 2% nên khoản dự phòng phải trích khá đáng kể.

Kết quả kinh doanh của Vietcombank (VCB) 6 tháng đầu năm 2015 đạt 3.040 tỷ đồng trước thuế, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 51,5% kế hoạch cả năm (5.900 tỷ đồng). Thu nhập từ hoạt động kinh doanh (trước dự phòng) của VCB đạt đến 6.034 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014.

Dự phòng rủi ro của VCB ở mức 2.994 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2.4%. Tính đến 30/6/2015, VCB đã bán cho VAMC 1.018 tỷ đồng nợ xấu. Do đó, VCB tiếp tục là một trong những đơn vị mạnh tay nhất trong trích lập dự phòng rủi ro.

Một lãnh đạo Eximbank cho biết, với kết quả đạt được trong quý I/2015 ở mức trên 500 tỷ đồng thì kết thúc 2 quý đầu năm nay, lợi nhuận Ngân hàng đã vượt 50% chỉ tiêu 1.000 tỷ đồng trước thuế đề ra cho năm nay. Tuy nhiên, con số lợi nhuận sẽ được Eximbank công bố chính thức trong ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 21/7 tới đây.

TPBank cũng báo lãi 342 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015. Đến ngày 30/6, tổng tài sản của TPBank đạt gần 52.000 tỷ đồng. Huy động vốn ở thị trường 1 và dư nợ cho vay tổ chức, cá nhân tăng trưởng trên 10% so với cuối năm trước. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng vượt 112% kế hoạch 6 tháng đề ra và đạt 55% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm nay.

 “TPBank sẽ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho năm 2015”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank nói và đưa ra nhận định, tình hình tín dụng sẽ dần cải thiện trong 6 tháng cuối năm. Tỷ lệ nợ xấu TPBank đến cuối tháng 6/2015 được kiểm soát ở mức 0,96%.

Tổng giám đốc Techcombank, ông Vikesh Mirani cho biết, tín dụng của Techcombank tính đến hết 30/6 đã tăng trưởng tích cực ở mức 11,81%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình của thị trường là 6,28%, theo số liệu ngày 19/6.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tới 30% cho Techcombank và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Techcombank trong việc có thêm dư địa để mở rộng tín dụng, đạt chỉ tiêu lợi nhuận.

Ngày 8/7 vừa qua, NHNN đã có quyết định điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần gồm: Vietcombank, VietinBank, VPBank, VIB, Techcombank, NCB, TPBank, SeABank, SHB… Trong đó có những ngân hàng được nâng “room” tín dụng rất cao, lên tới 30% - 35%.

Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong việc có thêm dư địa mở rộng hoạt động cho vay, với kỳ vọng hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận. Bởi thực tế, nguồn thu lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam chủ yếu đến từ tín dụng, nhất là nhà băng nhỏ.

Tín hiệu tốt cho nửa cuối năm

Với tình hình kinh tế đang dần cải thiện và nhu cầu tín dụng của khách hàng gia tăng, lãnh đạo các nhà băng đánh giá đây là cơ hội tốt để tăng trưởng các sản phẩm tín dụng trong thời gian tới. Do đó, các ngân hàng đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, với kỳ vọng đạt được mức lợi nhuận, thậm chí vượt chỉ tiêu xây dựng đầu năm nay.

Bà Lương Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, 6 tháng đầu năm nay, Nam A Bank báo lãi 188 tỷ đồng trước thuế, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước. Đến 30/6, tổng tài sản đạt hơn 33.473 tỷ đồng, dư nợ cho vay thị trường 1 đạt gần 19.200 tỷ đồng (tăng trưởng tỷ lệ tương đương 36%). Nợ xấu được kiểm soát tốt với nợ nhóm 2 chỉ chiếm 1,96% trên tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,31%.

Theo bà Tú, theo kế hoạch đưa ra, 6 tháng cuối năm, Nam A Bank sẽ nâng tổng tài sản lên 40 nghìn tỷ đồng; huy động thị trường 1 lên trên 23.500 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt hơn 21 nghìn tỷ và lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 360 tỷ đồng, đồng thời duy trì nợ xấu dưới 3% theo yêu cầu của NHNN.

Lãnh đạo Viet Capital Bank cũng cho biết, kết quả 6 tháng đầu năm của Ngân hàng rất khả quan với việc hoàn thành và vượt kế hoạch ở hầu hết các chỉ tiêu tài chính chủ yếu. Cụ thể, tổng tài sản gần 28.000 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch năm; tổng huy động vốn 24.126 tỷ đồng, trong đó huy động thị trường 1 đạt 17.990 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch năm và tăng 22% so với cùng kỳ 2014; dư nợ cho vay 13.366 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch năm.

Về kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Viet Capital Bank cho hay, Ngân hàng sẽ tiếp tục kiên định với định hướng mà Ban lãnh đạo đã hoạch định. 6 tháng cuối năm, Viet Capital Bank không điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng, mà sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

Trả lời ĐTCK, ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank cho rằng, mặc dù phải hy sinh thoái lãi dự thu để thu hồi nợ gốc và tăng trích dự phòng, song kết quả kinh doanh của ngân hàng 6 tháng qua vẫn có điểm sáng trong lợi nhuận.

Cụ thể, Kienlongbank đạt khoảng 187 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với chỉ tiêu đưa ra cho cả năm nay là 400 tỷ đồng. Theo đánh giá của ông Châu, nếu diễn biến thị trường những tháng cuối năm không có nhiều biến động, Ngân hàng có cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu.

Theo các nhà băng, điều quan trọng trong tăng trưởng tín dụng hiện nay là phải kiểm soát được chất lượng khoản vay để giảm dự phòng thì mới kỳ vọng có được lợi nhuận. Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho hay, dấu hiệu ấm dần lên của thị trường bất động sản, cũng như tình hình kinh tế chuyển biến theo chiều hướng tích cực đã tác động tốt lên hoạt động tín dụng và xử lý nợ xấu. Kết quả kinh doanh từ đó cũng dần được hồi phục.

Tại SCB, theo ông Văn, ước tính 6 tháng đầu năm nay hoàn thành 50% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra. Kế hoạch cho năm 2015, SCB đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức phù hợp 131 tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Theo ông Văn, các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cấu trúc thì không nên đặt chỉ tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà cần tập trung để trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu, kiểm soát tín dụng. Tính đến nay, tổng nợ xấu SCB đã bán cho VAMC lên đến 13.000 tỷ đồng, nên khoản trích dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu đặc biệt là không hề nhỏ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đã trích dự phòng rủi ro 300 tỷ đồng cho những khoản nợ cũ và nợ xấu đã bán cho VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của OCB đến cuối tháng 6/2015 được kiểm soát ở mức 2,7%. Trong 2 quý đầu năm, OCB bán 74 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Do phải trích dự phòng cao nên kết quả kinh doanh của OCB trong 6 tháng đầu năm, theo ông Tùng, chỉ hoàn tất được khoảng 70 - 80% chỉ tiêu đưa ra.

“Tình hình 6 tháng còn lại có khó khăn nhất định. Trong đó, lợi nhuận vẫn là thách thức. Một phần vì trích lập dự phòng cao, biên lãi trong hoạt động tín dụng không như trước. Tuy nhiên, đổi lại các chỉ số an toàn của OCB đạt được chuẩn ở mức cao”, ông Tùng cho biết.

Tin bài liên quan