Lợi nhuận các ngân hàng giảm ít nhất 17.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, tạo dự báo kém tích cực về lợi nhuận ngành ngân hàng trong phần còn lại của năm 2020.
Tín dụng năm 2020 dự báo tăng khoảng 7,5- 8,5%, thấp hơn mục tiêu ban đầu là 11-14%

Tín dụng năm 2020 dự báo tăng khoảng 7,5- 8,5%, thấp hơn mục tiêu ban đầu là 11-14%

8 tháng, tín dụng chỉ tăng 5%

Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ cho biết, hàng ngày “quay cuồng” với cả loạt vấn đề chính yếu: Cho vay hay không cho vay, món vay này còn thiếu một chút mới đạt chuẩn thì xử lý như thế nào, cách nào để thu hồi nợ để được mở rộng tín dụng… Bởi lợi nhuận của các ngân hàng Việt đến chủ yếu từ tín dụng, chỉ phần nhỏ là từ thu phí dịch vụ, đầu tư…

“Có những lúc nói chuyện vui với anh em, nhận hồ sơ tín dụng được trình lên, chẳng nhẽ cầm bông hoa để bói cho vay hay không cho vay”, vị tổng giám đốc chia sẻ.

Trên thực tế, nhu cầu tín dụng tưởng như có thể khởi sắc từ tháng 6 sau làn sóng Covid thứ nhất, thì niềm hy vọng mới được nhen nhóm nhanh chóng bị dập tắt bởi sự xuất hiện của làn sóng dịch bệnh thứ hai với dự báo kinh tế sẽ tiếp tục suy yếu.

Trong khi đó, các ngân hàng không thể hạ tiêu chí cấp tín dụng để tăng huy động vốn, còn tăng trưởng tín dụng mảng bán lẻ vốn đã không được mạnh mẽ như trước, thì nay còn không dám cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Biện pháp quan trọng nhất mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và chính sách tiền tệ có thể làm lúc này để tạo ra hiệu ứng kép là lãi suất giảm, đồng thời bơm tiền theo hướng mua trái phiếu chính phủ để hỗ trợ chính sách tài khóa, thúc đẩy Chính phủ tăng các khoản tài trợ, kể cả các khoản hỗ trợ vốn cho các doanh nhiệp nhà nước lớn như Vietnam Airline, Đường sắt Việt Nam…, không thể để những doanh nghiệp này rơi vào tình trạng khó khăn, mất thị phần”.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, có khoảng 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2020, tăng 70,8% so với cùng kỳ 2019. Hiệu ứng domino xảy ra khi càng nhiều doanh nghiệp đóng cửa, càng nhiều người lao động bị mất việc, cùng với đó là không có thu nhập. Tiền không có dẫn đến người dân hạn chế chi tiêu, hàng hóa không tiêu thụ được, doanh nghiệp khó khăn chồng lên khó khăn và các ngân hàng cùng chịu tác động theo…

Nền kinh tế cuốn theo vòng xoáy luẩn quẩn, bởi rõ ràng doanh nghiệp khó khăn sẽ không vay vốn, chưa nói đến món vay cũ chưa trả được. Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, chênh lệch huy động - cho vay tiền đồng có xu hướng mở rộng mạnh, ước đạt trên 70.000 tỷ đồng trong tháng 8 khi các hoạt động tín dụng của nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

“Ước tính đến hết tháng 8, tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ đạt khoảng 5%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng hơn 7% của tăng trưởng huy động vốn”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Tín dụng tăng thấp, lượng hóa mức giảm lợi nhuận

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ dao động trong khoảng 7,5- 8,5%, thấp hơn mục tiêu ban đầu của NHNN là 11-14%.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Minh Hoàn, Quyền Tổng giám đốc SCB cho biết, từ câu chuyện tăng trưởng tín dụng còn dẫn đến vấn đề giảm lãi suất huy động, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất cho vay và trích lập dự phòng tăng khiến lợi nhuận của các ngân hàng giảm.

Tính đến cuối tháng 7, thông tin từ các ngân hàng niêm yết cho biết đã giảm lãi suất huy động từ 0,9-2,1 điểm phần trăm so với đầu năm. Trong đó, mức cắt giảm lớn nhất thuộc về lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng (là lãi suất tham chiếu cho lãi suất cho vay dài hạn) được thực hiện từ tháng 6. Ước tính, lãi suất huy động tiếp tục giảm trong 5 tháng qua khoảng 50 điểm phần trăm đối với kỳ hạn trên 6 tháng và 70 điểm phần trăm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng.

“Tình trạng này chủ yếu do nhu cầu tín dụng yếu”, một lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhận xét.

Còn theo tính toán của Công ty Chứng khoán SSI, nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm bởi dịch bệnh kéo dài, số lượng khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền sẽ tiếp tục tăng lên. Các ngân hàng sẽ phải đưa các khoản vay này vào danh sách tái cơ cấu, hoặc phân loại lại thành nợ xấu. Do đó, thu nhập lãi mất đi liên quan đến nợ tái cơ cấu và nợ xấu có thể ở mức đáng kể hơn. Hơn nữa, một phần thu nhập lãi được ghi nhận trong 6 tháng cuối năm 2020 có thể bị thoái thu do khoản nợ này bị hạ xếp loại.

“Những tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất và miễn lãi sẽ kéo dài trong nửa cuối năm 2020, lâu hơn là sang tới nửa đầu năm 2021. Do đó, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng có thể giảm thêm 60 điểm phần trăm trong nửa cuối năm 2020”, các chuyên gia phân tích của SSI nhận định.

Tính toán cho thấy, lợi nhuận sẽ giảm từ mức cao trong nửa cuối năm 2019 do nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng trích lập dự phòng làm giảm thêm lợi nhuận. Ước tính, các ngân hàng sẽ đẩy nhanh việc trích lập dự phòng cho nợ xấu mới và nợ tái cơ cấu, cho dù thời hạn áp dụng của Thông tư 01/2020/TT-NHNN có thể được kéo dài để trì hoãn thời gian ghi nhận nợ xấu.

Dẫu vậy, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tính toán, giả định năm 2019 ngân hàng có 1.000 tỷ đồng cho vay và năm 2020 mức tăng trưởng tín dụng được cấp là 10%, nghĩa là ngân hàng được cho vay mới 100 tỷ đồng. Nếu mức tăng trưởng tín dụng giảm xuống còn 5% thì ngân hàng chỉ có 50 tỷ đồng cho vay mới và tương ứng là phần lợi nhuận dự kiến tăng thêm bị giảm.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, dư nợ tín dụng của nền kinh tế hiện đạt 8,5 triệu tỷ đồng, nếu tăng trưởng tín dụng giảm 10% nghĩa là giảm 850.000 tỷ đồng so với dự kiến, nhân với 2% là tỷ lệ lãi suất bình quân của hệ thống giảm, cho ra kết quả lợi nhuận từ cho vay toàn hệ thống ngân hàng sẽ mất từ 17.000 tỷ đồng do tăng trưởng tín dụng không đạt mức đề ra. Đó là chưa kể tới phần lợi nhuận giảm do tăng trích lập dự phòng.

Nghiên cứu của SSI ước tính, so với cuối năm 2019, lợi nhuận trước thuế của toàn hệ thống trong nửa cuối năm 2020 giảm 22,1% do thu nhập hoạt động giảm 4% và chi phí dự phòng tăng 47,8%. Trong đó, phần lợi nhuận giảm đến từ các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (VCB, BID và CTG) là 35,7% chủ yếu do chi phí dự phòng tăng 58,8% trong nửa cuối năm nay.

Điểm đáng chú ý, năm 2020, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối chịu nhiều áp lực hơn từ NHNN trong việc hỗ trợ khách hàng thời kỳ đại dịch, trong khi các ngân hàng cổ phần tư nhân vẫn có dư địa nhất định để cân đối giữa việc hỗ trợ khách hàng và đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối dự báo giảm tới 15,9%, còn nhóm ngân hàng tư nhân chỉ giảm 3,3%.

Vị lãnh đạo ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ kỳ vọng tín dụng trong 4 tháng cuối năm sẽ cải thiện hơn so với 8 tháng đầu năm, cho dù mức độ cải thiện sẽ không lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 mới quay trở lại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp tiếp tục thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng đầu tư.

“Nhớ lại khủng hoảng kinh tế cách đây 8-9 năm, cuối mỗi ngày thấy số liệu gửi lên là biết lại mất tiền, vấn đề chỉ là hôm đó mất nhiều hay ít. Nhưng mỗi sáng dậy, thấy mình vẫn thở, nghĩa là mình vẫn đang sống, nên vẫn phải lạc quan và không cần phải keo kiệt với ước mơ của mình”, vị này nói.

Tin bài liên quan