Lợi nhuận phân hóa và giảm tốc có thể là xu hướng
Tính đến ngày 30/6/2023, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 4.755 tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ, hoàn thành 50,1% kế hoạch năm 2023. MSB công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.548 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và tương đương 56% kế hoạch năm.
Bên cạnh những ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan thì một số nhà băng ghi nhận lợi nhuận suy giảm. Báo cáo tài chính của LPBank cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý II/2023 là 880,4 tỷ đồng, giảm 51%; lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 là 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân lợi nhuận giảm chủ yếu là do thu nhập lãi thuần trong 6 tháng giảm 11,7%, xuống 5.224 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động tăng 328,8 tỷ đồng và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 4,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 346,6 tỷ đồng.
Tại BacABank, lợi nhuận trước thuế quý II/2023 là 139 tỷ đồng, giảm 25% so với quý II/2022. Nhờ quý I có kết quả tích cực nên lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 474 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
VPBank chưa công bố kết quả kinh doanh quý II/2023, nhưng Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hưởng ứng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi vay, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, theo đó, VPBank ước tính giảm lợi nhuận gần 1.000 tỷ đồng.
Tương tự, trong nỗ lực hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, BIDV giảm lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng.
“Báo cáo tài chính một số ngân hàng vừa công bố cho thấy, lợi nhuận vẫn tăng trưởng, nhưng đã giảm tốc đáng kể. Đây sẽ là diễn biến chung của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, khi điều kiện cho vay thắt chặt hơn với lĩnh vực bất động sản và cầu tín dụng thấp ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu do thiếu đơn hàng, người dân hạn chế chi tiêu, biên lãi ròng thu hẹp và áp lực trích lập dự phòng gia tăng”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2023 mà Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II/2023 cải thiện chậm, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng nhẹ và thấp hơn so với mức kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. Các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới.
Dẫu vậy, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ: “Là người kinh doanh, tôi luôn lạc quan khi nhìn về phía trước”.
Đi qua những ngày mưa
Nhiều tổ chức tín dụng giảm đáng kể kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, GDP trong nửa cuối năm 2023 sẽ tăng 7,1% so với cùng kỳ, qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm lên 5,5% (6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%). Sang năm 2024, GDP có thể tăng 6,9%.
“Các yếu tố hỗ trợ là Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời lãi suất cho vay giảm giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, đơn hàng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng phục hồi rõ nét kể từ quý IV/2023. Trong kịch bản này, ngành ngân hàng sẽ thể hiện rõ nhất sự phục hồi của nền kinh tế”, ông Hinh nói.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, các ngân hàng thương mại quốc doanh với lợi thế cạnh tranh là một trong những kênh phân phối nguồn vốn chính của Chính phủ sẽ là đối tượng chính được hưởng lợi từ việc thúc đẩy đầu tư công và có thể nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác. Ngoài ra, một số ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 cao nhờ thanh khoản dồi dào như Techcombank, MB; bộ đệm vốn tốt với VPBank, Techcombank và kế hoạch hỗ trợ trong việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém như Vietcombank, HDBank, MB.
Cụ thể, Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ giúp giảm áp lực dự phòng trong những quý tới, đặc biệt cho những ngân hàng có tỷ trọng cho vay cao với mảng bất động sản trong danh mục tín dụng như Techcombank. Những ngân hàng có nền tảng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tốt như Techcombank sẽ có nhiều dư địa để cải thiện biên lãi ròng, dẫn đến chi phí vốn thấp hơn trong bối cảnh lãi suất cho vay toàn thị trường giảm.
Với MB, tạm gác một số dấu hiệu bất ổn trong ngắn hạn như nợ xấu gia tăng, triển vọng trong dài hạn của ngân hàng này vẫn hấp dẫn khi tăng trưởng tín dụng được hỗ trợ bởi nguồn vốn dồi dào, việc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém và lợi thế ở các lĩnh vực có tiềm năng như bán lẻ. Lợi thế chi phí vốn thấp nhờ tỷ lệ CASA cao giúp MB duy trì biên lãi ròng ở trong nhóm tốt nhất thị trường. Bên cạnh đó, MB có hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng, bao gồm cho vay tiêu dùng, bảo hiểm (nhân thọ và phi nhân thọ), môi giới, chứng khoán và quản lý quỹ.
VIB với vị thế cạnh tranh của ngân hàng trong cuộc đua bán lẻ đã tận dụng triệt để lợi thế dân số lớn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP thấp và mức độ thâm nhập thấp các sản phẩm ngân hàng bán lẻ để tối đa hóa năng lực cho vay mua nhà và ô tô. Thêm vào đó, kỳ vọng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ kích cầu tín dụng ô tô, nhất là với các ngân hàng có lợi thế về cho vay bán lẻ như VIB.
“VPBank là một trong những lựa chọn hàng đầu cho những nhà đầu tư tìm kiếm tăng trưởng và sẵn sàng nhìn qua những bất ổn vĩ mô trong ngắn hạn để nắm bắt tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành ngân hàng Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thanh Phương, chuyên gia phân tích của VNDIRECT nhận định.
Nhận định trên được xây dựng trên nền tảng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VPBank ở mức cao, khoảng 18% sau thương vụ bán cổ phần cho SMBC, cho phép tăng trưởng tín dụng trên mức trung bình và nhiều cơ hội tăng trưởng ngoài lĩnh vực cho vay truyền thống thông qua các công ty con trong mảng cho vay tiêu dùng (FE Credit), chứng khoán (VPBank Securities) và bảo hiểm phi nhân thọ (OPES).
Trong diễn biến có liên quan, kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2023 cho biết một thông tin đáng chú ý, “sự cạnh tranh từ các tổ chức tín dụng khác” tiếp tục được đánh giá là nhân tố có thể tác động tiêu cực nhất tới tình hình kinh doanh trong quý II/2023 và dự kiến cả năm 2023.