Nhiều doanh nghiệp sụt giảm tăng trưởng
Thị trường xây dựng có xu hướng chậm đã tác động đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhóm ngành này, ngay cả những “ông lớn” như Coteccons, Xây dựng Hòa Bình… cũng không là ngoại lệ. Kết quả kinh doanh quý đầu năm chính là tín hiệu sớm cho sự suy giảm đà tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành xây dựng, bởi theo yếu tố mùa vụ, quý I và quý IV là giai đoạn tập trung doanh thu.
Kết thúc quý I/2019, Công ty cổ phần Coteccons đạt doanh thu thuần 4.249 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 35%, đạt gần 189 tỷ đồng. Ðây là mức lợi nhuận thấp nhất của Coteccons trong vòng 4 năm qua. Lợi nhuận giảm mạnh do biên lợi nhuận gộp của Coteccons ngày càng mỏng. Bên cạnh đó, Công ty không còn ghi nhận phần lãi từ công ty liên kết (63 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2018).
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), kế hoạch kinh doanh của Coteccons trong năm 2019 tương đối thận trọng trong bối cảnh thị trường xây dựng khó khăn và dự báo lợi nhuận nửa đầu năm 2019 có thể sụt giảm so với cùng kỳ. (Năm 2019, Coteccons đặt mục tiêu đạt 27.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% và 1.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 14% so với năm 2018). Hiện Coteccons có hợp đồng thi công hơn 40 công trình, nhưng khoảng 40% sẽ rơi vào tình trạng tạm ngưng. Do đó, Coteccons sẽ phải nỗ lực tìm kiếm các dự án mới bên cạnh những hợp đồng có giá trị chuyển tiếp từ năm cũ.
Công ty cổ phần Tasco (HUT) cũng dự báo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 đi xuống so với cùng kỳ (riêng quý I/2019, HUT lỗ 13,7 tỷ đồng). Chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HUT cho biết, các mảng hoạt động mang lại nguồn thu chính của Tasco là bất động sản và BOT đều đang gặp khó và liên tục tụt dốc.
“Chúng tôi đã quyết định dừng mảng BOT để mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới như nông nghiệp, song cũng phải mất thời gian để thực hiện tái cơ cấu, nên trước mắt, kết quả kinh doanh trong năm 2019 chưa khả quan như mong muốn của cổ đông”, ông Dũng nói.
Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC) cũng sớm dự báo về khả năng sụt giảm lợi nhuận trong giai đoạn nửa đầu năm 2019. Riêng quý I/2019, lợi nhuận sau thuế của PHC đạt 11,5 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ 2018.
Với Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Ðức (TMC), sự cố Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn làm giảm nguồn cung xăng dầu, khiến Coongty gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn hàng, đặc biệt là xăng E95. Hậu quả là TMC đã ghi nhận mức lỗ hơn 2 tỷ đồng trong quý đầu năm. Ông Nguyễn Thanh Bình, Thành viên Hội đồng quản trị TMC cho biết, quý II, lợi nhuận đã được cải thiện đáng kể, ước đạt hơn 6 tỷ đồng. Tuy vậy, kết quả chung nửa đầu năm 2019 vẫn giảm so với cùng kỳ 2018.
Theo ông Bình, hoạt động kinh doanh của TMC phụ thuộc lớn vào biến động giá xăng dầu. Ngoài ra, là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, các chính sách hoa hồng phân phối xăng dầu của Nhà nước cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của Công ty.
Trong số những doanh nghiệp sụt giảm mạnh lợi nhuận trong 6 tháng, cũng có những doanh nghiệp không xuất phát từ lý do doanh nghiệp làm ăn kém hơn, mà do cùng kỳ năm trước có khoản lợi nhuận khác đột biến. Ðó là trường hợp của Công ty cổ phần Gemadept (GMD). 6 tháng đầu năm 2018, GMD ghi nhận lợi nhuận sau thuế kỷ lục với 5.248 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với cùng kỳ 2017; trong đó, phần chuyển nhượng vốn hai công ty con (Gemadept Shipping và Gemadept Logistic) và Hoa Sen Gemadept chiếm 1.560 tỷ đồng.
Nếu so sánh với con số cùng kỳ, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2019 của GMD sụt giảm mạnh (trong đó, quý I/2019 ghi nhận sụt giảm 87%). Dù vậy, theo chia sẻ từ ông Ðỗ Văn Minh, Tổng giám đốc GMD, riêng mảng logistics của Công ty vẫn đang duy trì tăng trưởng khoảng 14 -18% trong nửa đầu năm và dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ thương mại điện tử và bán lẻ có tốc độ nhanh hơn. Ngoài ra, GMD cũng nghiên cứu M&A các công ty khác để hoàn thành hệ sinh thái, đối tượng hướng đến các công ty vận tải và phân phối.
Mục tiêu của Công ty là duy trì tăng trưởng 20-30%/năm và cải thiện biên lợi nhuận trong lĩnh vực logistics. GMD đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.800 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm trước.
Lãnh đạo GMD cho biết, nếu so sánh với con số đạt được trong 2018 thì lợi nhuận năm 2019 chỉ ước bằng một phần ba, nhưng nếu loại trừ lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng vốn gần 1.600 tỷ đồng trong năm 2018 thì con số kế hoạch lợi nhuận 2019 tăng 15% so với năm 2018.
Nhìn một cách tổng quan, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, xu hướng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại đã thể hiện rõ kể từ quý II/2018. Các nguyên nhân chính có thể kể đến như tăng trưởng lợi nhuận đột biến của ngành tài chính và bất động sản trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018. Chi phí sản xuất chịu áp lực lớn từ việc giá xăng dầu và than tăng mạnh. Cùng với đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào (giá vải sợi, giá thép...) của một số doanh nghiệp ngành xây dựng và dệt may cũng bị đẩy lên cao.
KBSV hạ dự phóng tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết xuống 9% cho năm 2019. Ðối với dự phóng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp trên hai sàn trong giai đoạn nửa đầu năm 2019, bên cạnh các nguyên nhân mang tính kỹ thuật khiến tăng trưởng lợi nhuận sụt giảm trong các quý gần đây, có một thực tế là bối cảnh vĩ mô trong nước và quốc tế cũng không thuận lợi như các năm trước cho việc mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.
Những khoản lỗ sớm được dự báo
Một số doanh nghiệp đã sớm dự báo được bức tranh thua lỗ trong giai đoạn nửa đầu năm, thậm chí kéo dài cả năm 2019. Nhà đầu tư chỉ cần nghe tới tên của một số doanh nghiệp cũng hình dung được tình cảnh thua lỗ.
Tại Ðại hội đồng cổ đông vừa tổ chức trong tháng 6/2019, Công ty cổ phần Gỗ Trường Thành (TTF) đặt kế hoạch lỗ tiếp 588 tỷ đồng và không chia cổ tức. Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia (RIC) cũng dự báo tình hình kinh doanh bết bát, trong đó, riêng quý I/2019, RIC đã ghi nhận lỗ hơn 43 tỷ đồng. Nguồn thu giảm là do kinh doanh câu lạc bộ có tính chất may rủi. Trong khi đó, giá vốn hàng bán thì vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước…
2019 cũng sớm được dự báo là giai đoạn khó khăn đối với doanh nghiệp ngành thép do ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như xu hướng bảo hộ tại các thị trường nước ngoài, trong khi biến động giá quặng, giá thép còn bất lợi. Chỉ riêng trong quý I/2019, đã có 5 doanh nghiệp thép báo lỗ.
Trong đó, Thép Nam Kim báo lỗ lớn nhất, với 102 tỷ đồng; Thép Pomina báo lỗ 82 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 226 tỷ đồng; Thép Việt Ý lỗ 34 tỷ đồng. Ðại Thiên Lộc cũng thua lỗ trong quý đầu năm do chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán các thành phẩm lại không tăng. Với diễn biến thị trường, có thể dự báo các doanh nghiệp này khó có khả năng “biến lỗ thành lãi” ngay trong quý II.
Ðại diện VIS cho biết, nửa đầu năm 2019, Công ty chưa thể đạt con số khả quan, bởi nhiều yếu tố. Trong đó, biến động giá nguyên vật liệu là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến hoạt động kinh doanh của Công ty, trong khi tình trạng cung đang vượt cầu càng khiến Công ty hoạt động khó khăn hơn. Hơn nữa, VIS vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu hoạt động khi Tập đoàn Kyoel Steel Ltd chính thức sở hữu.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ðại Thiên Lộc cho biết, chưa bao giờ ngành thép khó khăn như bây giờ. Hoạt động xuất khẩu bị chặn bởi nhiều rào cản thương mại, trong khi giá xuất khẩu giảm mạnh, nên các doanh nghiệp chủ yếu tìm kênh cạnh tranh trong nước.
“Lợi nhuận quý II/2019 của Công ty đã khá hơn so với quý I, nhưng nhiều khả năng chỉ bù lỗ cho quý đầu năm”, ông Nghĩa chia sẻ thêm.