Không cổ tức, thù lao vẫn chi lớn
Rất nhiều cổ đông đã lên tiếng và bày tỏ bức xúc trước tình trạng không được chia cổ tức trong nhiều năm qua ở một số ngân hàng. Giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm trong thời gian dài, bởi vậy, “trót” bỏ vốn vào ngân hàng, cổ đông chỉ kỳ vọng vào số cổ tức ít ỏi, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Thế nhưng, không chỉ với nhà băng nhỏ mà ngay cả ngân hàng lớn cũng không thực hiện được chính sách cổ tức cho cổ đông, dù ở mức thấp.
Eximbank là trường hợp cụ thể khi lợi nhuận năm 2014 chỉ đạt 69 tỷ đồng trước thuế (sau khi đã trích lập dự phòng trên 1.300 tỷ đồng do nợ xấu tăng). Bởi vậy, dù tỷ lệ cổ tức dự kiến cho năm 2014 ở mức 8,5%, Eximbank đã không còn khả năng chi trả. Bất chấp kết quả kinh doanh thất vọng, mức thù lao HĐQT, BKS đã được nhà băng này tạm ứng lên đến 33 tỷ đồng, trên kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho năm trước là 1.600 tỷ đồng.
Cổ đông Eximbank đã đề nghị được thu hồi lại phần thù lao đã chi nói trên. Cổ đông nhà băng này cho rằng, nếu cùng trong bối cảnh khó khăn, phải dành mọi nguồn lực để trích dự phòng rủi ro thì không chỉ cổ đông phải hy sinh cổ tức, mà HĐQT, BKS cũng phải chia sẻ về phần thù lao.
Không những thế, cổ đông Eximbank còn cho rằng, hoạt động của Eximbank 2 năm gần đây không hiệu quả, nợ xấu tăng lên một phần thuộc về trách nhiệm điều hành của HĐQT, BKS và Ban điều hành. Trước những chỉ trích này của cổ đông, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, sẽ thu hồi lại khoản thù lao 33 tỷ đồng đã chi để đưa vào quỹ của Eximbank và cho biết, ông sẽ rút khỏi HĐQT nhiệm kỳ tới đây.
Chỉ tiêu lợi nhuận Eximbank đưa ra cho năm nay ở mức 1.000 tỷ đồng, cổ tức 4,5%, nhưng thù lao HĐQT, BKS trình ĐHCĐ trong kỳ họp thường niên ngày 21/7 vẫn ở mức 1,5% trên tổng lợi nhuận sau thuế của năm 2015, ngang bằng so với mức của năm trước. Năm 2013, Eximbank đạt 658,7 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất sau thuế và mức thù lao chi trả cho HĐQT, BKS trong năm 2013 của Eximbank cũng là 1,5% lợi nhuận sau thuế.
Không phải nhà băng nào cũng thực hiện được chính sách thu hồi thù lao HĐQT, BKS như Eximbank đã làm để đáp ứng mong mỏi của cổ đông khi không có cổ tức. Cụ thể, với SouthernBank trước khi về với Sacombank, Ngân hàng 3 năm liền không chia cổ tức cho cổ đông, nhưng thù lao HĐQT, BKS vẫn được giữ nguyên như kế hoạch đề ra ban đầu, ở mức trên 13 tỷ đồng. Trong khi, nợ xấu của SouthernBank tăng mạnh khiến lợi nhuận chỉ còn vài tỷ đồng. Cụ thể, năm 2014, ngân hàng này chỉ hoàn thành được 2% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đạt 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức thù lao HĐQT, BKS vẫn được SouthernBank chi gần 14 tỷ đồng cho 6 thành viên.
Cổ đông SouthernBank đã không khỏi bức xúc trước vấn đề này và đã chất vấn gay gắt với HĐQT, Ban điều hành Ngân hàng, nhưng kết quả không thay đổi.
Nhiều ngân hàng đã không chi trả cổ tức năm 2014 cho cổ đông, song lại không quên trả thù lao cho lãnh đạo. Trong đó, Maritime Bank 2 năm qua không chia cổ tức, nhưng thù lao HĐQT, BKS vẫn được trích từ các quỹ phúc lợi của Ngân hàng cho bộ máy lãnh đạo.
DongA Bank cũng trích 4 tỷ đồng cho Quỹ hoạt động HĐQT và trên 14 tỷ đồng cho Quỹ khen thưởng phúc lợi từ nguồn lợi nhuận ít ỏi 35 tỷ đồng trong năm 2014, cho dù cổ đông DongA Bank không nhận được đồng cổ tức nào của năm qua. Chính điều này đã khiến cổ đông Ngân hàng tỏ ra búc xúc và yêu cầu được thay HĐQT, Ban điều hành, nhằm vực dậy DongA Bank trở về vị trí trước đây. Tổng giám đốc DongA Bank, ông Trần Phương Bình đã thừa nhận và xin lỗi cổ đông về vấn đề này. Tuy nhiên, ông chỉ cho biết, sẽ nỗ lực hết mình để xử lý nợ xấu về dưới mức an toàn so với tỷ lệ 3,76% cuối năm 2014.
Thù lao năm sau cao hơn năm trước
Dù nợ xấu tăng trong những năm qua khiến lợi nhuận thu về sụt giảm mạnh, cổ đông không còn một đồng cổ tức nào, nhưng thù lao lãnh đạo của nhiều nhà băng năm sau vẫn cao hơn năm trước.
LienVietPostBank đã đưa ra kế hoạch chi trả 40 tỷ đồng thù lao HĐQT, BKS năm 2015, theo nội dung tờ trình ĐHCĐ số 103a/2015/TTr-HĐQT ngày 11/3/2015 của HĐQT.
Trong kỳ ĐHCĐ thường niên 2015, TPBank cho biết, kế hoạch năm 2015 cần có sự đầu tư, trong đó ngân sách của HĐQT, BKS dự trù là 13,125 tỷ đồng cho 11 thành viên HĐQT, BKS, tăng 35% so với thực hiện năm 2014.
Vietinbank đã đề xuất mức thù lao 0,36% lợi nhuận sau thuế năm 2015, tăng 0,04% so với năm trước. Theo đó, Vietinbank đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2015 là 5.694 tỷ đồng. Ước tính, thù lao chi trả dự kiến năm nay ở mức 20,498 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của BIDV năm 2014 là 4.992 tỷ đồng. Thù lao cho các thành viên lãnh đạo cấp cao của nhà băng này là 0,38% lợi nhuận sau thuế. Năm 2015, mức thù lao cho các lãnh đạo của BIDV được nâng từ 0,38% lên mức 0,44% lợi nhuận sau thuế, cao hơn các nhà băng cùng quy mô.
VIB chi thù lao HĐQT, BKS năm 2014 bằng 2% tổng lợi nhuận trước thuế và không thấp hơn 12 tỷ đồng. Kế hoạch chi trả cho năm 2015 là ở gần mức 14 tỷ đồng.
Với Vietcombank, mức thù lao của các “sếp” Vietcombank năm 2015 chỉ bằng mức năm 2014 là 16,14 tỷ đồng, tương đương 0,35% lợi nhuận sau thuế. Lãnh đạo Vietcombank cho rằng, năm 2015, thị trường còn có những khó khăn nhất định, đòi hỏi HĐQT, BKS Nhà băng phải tăng cường kiểm soát, giám sát, nhằm đảm bảo mục tiêu đưa ra, hạn chế rủi ro, nhưng lại không tăng thù lao cho đội ngũ lãnh đạo.
Theo nhận định của một thành viên trong Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc chi thù lao HĐQT, BKS của các ngân hàng là điều bình thường. Bởi các thành viên HĐQT, BKS là những người điều hành hoạt động của nhà băng. Thế nhưng, nếu HĐQT các nhà băng ra sức kêu gọi cổ đông chia sẻ khó khăn khi không còn khả năng chi trả cổ tức, do phải tập trung nguồn lực để trích dự phòng rủi ro, thì các vị lãnh đạo ngân hàng cũng nên chia sẻ một phần thù lao để cổ đông khỏi phải ấm ức!