Lợi nhuận năm 2017 ước tăng 70%
Theo quy định, các công ty chứng khoán (CTCK) có thời gian hết quý I/2018 để hoàn tất công bố báo cáo tài chính có kiểm toán năm 2017, nên để nắm bắt kết quả kinh doanh chính thức, nhà đầu tư còn phải đợi thêm. Tuy nhiên, kết quả giám sát hoạt động của các CTCK mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, sức khỏe của khối công ty này mạnh lên trông thấy nhờ TTCK có diễn biến tích cực.
Cụ thể, tổng tài sản của khối CTCK tăng 27% so với cuối năm 2016 (năm 2016 tăng 9,2%). Dẫu vậy, đặt trong tổng thể hệ thống các định chế tài chính Việt Nam thì quy mô tài sản của khối CTCK còn rất nhỏ. Đến cuối năm 2017, tổng tài sản của các định chế tài chính Việt Nam ước tương đương 200% GDP, tăng 17,3% so với cuối năm 2016. Trong đó, tỷ trọng tài sản của các tổ chức tín dụng chiếm 95,9%, các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 3%, các CTCK và công ty quản lý quỹ chiếm 1,1%.
Thời điểm cuối năm 2017, quy mô vốn chủ sở hữu của khối CTCK tăng 16,9% so với cuối năm 2016 (năm 2016 tăng 0,8%). Cơ cấu tài sản của các công ty này thể hiện tính an toàn với tài sản ngắn hạn chiếm tỷ tới 93,1% trong tổng tài sản, tỷ trọng các khoản đầu tư tài chính rủi ro vào cổ phiếu chưa niêm yết và trái phiếu doanh nghiệp giảm.
Chất lượng tài sản của hệ thống CTCK tiếp tục được cải thiện nhờ TTCK khởi sắc đã tạo điều kiện cho các CTCK thu hồi các khoản cho vay khó đòi, hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính. Cơ cấu danh mục đầu tư tài chính của các CTCK an toàn với tỷ trọng tiền gửi đạt 46,7% (năm 2016 là 41,1%), tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết và trái phiếu doanh nghiệp đạt 26,8% (năm 2016 là 28,9% ). Tỷ lệ vốn khả dụng bình quân hệ thống CTCK theo báo cáo của các công ty đạt 399,5%, cao hơn nhiều mức chuẩn an toàn 180%.
Kết thúc năm 2017, dư nợ cho vay ký quỹ của hệ thống CTCK tăng 41% so với cuối năm 2016. Theo “chấm điểm” của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các khoản cho vay ký quỹ tương đối an toàn do phần lớn cổ phiếu ký quỹ là cổ phiếu blue-chips có kết quả kinh doanh tốt. Lợi nhuận của hệ thống CTCK trong năm 2017 ước tăng 70% so với năm 2016 (năm 2016 giảm 1%) do doanh thu từ môi giới chứng khoán, cho vay ký quỹ tăng...
CTCK nhỏ vẫn khó khăn
Sức khỏe của khối CTCK tốt lên, nhưng không chia đều cho các công ty, bởi các công ty lớn đang ngày một tỏ ra vượt trội trong việc củng cố năng lực quản trị, tài chính, nhất là khả năng kiếm tiền trước các CTCK nhỏ. Điều này càng thể hiện rõ nét hơn khi năm 2017 xuất hiện môi trường cạnh tranh mới. Đó là TTCK phái sinh được đưa vào hoạt động, giá trị giao dịch liên tục tăng.
Bình quân khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trong tháng 12/2017 vừa qua đạt 15.700 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 1.700 tỷ đồng/phiên, mang lại mức phí giao dịch không nhỏ cho các CTCK được cấp phép tham gia thị trường phái sinh, hiện tại gồm có HSC, SSI, BSC, VNDS, MBS, VCSC, VPBS.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong quý I/2018 sẽ triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo và tháng 8 - 9/2018 triển khai Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Như vậy, dư địa kiếm tiền đang rộng mở hơn cho các CTCK lớn có lợi thế về chất lượng nguồn nhân lực, năng lực tài chính, đa dạng hóa trong cung cấp sản phẩm và dịch vụ mới…
Ngoài ra, trong năm 2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán sẽ nghiên cứu nghiệp vụ giao dịch chứng khoán trong ngày (T+0) và bán chứng khoán chờ về. Kinh nghiệm quốc tế cũng như định hướng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, để triển khai các sản phẩm này đòi hỏi các CTCK phải có sức khỏe tài và năng lực quản trị tốt, trong khi đây là những điểm yếu của phần nhiều trong tổng số gần 80 CTCK đang hoạt động.
Với những bước chuyển động mới trên, cuộc cạnh tranh trong khối CTCK năm 2018 sẽ “nóng” hơn. Các công ty lớn sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn để củng cố và gia tăng vị thế hàng đầu của mình, còn các CTCK quy mô nhỏ sẽ phải nỗ lực tìm cách tồn tại nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm qua, hoạt động tái cấu trúc các công ty chứng khoán tiếp tục được thúc đẩy theo lộ trình. Nhờ đó, hết năm 2017 đã giảm được khoảng 25% tổng số công ty chứng khoán, số công ty đang hoạt động bình thường là 79.