Lợi nhuận công ty mẹ đạt hơn 900 tỷ đồng, Vietjet (VJC) đi đầu mở mạng bay quốc tế, thúc đẩy du lịch, đầu tư

Lợi nhuận công ty mẹ đạt hơn 900 tỷ đồng, Vietjet (VJC) đi đầu mở mạng bay quốc tế, thúc đẩy du lịch, đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong năm 2022, Vietjet (mã chứng khoán VJC) vận chuyển 20,5 triệu lượt khách trên 116 ngàn chuyến bay, vận tải hành khách nội địa tăng trưởng 20% so với 2019 dẫn dắt sự phục hồi.

Số lượt khách nội địa trong quý IV/2022 tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn giai đoạn trước dịch Covid-19, trong đó hành khách nội địa tăng 24%.

Đáp ứng chiến lược mở rộng và phát triển mạng đường bay quốc tế tầm trung, Vietjet đã phát triển đội tàu bay thân rộng với 3 tàu Airbus A330. Vietjet đã mở hơn 20 đường bay mới trong năm 2022, trong đó tập trung chủ yếu vào thị trường Ấn Độ, kết nối các trung tâm kinh tế - du lịch gồm New Delhi, Mumbai, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tính đến ngày 31/12/2022, Vietjet khai thác tổng cộng 103 đường bay.

Với mục tiêu phủ kín các châu lục và mang lại cơ hội bay cho hàng triệu người dân, Vietjet không ngừng nỗ lực trong việc mở rộng và phát triển các đường bay quốc tế, điển hình là Astana, Almaty (Kazakhstan), Melbourne, Sydney (Úc), qua đó tiếp tục phát huy vai trò dẫn đầu thúc đẩy kinh tế - thương mại – du lịch giữa Việt Nam và các quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam, đưa du khách trong và ngoài nước đến các địa phương, đóng góp cho ngân sách, hoạt động hỗ trợ cộng đồng.

Kết quả năm 2022 cho thấy ngành hàng không phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19. Theo đó, quý IV/2022, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 7.352 tỷ đồng (Công ty mẹ), tăng 175% so với quý IV/2021, lợi nhuận đạt 902 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu Công ty mẹ đạt 32.506 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ đạt 215 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vietjet đã ghi nhận nộp ngân sách thuế, phí và lệ phí trực tiếp và gián tiếp trong năm là 4.349 tỷ đồng.

Trong năm 2022, tăng cường nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, Vietjet tiếp tục ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 39.342 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất - 2.171 tỷ đồng do Vietjet đã chuyển lợi nhuận trên 3.559 tỷ đồng về Công ty mẹ để tăng cường đầu tư tài sản mua mới 1 tàu bay A321 NEO từ Airbus và 2 tàu bay A321 từ các đối tác cho thuê tàu bay (Lessor) và 3 động cơ.

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản Vietjet đạt hơn 67.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2021 đến từ việc tài sản dài hạn ghi nhận tăng trên 200 triệu USD, với chỉ số nợ vay dài hạn/vốn chủ sở hữu 0,7 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần, nằm ở mức tốt trong ngành hàng không. Tại thời điểm 31/12/2022, số dư tiền và các khoản tương đương tiền duy trì ở mức 1.800 tỷ đồng, đáp ứng tốt nhu cầu thanh khoản cho hoạt động kinh doanh.

Trong năm 2023, Vietjet tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao về doanh thu nhờ vào việc mở cửa của thị trường Trung Quốc và đẩy mạnh khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... Do vậy, Chính phủ xem xét tháo gỡ giá trần và cho phép phụ thu xăng dầu là rất cấp thiết nhằm giúp tăng cường nội lực và cạnh tranh cho các hãng hàng không nội địa trong bối cảnh sự hiện diện của các hãng hàng không quốc tế với các điểm đến ở Việt Nam được kỳ vọng tăng mạnh trong năm 2023.

Vào tháng 6/2022, sản phẩm công nghệ “Bay trước - Trả sau” của Vietjet và Movi đạt giải thưởng “Sản phẩm fintech mới tốt nhất năm 2022” do Tạp chí The Global Economics Times (Vương quốc Anh) trao tặng. Vietjet tiếp tục vinh dự được trao tặng các giải thưởng quốc tế uy tín bao gồm “World Airline Award” từ Skytrax, “Hãng bay đem lại giá trị tốt nhất cho khách hàng châu Á 2022” và “Hãng bay có dịch vụ tiếp viên trên tàu bay tốt nhất châu Á 2022” từ World Business Outlook trong tháng 11/2022.

Bên cạnh đó, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và gắn kết với khách hàng, Vietjet đã triển khai chương trình khách hàng thân thiết Vietjet SkyJoy với nhiều tiện ích và mang lại đặc quyền cho khách hàng thông qua cơ hội tích lũy, đổi điểm thưởng cùng các thương hiệu lớn và nhận nhiều ưu đãi đặc biệt. Sản phẩm Vietjet SkyJoy được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị thương hiệu Vietjet, gia tăng khách hàng.

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, chung tay cùng cộng đồng hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, Vietjet tiếp tục thực hiện các chuyến bay miễn phí dành cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nội trú mồ côi do Covid... trên khắp mọi miền Tổ quốc về quê hương sum vầy đón Tết cùng người thân. Năm 2023 kỳ vọng sẽ là một năm vận chuyển hàng không quốc tế tăng trưởng mạnh, cơ hội cho các hãng hàng không đảm bảo được năng lực tài chính và vận hành như Vietjet.

Tin bài liên quan