Lợi nhuận 9 tháng vượt kế hoạch cả năm, cổ phiếu SBT có gì hấp dẫn?

Lợi nhuận 9 tháng vượt kế hoạch cả năm, cổ phiếu SBT có gì hấp dẫn?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III niên độ tài chính 2021 - 2022 (từ 1/1 đến 31/3/2022) tăng trưởng tích cực.

Theo đó, 9 tháng đầu niên độ tài chính 2021 - 2022, SBT ghi nhận 12.818 tỷ đồng doanh thu và 802 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng trưởng 19% và 46% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đầu ngành mía đường đã hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu và vượt 7% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Nguồn: Báo cáo tài chính của SBT

Nguồn: Báo cáo tài chính của SBT

Riêng trong quý III, SBT ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.516 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp được cải thiện từ mức 15,8% lên 17,4%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 611,5 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi trừ chi phí, SBT lãi trước thuế 221,5 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Lãi ròng thu về 207 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 205 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ.

SBT hiện là nhà sản xuất đường và các sản phẩm đường số 1 tại Việt Nam với 46% thị phần đường nội địa.

Trong niên độ tài chính 2021 - 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ tăng nhẹ và giữ vững thị phần ở các phân khúc kinh doanh đã xây dựng. Kế hoạch doanh thu tương ứng 16.905 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 750 tỷ đồng.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, SBT đặt mục tiêu sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tại Australia lên 20.000 ha ứng dụng công nghệ cao và hướng đến tăng cường trao đổi, phát triển nông nghiệp 4.0.

Hưởng lợi từ xu hướng giá dầu tăng và nhu cầu phục hồi của ngành Đường

Theo Hiệp hội mía Đường Brazil (Unica), kết thúc vụ ép 2021 - 2022 sản lượng nghiền mía của nước này đạt 523,1 triệu tấn, giảm 13,6%, điều này dẫn tới sự sụt giảm trong sản lượng Đường thu hoạch với 32,1 triệu tấn, giảm mạnh 16,6% so với niên vụ trước do ảnh hưởng bởi mùa hè kéo dài tại các vùng sản xuất, trong khi băng giá đã ảnh hưởng đến hơn 10% diện tích thu hoạch và các đám cháy bùng phát vào tháng 9 năm ngoái.

Nhà máy sản xuất Ethanol từ Mía ở Brazil

Nhà máy sản xuất Ethanol từ Mía ở Brazil

Đồng thời, sản lượng ethanol của Brazil cũng giảm 9,3% trong vụ ép vừa qua, đạt 27,5 tỷ lít.

Trong bối cảnh giá dầu thô tiếp tục tăng cao khi Nga tiến hành quân sự tại Ukraine, các nhà máy mía đường Brazil đã có động thái nhanh chóng chuyển hướng sang sản xuất ethanol thay vì đường khi niên vụ 2022 - 2023 bắt đầu vào tháng 4.

Theo các chuyên gia dự báo, sẽ có thêm khoảng 8 triệu tấn đường được chuyển sang sản xuất ethanol khi giá ethanol tăng mạnh như hiện nay.

Doanh số bán ethanol chứa nước đang cho thấy phục hồi mạnh mẽ từ nửa cuối tháng 3/2022, trong 2 tháng cuối vụ thu hoạch, các đơn vị sản xuất đã tăng 16,2% lượng bán ra, điều này cũng đã làm giảm nguồn cung đường toàn cầu và kích thích giá đường quốc tế tăng đáng kể.

Theo các nhà phân tích từ StoneX, sản lượng đường sản xuất của Trung Quốc (Nhà nhập khẩu đường lớn nhất thế giới) giảm có khả năng làm tăng thâm hụt đường toàn cầu trong niên vụ đường 2021 - 2022 đang diễn ra. Điều này làm tăng nhập khẩu đường của Trung Quốc, có khả năng tăng từ 4,5 triệu tấn lên 5,5 triệu tấn.

Bên cạnh đó, các nước như Nga, Philippines, Indonesia tích cực nhập khẩu đường để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước và ngăn chặn đà tăng giá chóng mặt của mặt hàng này.

Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cho biết trong tháng 3, giá Đường thô giao ngay đã tăng vọt lên mức cao nhất 4 tháng với trung bình 19,1 Cents/lb, tăng 6,7% so với 17,9 Cents/lb của tháng 2 và tăng so với mức 18,2 Cents/lb của tháng 1.

Chỉ số giá Đường trắng cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong 5 năm gần đây với 528,4 USD/tấn so với 488,2 USD/tấn của tháng trước đó.

Đối với SBT, Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá đơn vị này có nhiều điều kiện để tiếp tục tăng tốc trong năm 2022 nhờ giá đường thế giới trung bình dự phóng tăng 10-15% so cùng kỳ nhờ ảnh hưởng từ giá dầu thế giới.

Danh mục sản phẩm đa dạng của SBT, hướng đến hoàn thiện chuỗi giá trị cây Mía, cung cấp sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao cho Người tiêu dùng

Về dài hạn, Công ty chứng khoán này đánh giá tích cực về tiềm năng phát triển của SBT nhờ các yếu tố hỗ trợ như nguồn cung đường nội địa hiện tại chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nội địa; Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đường đối với một số sản phẩm từ Thái Lan thời hạn 5 năm tính từ 2021.

Giá Đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá Đường thế giới, hiện đang ở mức cao nhất trong 5 năm gần đây Bên cạnh đó, sản lượng đường tiêu thụ dự phóng tăng 5% so cùng kỳ nhờ sự phục hồi của thị trường nội địa cũng như xuất khẩu hậu Covid-19.

Đường trắng Việt Nam chính thức được giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa liên lục địa ICE từ 23/4/2021 giúp tăng cơ hội tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao tại thị trường thế giới.

Hiện tại, SBT đang mở rộng chuỗi giá trị của sản phẩm đường với việc cung cấp ra thị trường 73 dòng sản phẩm đường, trong đó có 7 dòng sản phẩm đường Organic đạt chuẩn EU và USDA, 11 dòng sản phẩm cạnh đường, sau đường, 6 sản phẩm nước uống và khoảng 108 triệu KWH điện thương phẩm hàng năm.

Song song, SBT cũng đang đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh phục vụ các thị trường trong nước và quốc tế.

Công ty kỳ vọng việc đầu tư vào Australia sẽ nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu lên gần 90.000 ha, hướng đến mục tiêu tổng sản lượng đạt 2 triệu tấn đường, doanh thu đạt 1,5 tỷ đô la Mỹ vào Niên độ 2024 - 2025.

Tin bài liên quan