Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 13% so với cùng kỳ

(ĐTCK) Theo thống kê sơ bộ của CTCK MB (MBS), lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2014 của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành dầu khí, thủy sản… đạt tốc độ tăng trưởng khá cao so với bình quân các ngành.
Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 13% so với cùng kỳ

Dầu khí

Doanh nghiệp trong ngành dầu khí đang nỗ lực tái cơ cấu lĩnh vực tài chính theo hướng lành mạnh và hiệu quả. Kết quả kinh doanh khả quan 9 tháng đầu năm cho thấy, nhiều Công ty đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, thậm chí một số đã vượt kế hoạch cả năm. Chẳng hạn, tại Tổng CTCP Kỹ thuật dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS), 9 tháng đầu năm 2014, PVS đạt doanh thu 21.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.400 tỷ đồng, hoàn thành 127,3% kế hoạch năm. Trao đổi với ĐTCK, ông Phan Thanh Tùng, Tổng giám đốc PVS cho biết, 9 tháng đầu năm 2014, Công ty đã duy trì và thực hiện tốt các hợp đồng cung ứng tàu chuyên dụng, dịch vụ FSO/FPSO, dịch vụ cơ khí dầu khí, dịch vụ căn cứ cảng, dịch vụ khảo sát địa chấn địa chất công trình và khảo sát sửa chữa công trình ngầm cho các công ty và nhà thầu dầu khí.

9 tháng đầu năm, Tổng CTCP Khoan và kỹ thuật khoan dầu khí (PVD) đạt trên 15.000 tỷ đồng doanh thu và khoảng 1.900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 36% so với cùng kỳ và vượt 16% kế hoạch năm. Một số doanh nghiệp suýt soát hoàn thành kế hoạch cả năm như Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET), đạt doanh thu thuần 8.565 tỷ đồng và 175 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, các chỉ số đều tăng so với cùng kỳ năm 2013 và đã hoàn thành 97% kế hoạch lợi nhuận cả năm. CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PGS) đạt doanh thu 4.216 tỷ đồng và lợi nhuận 129,79 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,35% và 14,07% so với cùng kỳ năm ngoái… 

Thủy sản

Đối với doanh nghiệp ngành thủy sản, sản lượng nuôi trồng, khai thác đều tăng trong 9 tháng đầu năm. Thông tin Nga công bố dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra từ Việt Nam (hiện có khoảng 40% giá trị hàng thủy sản xuất sang Nga) cùng với mức thuế giá trị gia tăng mặt hàng thức ăn chăn nuôi từ 5% về 0%... đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp và thực tế thể hiện ở những con số lợi nhuận đạt được quý III và 9 tháng.

Quý III/2014, CTCP Thủy sản An Giang (AGF) đạt lợi nhuận 23,5 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2013. Luỹ kế 9 tháng, AGF đạt lợi nhuận trước thuế 93 tỷ đồng, bằng 77% kế hoạch cả năm. AGF cho biết, lợi nhuận quý III tăng mạnh do trong kỳ, Công ty thu hoạch cá tự nuôi đưa vào chế biến với giá thành bình quân thấp hơn giá cá nguyên liệu trên thị trường cùng thời điểm 2013.

Năm 2014 được xem là một năm thắng lợi của ngành thủy sản, trong đó chủ yếu dựa vào mặt hàng tôm. Các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, EU đều khá khả quan.

CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC) đạt lợi nhuận trên 300 tỷ đồng trong quý III, lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt trên 800 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với kế hoạch cả năm. Không chỉ thu được những kết quả khả quan từ kim ngạch xuất khẩu, hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều thuận lợi. Bằng chứng là, sản lượng khai thác, nuôi trồng đều tăng so với cùng kỳ năm trước với các mức tăng tương ứng là 5,3% và 3,3%.

Ghi nhận mức tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ là CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) khi doanh nghiệp này đạt 51 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng, vượt 28% kế hoạch năm. Trong đó, riêng quý III/2014, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 16,43 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ. 

Bất động sản

Đối với lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ như VIC, DXG, HAG, KBC, KDH, BCI… Đây là những doanh nghiệp có lợi nhuận khả quan trong quý III.

Chưa công bố về con số cụ thể, nhưng VIC được dự báo sẽ dẫn đầu về lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2014 đối với các doanh nghiệp bất động sản. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã đạt tốc độ tăng trưởng gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ như CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG). HAG ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trong quý III/2014 là 972 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2014 đạt 1.653 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt 13% kế hoạch năm. Dù không phải là con số quá lớn nhưng so với cùng kỳ, CTCP Xây dựng số 2 -Vinaconex 2 (VC2) đã đạt 19,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 200% so với cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định với lãi suất cho vay giảm, thị trường bất động sản khởi sắc là những yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp trong ngành bất động sản đạt hiệu quả kinh doanh khá lạc quan trong 9 tháng đầu năm.

Tin bài liên quan