Lợi nhuận ngân hàng 2013: những con số biết nói

Lợi nhuận ngân hàng 2013: những con số biết nói

(ĐTCK) Một năm đi qua, rất ít ngân hàng đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, kể cả với những nhà băng có thế mạnh trong tài trợ vốn. Kế hoạch xây dựng cho năm 2014 cũng khá thận trọng.

Tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. HCM cho biết, dù đã nỗ lực nhiều trong việc khơi thông dòng vốn, song tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đến cuối năm chỉ đạt xấp xỉ 7 - 8%, vì vậy, lợi nhuận chỉ ước đạt phân nửa kế hoạch.

Kế hoạch lợi nhuận của nhà băng này đưa ra cho năm 2013 chỉ trên 400 tỷ đồng so với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Do đó, khi hỏi đến chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014, vị tổng giám đốc ngân hàng trên cho rằng, khó có thể kỳ vọng được mức cao hơn năm 2013, bởi tình hình cho vay trong năm nay sẽ còn nhiều khó khăn khi sức khỏe doanh nghiệp chưa hồi phục; nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh với Ngân hàng trong quá trình chọn lọc cho vay.

Tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ, cho hay, trong lúc thị trường khó khăn, ngân hàng phải chia sẻ cùng doanh nghiệp thì khó có thể kỳ vọng nhiều về lợi nhuận. Đáng chú ý là khi chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động đang dần thu hẹp, còn 1 - 1,5%/năm, thì lợi nhuận từ tín dụng sẽ khó đạt mức cao. Trong khi đó, lợi nhuận của ngân hàng hiện vẫn được đóng góp phần lớn từ hoạt động tín dụng. Vì thế, con số lợi nhuận NamA Bank ước đạt trong năm qua cũng chỉ bằng khoảng phân nửa chỉ tiêu Ngân hàng đưa ra ban đầu, dù tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu. Năm 2013, NamA Bank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 400 tỷ đồng.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT KienLong Bank, cho biết, trong năm qua, Ngân hàng ước đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với chỉ tiêu 493 tỷ đồng. Sở dĩ KienLong Bank đạt lợi nhuận gần với chỉ tiêu đưa ra là do nợ xấu của Ngân hàng được kiểm soát dưới 2,3%, nên trích lập dự phòng không lớn. Tuy nhiên, nếu so với mức vốn điều lệ của KienLong Bank ở mức 3.000 tỷ đồng thì lợi nhuận chỉ đạt được ở mức trên được xem là khiêm tốn.

Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho hay, Ngân hàng không hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng cho năm 2013 và HĐQT DongA Bank đã phần nào thấy trước điều đó. 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của DongA Bank chỉ đạt một nửa kế hoạch 1.000 tỷ đồng của năm 2013. Tuy nhiên, theo ông Bình, lợi nhuận thấp không có gì đáng ngạc nhiên khi tín dụng khó tăng trưởng. Tính đến cuối năm qua, tăng trưởng dư nợ của DongA Bank chỉ xấp xỉ 3%, bằng 1/4 chỉ tiêu 12%.

Nói về tình hình hoạt động của ngành ngân hàng năm nay, ông Bình cho biết, sẽ chưa hết khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội để tăng trưởng. Nhưng với DongA Bank, yếu tố được quan tâm nhất vẫn là chất lượng tín dụng, kiên quyết xử lý, giảm nợ xấu.

Mặc dù là một trong những ngân hàng hiếm hoi đạt chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng cho 2013, ở mức 2.800 tỷ đồng, nhưng người đứng đầu Sacombank, ông Phạm Hữu Phú cho biết, kế hoạch kinh doanh năm nay của Ngân hàng cũng được tính toán kỹ và hết sức thận trọng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Sacombank đưa ra cho năm 2014 chỉ cao hơn 200 tỷ đồng so với mức đạt được của năm rồi.

Hiện các ngân hàng cũng chưa tiết lộ nhiều về chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2014 và chờ kỳ họp ĐHCĐ vào tháng 4 tới mới công bố cụ thể. Tuy nhiên, theo nhận định của các lãnh đạo ngân hàng, tình hình hoạt động của năm 2014 vẫn chưa thực sự sáng sủa đối với ngành ngân hàng. Đáng chú ý là với các quy định khắt khe về phân loại nợ và trích dự phòng theo chuẩn mực quốc tế dự kiến sẽ được áp dụng vào tháng 6/2014 tới đây thì khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao.

Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng cho biết, những quy định của Thông tư 02 sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng teo tóp, vì phải trích dự phòng rủi ro cao. Năm qua, Eximbank cũng chỉ ước đạt 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 50% kế hoạch.

Chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, nợ xấu tăng đòi hỏi  phải trích dự phòng đầy đủ, khả năng nhiều ngân hàng sẽ không còn lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông trong năm 2013. Nhưng điều đó, theo Thống đốc Bình là cần thiết, các cổ đông cũng phải đặt sự an toàn lên hàng đầu trước khi nghĩ đến việc chia lợi nhuận.  

Tin bài liên quan