Lợi nhuận công ty quản lý quỹ: “Nước chảy chỗ trũng”

Lợi nhuận công ty quản lý quỹ: “Nước chảy chỗ trũng”

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh quý II/2016 của các quỹ đầu tư, cũng như các công ty quản lý quỹ cho thấy, các “ông lớn” thể hiện sự lấn lướt về khả năng kiếm tiền.

Quỹ cổ phiếu kiếm tiền tốt hơn quỹ trái phiếu

Thị trường chứng khoán trong quý II/2016 diễn biến khá thuận lợi đã giúp một số quỹ đầu tư thoát lỗ, hoặc kiếm tiền tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cơ hội không chia đều cho các quỹ. Những quỹ do các “ông lớn” quản lý chứng tỏ khả năng kiếm tiền tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái cũng như so với các quỹ được quản lý bởi  công ty quản lý quỹ nhỏ hơn.

Trong số các quỹ đã công bố báo cáo tài chính quý II/2016, Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam do CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất khi đạt 85,5 tỷ đồng doanh thu, 81,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Các quỹ ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao tiếp theo là Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, cũng do VFM quản lý; Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF do Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank, Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI do Công ty Quản lý quỹ SSI quản lý...

Lợi nhuận công ty quản lý quỹ: “Nước chảy chỗ trũng” ảnh 1

Điểm đáng chú ý là trong khi các quỹ đầu tư vào cổ phiếu thể hiện khả năng kiếm lời tốt, thì ngược lại, các quỹ đầu tư vào trái phiếu chỉ ghi nhận khoản lãi… bèo. Sự chênh lệch này thể hiện rõ nét ngay trong các quỹ do một công ty quản lý, chứ chưa nói đến các quỹ có cùng đối tượng đầu tư do các công ty khác nhau quản lý.

Chẳng hạn như Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam do VFM quản lý ghi nhận 81,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2016, Quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ đồng lợi nhuận. Hay như Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth, do CTCP Quản lý quỹ VinaWealth, trong quý II/2016 đạt 7,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thì Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth chỉ ghi nhận 4,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế… 

Các công ty phân hóa thêm mạnh

Kết quả kinh doanh quý II/2016 của các công ty quản lý quỹ còn cho thấy, tuy hiệu quả  kiếm tiền của các quỹ khá tốt, nhưng kết quả kinh doanh của các công ty quản lý quỹ lại không mấy nổi bật. Trong số các công ty đã công bố báo cáo tài chính quý II/2016 đến thời điểm này, thì CTCP Quản lý quỹ đầu tư MB ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất, nhưng cũng chỉ đạt 14 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tiếp đến là Công ty Quản lý quỹ SSI đạt 12,3 tỷ đồng lợi nhuận; Công ty Quản lý quỹ Vietinbank ghi nhận 12,1 tỷ đồng lợi nhuận…

Lợi nhuận công ty quản lý quỹ: “Nước chảy chỗ trũng” ảnh 2 

Đáng chú ý, trong quý II/2016, ngay cả các công ty đầu ngành quỹ vẫn chưa thoát lỗ. Tuy Quỹ Đầu tư năng động Eastspring Investments đạt kết quả hoạt động khá tốt trong quý II/2016 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không giúp cho đơn vị quản lý quỹ này là Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investments thoát lỗ. Cụ thể, Eastspring Investments đạt 15,5 tỷ đồng doanh thu; lỗ 2,2 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức lỗ 8,7 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Sự phân hóa về hiệu quả kinh doanh trong khối công ty quản lý quỹ cũng mạnh hơn. Trong khi các công ty quy mô lớn, với khả năng cung cấp sản phẩm quỹ đầu tư đa dạng, triển vọng trong thu hút thêm vốn để lập quỹ mới, dày dạn kinh nghiệm trong hoạt động…, đang chứng tỏ sự lấn lướt trong hiệu quả kiếm tiền, thì ngược lại, các công ty quy mô nhỏ, hiện chưa gọi được vốn để lập được quỹ đầu tư, tiềm lực tài chính yếu đang tỏ ra đuối sức trong cuộc đua kiếm tiền.

Thậm chí, có những công ty không kiếm nổi một đồng doanh thu từ cung cấp sản phẩm, dịch vụ, mà chỉ ghi nhận khoản doanh thu ít ỏi từ hoạt động tài chính như: CTCP Quản lý quỹ Việt Tín, CTCP Quản lý quỹ AIC… Cả hai công ty này thể hiện sự kém hiệu quả trong kinh doanh, khi đều thua lỗ trong quý II/2016.

Diễn biến trên cho thấy, các công ty quản lý quỹ nhỏ đang ngày càng chịu sức ép lớn trong duy trì sự tồn tại. Trong định hướng tái cấu trúc khối công ty quản lý quỹ, mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang thúc đẩy thì tới đây sẽ tiếp tục thanh lọc các công ty ốm yếu, năng lực tài chính hạn chế và không được cải thiện.

Thực tế, thời gian qua đã có những cái tên công ty quản lý quỹ biến mất khỏi thị trường hoặc là do bị nhà quản lý xóa sổ hoạt động, hoặc bị công ty quản lý quỹ khác mua lại. Xem ra xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan