Lợi nhuận ACB giảm vì nợ xấu

Lợi nhuận ACB giảm vì nợ xấu

(ĐTCK) Lợi nhuận của ACB khả quan trong 6 tháng đầu năm nay nhờ hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối tốt.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Ngân hàng TMCP Á châu (ACB), thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đạt 1.105 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 128 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 6 tỷ đồng).

Tuy nhiên, trong quý II/2013 hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối của ACB đã có lãi 30 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng chỉ lỗ 54 tỷ đồng, thay vì  lỗ trên 1.700 tỷ đồng như năm ngoái. Chính điều này đã phần nào đỡ cho lợi nhuận của ACB trong 2 quý đầu năm nay.

Lợi nhuận ACB giảm vì nợ xấu ảnh 1

Lợi nhuận của ACB được cải thiện nhờ hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối

Cụ thể, tổng mức lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro của ACB quý II/2013 đạt 605 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng ACB đạt 1.202 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm xấp xỉ một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Song do trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ACB trong 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh, trong đó riêng quý II giảm gần 70% và 6 tháng giảm 14,5%. Vì thế, lợi nhuận trước thuế quý II của ACB chỉ giảm 45% so với cùng kỳ, đạt 549 tỷ đồng và 6 tháng là 944 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế quý II của Ngân hàng là 409 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 716 tỷ đồng, giảm lần lượt 44,2% và 55,4% so với cùng kỳ. Theo lý giải của ACB, khoản lợi nhuận này giảm chủ yếu do thu nhập lãi thuần thấp khi phần tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác giảm mạnh làm giảm phần lãi.

Tín dụng ACB trong 2 quý đầu năm tăng 7,4%, huy động tăng 13,4%. Đến 30/6, tổng tài sản của ACB là 169.403 tỷ đồng, giảm 3,9% so với 176.307 tỷ đồng cuối năm 2012.

Thuyết minh báo cáo tài chính giữa niên độ hợp nhất cũng cho thấy, đến 30/6, ACB có tổng cộng 3.302 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,5% so với 2.570 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái và chiếm 2,99% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là nợ nhóm 4 và nhóm 5 tăng mạnh. ACB có 946 tỷ đồng nợ nghi ngờ và 1.782 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn đến thời điểm 30/6, tăng lần lượt 40,6% và 55% so với cuối năm 2012.