Nhiều ngân hàng dự báo sẽ vượt ít nhất 10-20% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều ngân hàng dự báo sẽ vượt ít nhất 10-20% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay. Ảnh: Dũng Minh

Lợi nhuận ngân hàng 2020 vượt trên dự đoán

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tuy chưa kết thúc năm tài chính 2020, nhưng nhiều ngân hàng đã sớm công bố lợi nhuận năm nay với kết quả ngoài dự báo, có ngân hàng về đích trước hạn 2 tháng.

Nhiều nhà băng dự báo vượt chỉ tiêu

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, kết thúc 10 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm.

Theo bà Diễm, những tháng cuối năm, cầu vốn tín dụng của khách hàng doanh nghiệp đã tích cực hơn. Sacombank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên mức 13,5%, giúp Ngân hàng mở rộng ưu địa cho vay, từ đó cải thiện được lợi nhuận.

Sacombank cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và nỗ lực xử lý nợ xấu theo đề án tái cấu trúc. Về mục tiêu về xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, bà Diễm cho biết, đến hết tháng 9/2020, Sacombank đã xử lý vượt con số trên và tổng dự phòng rủi ro trích lập lũy kế từ đầu năm đến nay là 3.000 tỷ đồng.

“Nỗ lực đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu đã tác động tích cực lên lợi nhuận của Sacombank. Theo đó, dự kiến lợi nhuận đạt được trong năm nay sẽ vượt 20% chỉ tiêu đề ra, tức bằng với con số đạt được của năm 2019 (3.200 tỷ đồng). Tổng tài sản tính đến cuối năm 2020 dự kiến đạt 498.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019”, bà Diễm nói.

Tại VIB, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, khó khăn của thị trường năm 2020 là khó tránh khỏi khi đại dịch xảy ra. Thế nhưng, tính đến hết tháng 10/2020, VIB đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020 đề ra.

Cụ thể, trong tháng 10/2020, dư nợ tín dụng tăng hơn 6.900 tỷ đồng, đóng góp vào tăng trưởng tín dụng lũy kế 10 tháng đầu năm đạt 19,4%, gấp 3 lần so với mức tăng trung bình ngành. Huy động tăng 4.400 tỷ đồng, đưa tỷ lệ tăng trưởng huy động lũy kế lên mức 20%, cao hơn mức tăng của dư nợ. Doanh thu thuần ngoài lãi đạt hơn 2.160 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24% tổng doanh thu.

Kết thúc 10 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận lũy kế của VIB đạt hơn 4.560 tỷ đồng, tăng 40% so cùng kỳ 2019 và vượt qua mức lợi nhuận của năm 2019 là 4.080 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tính đến 31/10/2020 đạt 1,6%, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II đạt 9,5%, cao hơn so với mức tối thiểu 8% do NHNN quy định. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 29%, thuộc nhóm cao nhất ngành.

“Với kết quả tích cực trên, VIB khả năng sẽ vượt ít nhất 10-20% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay”, ông Vũ nhấn mạnh.

Với ACB, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay, lợi nhuận trước thuế lũy kế 11 tháng qua đạt 8,723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận cả năm nay. Tính đến ngày 30/11/2020, tổng tài sản của ACB đạt 428.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ 2019. Huy động đạt 343.000 tỷ đồng, cho vay đạt 305.00 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 11,5% và 13,7%. Nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.

Đáng chú ý, ngày 18/11 vừa qua, ACB đã ký hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm với Sun Life Việt Nam trong thời hạn 15 năm. Được biết, ACB hiện đứng thứ 5 trong Top 10 nhà phân phối bancassurance Việt Nam tính đến cuối năm 2019, cho dù chưa có thỏa thuận độc quyền nào.

Theo báo cáo mới nhất phân tích về ACB ra ngày 23/11, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, mức phí trả trước theo hợp đồng lên tới 370 triệu USD (8.500 tỷ đồng), cao hơn đáng kể so với các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền thời gian gần đây, cũng như con số ước tính của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) là hơn 90 triệu USD (tương đương 2.100 tỷ đồng) hay của Công ty Chứng khoán SSI là khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng.

“Thương vụ này sẽ mang lại nguồn thu ổn định cho ACB thời gian tới”, ông Toàn nói.

Năm 2021: Lợi nhuận sẽ tích cực hơn?

Theo báo cáo tài chính của 26 ngân hàng đã công bố, tổng lợi nhuận sau 3 quý đầu năm 2020 của các ngân hàng đạt 76.273 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2019. Vietcombank tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận với 12.794 tỷ đồng lãi sau thuế, cho dù đã giảm 9,4% so với con số cùng kỳ. Trong khi đó, 3 ngân hàng xếp sau đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số về lợi nhuận, bao gồm: Techcombank tăng 20,6%; VietinBank tăng 22,4% và VPBank tăng 30,6%.

Ngoài các ngân hàng kể trên, trong Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 3 quý đầu năm còn có BIDV, HDBank và TPBank với lợi nhuận lần lượt là 7.062 tỷ đồng; 4.381 tỷ đồng và 3.024 tỷ đồng.

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư của Dragon Capital đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục sau khi kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhu cầu tín dụng nhưng tháng cuối năm cũng đã tích cực hơn so với hồi đầu năm, điều này sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng quý cuối năm.

Cũng theo ông Tuấn, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ được mở cửa hơn, đặc biệt là kỳ vọng vắc-xin Covid-19 có trong 2 quý đầu năm này, giúp đà tăng trưởng kinh tế trở nên mạnh mẽ hơn. Với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành ngân hàng được đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng chính trong năm tới. Bởi khi nền kinh tế hồi phục, sức khỏe doanh nghiệp tốt lên, thì cầu vốn tín dụng cũng tăng dần. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng trở lại sẽ tác động tích cực lên hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng.

Đánh giá vừa được Fitch Ratings đưa ra cũng cho rằng, khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng Việt Nam được cải thiện dần nhờ kinh tế phục hồi do kiểm soát tốt dịch bệnh. Đây là tín hiệu tốt cho khả năng trả nợ của người đi vay và tạo cơ sở cho khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng thời gian tới.

Fitch Ratings dự báo, trong năm 2021, thu nhập của các ngân hàng sẽ phục hồi nhờ kiểm soát chi phí cũng như hoạt động cho vay đang dần khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, đà tăng thu nhập sẽ phần nào bị hạn chế do biên lãi ròng bị thu hẹp, nhất là tại các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

“Vốn hóa của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn mỏng trước những rủi ro nhất định trong môi trường hoạt động trong nước. Dù vậy, hoạt động kinh tế phục hồi và khả năng sinh lời của các ngân hàng có thể sẽ tạo ra đủ lợi nhuận giữ lại để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, giúp ổn định tỷ lệ vốn hóa”, Fitch Ratings đánh giá.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, các ngân hàng đang đa dạng hóa nguồn thu, trong đó thu từ dịch vụ, kinh doanh ngoại hối được xem là nguồn thu quan trọng và đã tăng trong 3 quý vừa qua. Do nguồn thu từ tín dụng và một số nguồn khác tăng thấp, nên dễ nhận thấy được tỷ trọng của nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh, còn thực tế về số tuyệt đối thì tăng không quá nhiều so với mọi năm.

Viện Nghiên cứu BIDV ước tính, nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 của toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể ở mức 3% và tăng lên 4% vào cuối năm 2021. Các chuyên gia cũng cho rằng, nợ xấu vẫn sẽ là thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng trong thời gian tới do việc xử lý nợ xấu được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn trước tác động của đại dịch Covid-19. Đó là chưa kể, nợ xấu tăng sẽ khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, dẫn tới ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy vậy, theo TS. Lực, lợi nhuận ngân hàng năm 2021 sẽ vẫn tích cực.

Tin bài liên quan