Giá dầu tăng khiến giá nhiều sản phẩm, dịch vụ liên quan tăng theo.

Giá dầu tăng khiến giá nhiều sản phẩm, dịch vụ liên quan tăng theo.

Lợi nhuận doanh nghiệp dầu khí: Kẻ cười người mếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu đi lên nhưng không phải doanh nghiệp dầu khí nào cũng lãi lớn. Một số doanh nghiệp khiến nhà đầu tư té ngửa khi thời gian vừa qua, giá cổ phiếu tăng mạnh theo giá dầu mà kết quả kinh doanh bi bét.

Giá xăng dầu tăng cao

Các dữ liệu tổng hợp cho thấy, giá dầu thô Dated Brent (dầu thô Biển Bắc nhẹ giao ngay) đạt trung bình 65,63 USD/thùng trong tháng 3/2021, tăng gần 5 USD/thùng, tương đương tăng 6% so với tháng 2. Trước đó, giá dầu tháng 2 tăng 13,5% so với tháng 1.

Lũy kế 3 tháng đầu năm, giá dầu tăng gần 50%. So với tháng 3 năm ngoái, giá dầu tăng 33,8 USD/thùng, tương đương tăng 106%.

Giá dầu tăng khiến giá nhiều sản phẩm, dịch vụ liên quan tăng theo. Với nhóm hàng vận tải, chỉ số thuê tàu hàng rời Baltic Dry Index (BDI) trung bình 2 tuần đầu tháng 3/2021 ở mức 1.822 điểm, tăng 47% so với bình quân tháng 12/2020. Giá cước vận tải trên thị trường tàu chuyến hoặc cho thuê định hạn đều phục hồi mạnh ở tất cả các phân khúc tàu.

Thị trường vận chuyển khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trong quý I/2021 sụt giảm đáng kể do nhu cầu tiêu thụ giảm và điều kiện thời tiết bất lợi. Cước vận tải dầu thô có chuyển biến tích cực từ cuối tháng 2/2021, nhưng đà phục hồi chưa rõ nét.

Với nhóm hàng xăng dầu, giá các mặt hàng tháng 3/2021 tăng từ 6 - 9% so với trung bình tháng 2/2021. Trung bình quý I/2021, giá các loại sản phẩm xăng dầu tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá xăng dầu tại Việt Nam tăng chủ yếu là do giá dầu trên thế giới liên tục tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục rõ nét hơn.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong quý I/2021 gặp khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 thứ ba bùng phát trong cộng đồng, với diễn biến phức tạp, làm giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt đối với mặt hàng Jet A1.

Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục xây dựng mới nhiều nhà máy lọc dầu hiện đại, quy mô lớn, dự kiến trong năm 2021 sẽ đưa vào vận hành thêm 4 tổ hợp hóa dầu công suất 1,2 triệu thùng/ngày.

Nhiều khả năng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày (60 triệu tấn/năm) vì khó có thể cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc.

Ngành công nghiệp tinh chế Trung Quốc được dự báo sẽ sớm chiếm lĩnh thị trường sản phẩm dầu mỏ khu vực, vươn lên vị trí số 1 thế giới cả về công suất lắp đặt (vượt Mỹ), lẫn sản lượng lọc dầu.

Với nhóm hàng phân bón, giá các mặt hàng nông sản chính tăng đe dọa đến an ninh lương thực ở nhiều quốc gia, kéo theo nhu cầu về lương thực tăng, hỗ trợ giá nhiều mặt hàng, trong đó có giá gạo xuất khẩu.

Xu hướng tăng giá cước vận chuyển đường biển trên thế giới trong các quý gần đây cộng với đà phục hồi của giá dầu thế giới được nhận định sẽ kéo theo giá cước vận chuyển hàng hóa nói chung và ngành phân bón nói riêng tăng 10 - 15, ảnh hưởng đến giá bán tại thị trường nội địa, nhưng thời tiết năm nay thuận lợi hơn cho ngành nông nghiệp nên nhu cầu tiêu thụ phân bón được cải thiện.

Quý II là thời điểm bước sang vụ Hè Thu nên kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng cao. Dù vậy, Quốc hội chưa thông qua phương án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng về phân bón ban hành ngày 26/11/2014, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế với mức thuế 5%, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của khối sản xuất - kinh doanh phân bón.

Lợi nhuận quý I/2021 phân hóa mạnh

Ước tính lợi nhuận trong quý đầu năm 2021 của các doanh nghiệp dầu khí lớn niêm yết trên 2 sàn cho thấy tình trạng phân hóa mạnh.

Ước tính, lợi nhuận quý I/2021 của BSR, DCM, PVT, POW, DPM tăng mạnh, trong khi lợi nhuận của PVC sụt giảm, còn PVD thua lỗ…

Cụ thể, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ước đạt doanh thu hợp nhất 21.209 tỷ đồng trong quý I/2021, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.779 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 2.348 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) ước đạt doanh thu hợp nhất 1.911 tỷ đồng trong quý I/2021, tăng 38%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 198,9 tỷ đồng, tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) ước đạt 1.750 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2021, tăng 9%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 210 tỷ đồng, tăng 75%; lợi nhuận sau thuế 165 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm 2021, cả 9/9 đơn vị thành viên của PVT đều có lãi.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (POW) ước đạt doanh thu hợp nhất 7.783 tỷ đồng trong quý I/2021, giảm 4%, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 778 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM) ước đạt doanh thu 1.946 tỷ đồng trong quý I/2021, tăng 12%; lợi nhuận hợp nhất 141 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) ước đạt 595 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2021, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2020 và lỗ hợp nhất 107 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng 16 tỷ đồng.

Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVC) ước đạt doanh thu hợp nhất 332 tỷ đồng trong quý I/2021, giảm 17%; lợi nhuận sau thuế 1,3 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) ước đạt doanh thu hợp nhất 17.845 tỷ đồng trong quý I/2021, tăng 2%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2.234 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thận trọng với các dự báo

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nâng giả định giá dầu trung bình năm 2021 lên 60 USD/thùng, tăng 13,2% so với giả định trước đó (53 USD/thùng).

Công ty này kỳ vọng, nhu cầu dầu sẽ phục hồi nhanh hơn trong nửa cuối năm 2021 và gần đạt mức trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện là xấp xỉ 100 triệu thùng/ngày (dựa trên dự báo của EIA) nhờ vào việc triển khai vắc-xin trên toàn cầu và gói kích thích kinh tế của Mỹ.

Trong khi đó, các tín hiệu từ phía nguồn cung cho thấy, OPEC+ đang tập trung vào việc tái cân bằng thị trường dầu mỏ cũng như nỗ lực để hỗ trợ cho sự phục hồi lành mạnh của giá dầu.

VNDIRECT cũng kỳ vọng, giá dầu FO Singapore sẽ biến động cùng chiều với giá dầu Brent, đạt mức trung bình 340 - 350 USD/tấn trong năm 2021.

Giá dầu cao hơn sẽ tác động lớn đến các cổ phiếu dầu khí, bởi đà tăng của giá dầu có khả năng thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam, mang lại cơ hội việc làm tiềm năng cho các công ty phía thượng nguồn như PVD, PVS.

Bên cạnh đó, một số công ty trung nguồn có thể hưởng lợi từ giá dầu cao hơn như GAS, vì giá bán sản phẩm của doanh nghiệp được tính theo giá dầu thế giới.

Ngược lại, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp hạ nguồn (nhà máy điện, đạm) có thể bị thu hẹp do áp lực tăng giá dầu.

Kết quả kinh doanh sơ bộ quý I/2021 của các doanh nghiệp dầu khí cho thấy, nhận định của VNDIRECT không hẳn chính xác. PVD không lãi, thậm chí còn lỗ nặng, còn lợi nhuận của một số doanh nghiệp hạ nguồn vẫn khả quan.

Tin bài liên quan