Ngân hàng lớn, lợi nhuận cao
Lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của các NHTM đạt mức tương đối khả quan, song do nợ xấu vẫn tăng, đồng thời phải xử lý lượng nợ xấu lớn thông qua VAMC nên đòi hỏi chi phí dự phòng cao, khiến lợi nhuận sau trích lập rủi ro teo tóp.
Với Vietcombank, sau 9 tháng đầu năm, tổng số nợ xấu đã tăng thêm 2.869 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất với mức tăng 72% lên 5.631 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu. Tại thời điểm cuối tháng 9, ngân hàng có hơn 7.100 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 69% là nợ có khả năng mất vốn. Vì vậy, mặc dù các hoạt động kinh doanh của Vietcombank đều tốt hơn nhiều cùng kỳ năm trước, nhưng do chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro đều tăng mạnh đã kéo giảm mức tăng lợi nhuận.
Báo cáo của Dragon Capital cho rằng, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh vào năm sau. Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng đã được kiểm soát về dưới mức 3% từ mức 17% năm 2012 nhờ công ty quản lý tài sản VAMC chỉ riêng trong năm nay đã mua lại 91,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tuy các NHTM vẫn nỗ lực xử lý. Mặt khác, lợi nhuận tăng trưởng tốt chỉ ở một số ngân hàng quy mô lớn, còn quy mô nhỏ vẫn khó khăn.
Theo báo cáo hợp nhất, Ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng 10,2% trong 9 tháng đầu năm, huy động vốn khách hàng tăng 15,5%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần đạt hơn 11.000 tỷ đồng với mức tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ dịch vụ tăng 24,7% đạt gần 1.400 tỷ đồng, trong khi lãi từ ngoại hối tăng 42% đạt 1.528 tỷ đồng. Nhưng phần chi phí hoạt động của Vietcombank tăng đột biến trong quý III với gần 70% so với cùng kỳ năm 2014, ở mức 2.705 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng phần chi phí tăng gần 28% ở mức 5.952 tỷ đồng. Như vậy, riêng chi phí của quý III đã bằng gần một nửa tổng chi phí 9 tháng đầu năm.
Điều này khiến lợi nhuận trước dự phòng của Vietcombank quý III chỉ tăng 17,9%, đạt 2.868 tỷ đồng và 9 tháng tăng 21,7% đạt 9.365 tỷ đồng. Về phần dự phòng, Vietcombank tăng mạnh phần trích lập với mức tăng 24,6% ở quý III, và 9 tháng đầu năm tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế sau trích dự phòng còn 1.497 tỷ đồng trong quý III và sau thuế là 1.175 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2014. Lũy kế 9 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 4.648 tỷ đồng và sau thuế 3.635 tỷ đồng, cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với Vietinbank, điểm có tính “truyền thống” của ngân hàng này là nợ xấu luôn ở mức rất thấp. Theo báo cáo, nợ xấu của Vietinbank ở dưới mức 1%, nhưng cũng giống nhiều ngân hàng khác, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 29% trong quý III/2015 với số tuyệt đối lần lượt là 1.107 tỷ đồng trong quý III và 2.685 tỷ đồng lũy kế 9 tháng đầu năm.
Chi phí dự phòng rủi ro của Vietinbank cũng tăng mạnh 66% lên 1.284 tỷ đồng trong quý III/2015, chi phí hoạt động là 2.780 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Với việc tăng trích lập khiến tổng lợi nhuận trước thuế của Vietinbank trong quý III không đột biến, đạt 1.846 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng ghi nhận 5.725 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 4.461 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tại BIDV, theo báo cáo quý III và 3 quý đầu năm, có một sự khác biệt nhỏ so với Vietinbank, đó là tính tới ngày 30/9, nợ xấu ở mức 2,16%, tăng nhẹ so với đầu năm ở 2,03%, nhưng trích lập dự phòng lại giảm một nửa còn 499 tỷ đồng. Điểm giống với Vietcombank và Vietinbank trong báo cáo là nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, với mức tăng 72% đẩy con số tuyệt đối lên tới 5.631 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do sáp nhập thêm MHB.
Kết quả, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý III đạt 2.417 tỷ đồng, tăng 21,9% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.535 tỷ đồng, tăng 24,5% so với 3 quý đầu năm trước. Lợi nhuận sau thuế còn 4.513 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương lai sáng và câu chuyện để ngỏ
Sacombank, Techcombank, MB, ACB cũng là những đơn vị ghi nhận kết quả kinh doanh khả thi sau 3 quý hoạt động đầu năm, sau khi trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Cụ thể, ACB lãi gần 1.100 tỷ đồng trước thuế; MB lãi 2.255 tỷ đồng trước thuế; Sacombank lãi trên 2.000 tỷ đồng trước thuế và Techcombank lãi hơn 1.500 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính được các nhà băng đưa ra, kết quả kinh doanh nói trên đã hoàn thành được hơn 70-80% chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng cho cả năm 2015.
Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB tỏ ra khá lạc quan với chỉ tiêu kinh doanh năm nay và kỳ vọng vào tình hình sẽ còn cải thiện tích cực hơn trong năm tới. Theo ông Toàn, với sự hồi phục của kinh tế và ấm dần của thị trường bất động sản sẽ là cơ hội để tăng trưởng tín dụng. Trong khi, nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của ngân hàng chính là tín dụng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho hay, tính từ đầu năm 2015 đến nay, tổng nợ xấu các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. HCM đã bán cho VAMC là 21.400 tỷ đồng, so với tổng chỉ tiêu nợ xấu phải bán được giao là 22.200 tỷ đồng, hoàn thành 96,7%.
Do đó, dự phòng rủi ro của các nhà băng sẽ tăng mạnh theo các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC từ 10-20% mỗi năm. Mặt khác, theo lãnh đạo các nhà băng, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay đang dần thu hẹp cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Thời gian gần đây, các ngân hàng phải tăng nhẹ lãi suất trước áp lực tỷ giá và các kênh đầu tư khác hồi phục, trong khi lãi suất cho vay ra khó có thể tăng, ngược lại còn phải giảm để thu hút khách hàng.
Lãnh đạo Sacombank trong nhận định của mình cũng cho rằng, tình hình tăng trưởng tín dụng dần cải thiện sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận trong những tháng cuối năm và cả năm tới.
Báo cáo của Dragon Capital cũng cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh vào năm sau. Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng đã được kiểm soát về dưới mức 3% từ mức 17% năm 2012 nhờ công ty quản lý tài sản VAMC chỉ riêng trong năm nay đã mua lại 91,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tuy các NHTM vẫn nỗ lực xử lý. Mặt khác, lợi nhuận tăng trưởng tốt chỉ ở một số ngân hàng quy mô lớn, còn quy mô nhỏ vẫn khó khăn.
Tất nhiên, bên cạnh sự lạc quan, vẫn có những quan ngại nhất định với câu chuyện rất cũ mang tên “nợ xấu”, đặc biệt là những ngân hàng nhận sáp nhập các ngân hàng yếu vừa qua. Trong trường hợp của Sacombank, dù tính chung 9 tháng đầu năm, mức lợi nhuận theo báo cáo khá tốt lên tới 2.140 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,6% trên tổng dư nợ, nhưng con số này có thể không còn đẹp vào cuối năm khi nhận sáp nhập Southernbank.
Kể từ ngày 1/10, Sacombank phải “gánh” thêm khoản nợ xấu hơn 4.000 tỷ đồng từ Southernbank. Điều này sẽ khiến phần trích lập dự phòng rủi ro của Sacombank tăng lên và chính lãnh đạo ngân hàng này đã thừa nhận về khả năng giảm hiệu quả kinh doanh trong 3 năm đầu sáp nhập.
Con số lợi nhuận trước thuế được dự kiến sẽ là 1.002 tỷ đồng cho năm 2015 (sau thuế 782 tỷ đồng); 1.132 tỷ đồng cho năm 2016 (lợi nhuận sau thuế là 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế).
Một trường hợp đặc biệt khác là Eximbank, do phần trích lập dự phòng rủi ro tăng từ 84 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên mức 332 tỷ đồng trong quý III/2015 năm nay khiến tổng lợi nhuận trước thuế quý III chỉ còn 110 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2014. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Eximbank lần lượt đạt 677 tỷ đồng và 525 tỷ đồng, đều giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của CTCK HSC, khả năng lợi nhuận của Eximbank chỉ đạt khoảng 800 tỷ đồng trước thuế năm nay so với chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng này đưa ra ở mức 1.000 tỷ đồng trước thuế, do dự phòng tăng.
Theo TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, với mức chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra khoảng ở mức 3%/năm hiện nay các ngân hàng vẫn có lãi, nhưng không dễ kỳ vọng lợi nhuận ở mức cao. Trong thời gian tới, nếu thị trường bất động sản ấm lên khả năng tín dụng sẽ được cải thiện tốt hơn sẽ tác động tích cực lên kết quả hoạt động của các ngân hàng.