Dù đạt kết quả khả quan trong quý I, song mục tiêu lợi nhuận cao cho cả năm nay sẽ là thách thức không nhỏ với các ngân hàng

Dù đạt kết quả khả quan trong quý I, song mục tiêu lợi nhuận cao cho cả năm nay sẽ là thách thức không nhỏ với các ngân hàng

Lợi nhuận ngân hàng 2017: Đầu đã xuôi, nhưng đuôi có lọt?

(ĐTCK) Tín dụng cải thiện đã tác động tích cực lên lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I vừa qua. Mặc dù vậy, trong những quý tới, việc tiếp tục đạt được mức lợi nhuận cao là không dễ dàng, khi các ngân hàng không còn được sử dụng nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung-dài hạn, đồng thời hạn chế để room tín dụng đụng trần theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Số liệu của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho thấy, trong quý I/2017, cân đối vĩ mô về cơ bản được đảm bảo, thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo. Tính đến ngày 30/3/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,52% so với đầu năm, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,03%.

Trong khi chỉ 1 tuần trước đó, tức ngày 23/3, NHNN cho biết, tín dụng mới tăng 3,14% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 1,79%), tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với dư nợ tín dụng chiếm khoảng 80%. Như vậy, có thể thấy, chuyển biến dòng vốn trong tuần cuối cùng của tháng 3/2017 là khá lớn.

Quý I: Tín dụng cải thiện, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận khả quan

Từ sự tích cực của hoạt động tín dụng, một số ngân hàng cho biết, kết quả kinh doanh trong quý đầu năm có phần “sáng” hơn so với cùng kỳ năm trước.

Chẳng hạn, tại ACB, kết thúc quý 1/2017, Ngân hàng đạt 595 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 52% so với cùng kỳ 2016. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, thời gian qua, ACB đã tích cực trích lập dự phòng theo quy định, song vẫn đảm bảo khả năng sinh lời. Năm qua, ACB thu nợ được 3.000 tỷ đồng và trích lập dự phòng 1.115 tỷ đồng, đến nay nợ xấu sau trích lập là 1.500 tỷ đồng.

Năm nay, ACB đặt tiêu tổng tài sản tăng 16%; tín dụng tăng trưởng đạt mức mà NHNN phân bổ là 16%; vốn huy động từ tiền gửi khách hàng tăng 16%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận trước thuế 2.205 tỷ đồng.

Với OCB, năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng tăng trưởng 10%, đạt 484 tỷ đồng. OCB đã nỗ lực xử lý các tồn đọng liên quan đến nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2016 về còn 1,51%. Năm 2017, mục tiêu lợi nhuận trước thuế của OCB là 780 tỷ đồng, tăng 60% so với 2016.

Dù chưa công bố cụ thể, song ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, lợi nhuận quý đầu năm của OCB cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Theo ông Tuấn, lợi nhuận tốt là một trong các chỉ tiêu để đánh giá một ngân hàng tốt, nhưng lợi nhuận có tăng trưởng hay không đòi hỏi ngân hàng phải có sự tăng trưởng bền vững, chất lượng quản trị tốt.

NHNN chủ động áp room tín dụng sớm dựa trên tình hình lạm phát, cũng như việc kiểm soát tín dụng vào một số lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, để hạn chế rủi ro

Là một trong những ngân hàng quy mô còn khiêm tốn, song việc nền kinh tế hồi phục đã tác động tích cực lên hoạt động của Kienlongbank. Kết thúc quý I vừa qua, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt trên 72 tỷ đồng.

Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank cho rằng, với quy mô hoạt động hiện tại cùng những kinh nghiệm và nền tảng phát triển mới, các mục tiêu kinh doanh cho năm 2017 có thể được hoàn thành và từ năm 2018 trở đi, lợi nhuận dự kiến hàng năm của Kienlongbank sẽ không thấp hơn 300 tỷ đồng/năm.

Được biết, năm 2017, Kienlongbank dự kiến đạt tổng tài sản 36.500 tỷ đồng, tổng vốn huy động 32.500 tỷ đồng, dư nợ cho vay 24.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, tức bình quân 62,5 tỷ đồng/quý. Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt 151,63 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,13% xuống 1,06%.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng nhận định, diễn biến thị trường năm 2017 không còn quá khó khăn so với những năm trước, song cũng không thể nói là “toàn màu hồng”. Tuy nhiên, với tăng trưởng tín dụng mục tiêu mà ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay là 18%, đây là mức hợp lý để các ngân hàng có room tăng trưởng trong hoạt động cho vay, tạo nguồn thu và đóng góp tích cực hơn cho lợi nhuận.

Mục tiêu lợi nhuận cao trong cả năm 2017: Còn nhiều thách thức

Với việc lợi nhuận quý đầu năm có tín hiệu tích cực, nhiều lãnh đạo nhà băng kỳ vọng, kết quả kinh doanh trong 3 quý còn lại của năm sẽ tiếp tục được cải thiện. Bởi đây cũng là thời điểm nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao hơn so với quý I.

Tại VPBank, trong năm nay, Ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 38% so với thực hiện 2016; tổng tài sản nâng lên mức 280.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của VPBank cũng tăng mạnh 59% so với kết quả 2015, đạt 4.929 tỷ đồng và vượt 54% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về dư nợ, huy động và tổng tài sản chưa đạt kế hoạch.

LienVietPostBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 2017 đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 11% so với con số thực hiện năm 2016. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2017 dự kiến đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 27%; dư nợ thị trường 1 ước đạt 111.500 tỷ đồng, tăng 37%. Được biết, NHNN đã chấp thuận cho LienVietPostBank nâng mức tăng trưởng tín dụng 2017 lên tối đa 16% (95.317 tỷ đồng).

Tuy nhiên, với mục tiêu tăng vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nhà băng này dự kiến tăng trưởng vượt mức và sẽ xin phép NHNN điều chỉnh room tín dụng. Ngoài ra, LienVietPostBank cũng đặt mục tiêu doanh số bán lẻ năm 2017 sẽ tăng thêm khoảng 60% so với 2016.

Với Techcombank, trong năm 2017, Ngân hàng dự kiến lãi hơn 5.000 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên gần 14.000 tỷ đồng. Kết thúc năm 2016, tổng tài sản đạt 235.363 tỷ đồng, tăng 22,6% so với năm 2015 và đạt 106% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 3.997 tỷ đồng, tăng 96,2% so với năm 2015 và đạt 113% kế hoạch đề ra.

Năm nay được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện về khuôn khổ pháp lý, nhằm tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu tại một số ngân hàng yếu kém, từ đó hỗ trợ mục tiêu ổn định lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Các ngân hàng đã tích cực hơn trong hoạt động cho vay ngay quý đầu năm, thay vì chờ đợi các quý tiếp theo. Một khảo sát cho thấy, có tới 89,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận 2017 của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016, với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống đạt 13,4%, cao hơn so với mức tăng bình quân ước tính của năm 2016.

Tuy nhiên, một lãnh đạo ngân hàng cho biết, NHNN không muốn sử dụng hết room tín dụng 18% của năm nay, mà kỳ vọng rằng, làm sao để hoàn thành mức tăng trưởng GDP 6,7% đặt ra cho năm nay. Nếu đẩy tín dụng lên kịch trần mà không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát rủi ro, thì cũng không hẳn là bài toán hay, bởi khi tín dụng tăng trưởng cao mà không kiểm soát được chất lượng, vấn đề nợ xấu cao có thể sẽ trở lại…

Nhìn vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng năm 2017 có thể thấy, hạn mức tăng trưởng tín dụng mà các ngân hàng nhận được đều thấp hơn 18% (trừ những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ), phổ biến từ 14-15%, khác với năm trước lên kịch trần 18% ngay từ đầu năm và nếu sử dụng hết room, có thể trình NHNN xem xét xin nới thêm.

“NHNN chủ động áp room tín dụng sớm dựa trên tình hình lạm phát, cũng như việc kiểm soát tín dụng vào một số lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, để hạn chế rủi ro”, vị lãnh đạo trên nói.

TS.Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính-ngân hàng, Trường Đại học Mở TP.HCM cho rằng, áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng của các ngân hàng năm nay vẫn còn lớn. Do đó, dù lợi nhuận đạt được năm qua đã thực chất hơn, song với mục tiêu đưa ra ở mức cao trong năm nay sẽ là thách thức không nhỏ.       

Tin bài liên quan